“Rồng lửa” Patriot bất lực trước tên lửa Scud?

Vy Lam |

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau khi các tổ hợp tên lửa Patriot do NATO bố trí tại 3 tỉnh thành của Thổ Nhĩ Kỳ không thể chặn được một tên lửa Syria bắn vào nước này.

Tờ Hurriyet Daily News (Thổ Nhĩ Kỳ) đưa tin:

Trong một tuyên bố hôm 25/3, Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, quân đội Syria đã bắn một “tên lửa” trong cuộc giao tranh với quân nổi dậy ở biên giới cuối ngày 24/3.

Tên lửa này sau đó đã phát nổ gần thị trấn Reyhanli, tỉnh Hatay, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, tạo ra một hố rộng 15m, làm sập mái của một tòa nhà ở đồn quân sự gần đó, khiến 2 xe quân sự bị hư hại và 5 công dân Thổ Nhĩ Kỳ bị thương nhẹ.

“Tên lửa Scud phóng đi từ Tartus”

Một số nguồn tin nói với Hürriyet rằng, thứ bắn sang Thổ Nhĩ Kỳ là một tên lửa được phóng đi từ thành phố Tartus của Syria, nơi có một căn cứ hải quân của Nga, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 200km.

“Tên lửa đã rơi xuống khu vực nằm ngoài tầm hoạt động của radar thuộc tổ hợp Patriot ở Thổ Nhĩ Kỳ” – một nguồn tin nói.

Erdoğan Karakuş, cựu Trung tướng Không quân Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng tên lửa Syria bắn sang Thổ Nhĩ Kỳ “nhiều khả năng là tên lửa Scud”.

Xe phóng tự hành tên lửa đạn đạo Scud của Quân đội Syria triển khai chiến đấu.

Xe phóng tự hành tên lửa đạn đạo Scud của Quân đội Syria triển khai chiến đấu.

Scud là loại tên lửa đạn đạo do Liên Xô phát triển trong Chiến tranh Lạnh.

Theo Hürriyet, Syria bắt đầu phát triển chương trình tên lửa Scud của nước này từ những năm 1970 và bắt đầu tự sản xuất các tên lửa Scud vào năm 1993 với sự hỗ trợ của Nga.

Tháng 5/2005, trong khi thử nghiệm, một tên lửa Scud của Syria đã rơi xuống gần ngôi làng ở Hatay, dẫn tới cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa 2 nước.

Karakuş cho rằng, việc quân đội Syria sử dụng tên lửa kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra đã cắt đứt mối quan hệ giữa Ankara và Damascus, đồng thời chỉ trích NATO qua vụ việc lần này.

Sai vị trí?

“Vụ việc mới nhất cho thấy các tổ hợp tên lửa Patriot nên được đặt ở Hatay. Tất nhiên, Patriot không thể đánh chặn mọi thứ nhưng vị trí hiện tại của các tổ hợp này ở Thổ Nhĩ Kỳ chỉ có thể bảo vệ một vài vùng lợi ích nhất định” – Karakuş nói.

Theo Karakuş, mục đích chính của NATO là bảo vệ căn cứ không quân của Mỹ ở Adana và hệ thống radar của NATO ở Malatya.

Song Hatay mới thực sự là “khu vực nguy hiểm nhất”. Vì vậy, đây chính là nơi cần được bố trí tổ hợp tên lửa Patriot nhất để bảo vệ các công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Tháng 12/2012, khi xuất hiện các mối đe dọa từ phía quân đội Syria với các loại vũ khí hóa học, Ankara đã đề nghị các đồng minh NATO bảo vệ 10 tỉnh thành của nước này bằng hệ thống tên lửa Patriot được tích hợp.

Đức, Hà Lan và Mỹ, mỗi nước đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 2 tổ hợp Patriot đặt tại 3 khu vực: Kahramanmaraş, Adana và Gaziantep.

Patriot và “thành tích” đáng xấu hổ

Mặc dù “sự thất bại” của Patriot trong vụ việc lần này được cho là do bố trí sai khu vực nhưng một số ý kiến vẫn nghi ngờ rằng, dù được bố trí tại đúng vị trí cần thiết, Patriot liệu có thể đánh chặn tên lửa Scud hay không?

Trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991), Iraq đã bắn 40 quả tên lửa vào lãnh thổ Israel và 46 quả vào lãnh thổ của Saudi Arabia.

May mắn là những tên lửa này chỉ rơi vào những khu dân cư thưa thớt nên thiệt hại về người không đáng kể.

Tại Israel, chỉ có 2 người chết và 11 người bị thương.

Nhưng một quả tên lửa Scud rơi vào một doanh trại của quân đội Mỹ tại thành phố Dhahran của Saudi Arabia, khiến ít nhất 26 lính Mỹ bị thiệt mạng và 100 người khác bị thương.

Patriot từng thất bại thê thảm trước Scud

Patriot từng thất bại thê thảm trước Scud

Đó là sự tổn thất lớn nhất của lực lượng liên quân trong một ngày trong chiến dịch "Bão táp Sa mạc".

Trong khi đó, mặc dù được triển khai rộng khắp, tên lửa đất-đối-không Patriot của Mỹ chỉ đánh chặn thành công 20% các tên lửa Scud.

Đặc biệt, có một “sự cố” mà người Mỹ rất muốn quên, đó là 26 tên lửa Patriot đã thất bại trong việc đánh chặn 1 tên lửa R-17 (Scud-B), trong khi chúng có đắt đỏ gấp 3 lần đối thủ.

Từ đó đến nay, vụ việc này vẫn nhiều lần được nhắc đến như một thành tích đáng xấu hổ của hệ thống phòng thủ tên lửa nổi tiếng Patriot.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại