Romania có vai trò gì nếu Mỹ muốn dùng quân sự cầm chân Nga?

Quốc Việt |

(Soha.vn) - Nếu Mỹ có kế hoạch can thiệp vào Crimea, Romania khó lòng đứng ngoài cuộc, bởi ngoài việc là thành viên của NATO, trên đất họ còn có hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Ngày 10/03/2014, Reuters đưa tin, tàu khu trục Mỹ USS Truxtun, được hộ tống bởi một tàu tuần duyên của Thổ Nhĩ Kỹ, đã vượt qua eo biển Bosphorus, tiến vào biển Đen để tiến hành hoạt động huấn luyện chung với hải quân Romania và Bulgaria.

Cuộc diễn tập được tiến hành tại vùng biển quốc tế phía đông nam thành phố cảng Constanta (Romania) cách cảng Sevastopol (Crimea) - căn cứ Hạm đội biển Đen (Nga) chỉ khoảng 350km. Về mặt địa lý, Romania có biên giới tiếp giáp với khu vực Đông Bắc của Ukraine, bờ biển tiếp giáp biển Đen dài 193,5km. Lực lượng tham gia diễn tập được dẫn đầu bởi tàu khu trục mang tên lửa điều khiển USS Truxtun cùng 300 thủy thủ đoàn. Chiếc tàu này là một phần của Hạm đội 6 của Mỹ đóng quân tại Italia.

Lục quân Romania khá ọp ẹp cả về trang bị khí tài cũng như quy mô lực lượng.
Lục quân Romania khá ọp ẹp cả về trang bị khí tài cũng như quy mô lực lượng.

Như vậy, nếu có một kế hoạch quân sự đối với Crimea, Hạm đội 6 của Mỹ đã có được 2 cơ sở quan trọng để mở lối vào biển Đen. Đầu tiên đó là sự đồng ý cấp phép của Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đến là Romania, một nước được coi là “sát nách” căn cứ của Hạm đội biển Đen Nga.

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò là quân bài chiến lược của Mỹ trong cuộc đối đầu ở Ukraine thì thực lực quân sự của Romania có thể giúp ích được gì cho Mỹ hay không?

Đội quân ọp ẹp

Sau cuộc cách mạng vào năm 1989, Romania lâm vào khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Quân đội Romania gần như bị “bỏ đói” vì thiếu ngân sách, nhiều đơn vị quân đội buộc phải giải tán, trang thiết bị vũ khí bị vất xó do không có kinh phí để hoạt động.

Mãi đến cuối những năm 1990, tình trạng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này mới bắt đầu được phục hồi. Đặc biệt, từ sau khi gia nhập NATO vào năm 2004, sức mạnh quân đội Romania đã được phục hồi đáng kể. So với Thổ Nhĩ Kỳ hay Ba Lan, quy mô quân đội Romania khá nhỏ.

Lực lượng tăng thiết giáp của Romania được xem là yếu nhất trong các nước mà Mỹ có thể mượn lãnh thổ để tiến hành kế hoạch can thiệp vào Crimea. Romania có khoảng 1.100 xe tăng chiến đấu chủ lực các loại trong đó nổi bật nhất là TR-85 - một biến thể của T-55 được sản xuất tại nước này và đưa vào sử dụng từ năm 1986.

Xe chiến đấu bộ binh các loại khoảng 1.535 chiếc, pháo kéo xe khoảng 1.360 khẩu, pháo phản lực bắn loại khoảng 188 hệ thống. Nhìn chung, lục quân Romania không thể giúp gì nhiều cho Mỹ trong một chiến dịch can thiệp nếu có vào bất ổn chính trị tại Ukraine.

Không quân không đủ sức chiến đấu

Lực lượng không quân Romania khá yếu, tiêm kích chủ lực của họ là 48 chiếc MiG-21 Lancer hợp tác nâng cấp cùng với Israel. Cho dù đã được nâng cấp thì MiG-21 cũng khó lòng mà chống chọi lại với các tiêm kích hiện đại. Romania cũng đã lên kế hoạch mua lại 24 tiêm kích F-16A/B đã qua sử dụng từ Bồ Đào Nha. Nhưng ngay cả khi có F-16 thì khả năng chiến đấu của không quân nước này cũng không cải thiện được bao nhiêu.

Tiêm kích hiện đại nhất Không quân Romania là chiến binh già MiG-21 Lancer.

Tiêm kích hiện đại nhất Không quân Romania là chiến binh già MiG-21 Lancer.

Số lượng máy bay còn lại của không quân nước này phần lớn là máy bay vận tải như An-30, C-27 Spartan, C-130 Hercules, An-26. Lực lượng phòng không mặt đất của họ có vẻ khá hơn Thổ Nhĩ Kỳ trong đó chủ lực là hệ thống phòng không tầm trung SA-6, S-75M3, tên lửa phòng không tầm thấp di động SA-8 cùng một số pháo phòng không tự hành.

Hải quân bó hẹp trong "ao làng" biển Đen

Quy mô của Hải quân Romania khá khiêm tốn, quân số chỉ khoảng 7.150 người, lực lượng tàu chiến của họ chỉ có khả năng đảm đương các hoạt động tác chiến ven bờ. Hiện đại nhất trong hạm đội tàu chiến của Romania là khinh hạm Type 22 đã qua sử dụng của Hải quân Hoàng gia Anh.

Loại tàu chiến có sức mạnh chiến đấu thứ 2 trong biên chế Hải quân Romania là khinh hạm lớp Mărășești (phiên âm tiếng Romania), một sản phẩm liên doanh giữa Romania và Hàn Quốc, cùng một số tàu hộ tống và tàu tên lửa cao tốc.

Hải quân Romania có khá nhiều lợi thế về khả  năng cơ động chiến đấu trong phạm vi hẹp của ao làng biển Đen.

Hải quân Romania có khá nhiều lợi thế về khả năng cơ động chiến đấu trong phạm vi hẹp trên biển Đen.

So với Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ thì Hải quân Romania yếu hơn nhiều họ càng không thể so sánh với hạm đội biển Đen của Nga. Tuy vậy, họ có lợi thế là khá thông thuộc khu vực biển Đen bởi đây là địa bàn hoạt động của họ. Trong cái “ao làng” biển Đen thì những tàu chiến có lượng giản nước nhỏ, khả năng cơ động cao lại tỏ ra có nhiều lợi thế hơn so với những tàu chiến lớn.

Cuối năm 2010, Hội đồng Quốc phòng tối cao của Romania đã ký một thỏa thuận cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại căn cứ không quân Deveselu, Olt County. Theo kế hoạch sẽ có khoảng 24 tên lửa SM-3 block I được triển khai cùng khoảng 200 binh lính Mỹ. Đối với Moscow, hệ thống phòng thủ tên lửa tại Romania là một mối đe dọa đối với họ.

Nếu Mỹ có một kế hoạch can thiệp vào Crimea, Romania khó lòng đứng ngoài cuộc, bởi ngoài việc là thành viên của NATO, trên đất họ còn có hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Nhìn chung với thực lực khá yếu, quân đội Romania sẽ không giúp gì nhiều được cho Hải quân Mỹ về mặt tác chiến nhưng họ lại mang lại cho Mỹ một lợi thế về mặt địa lý.

Cảng Constanta, Romania sẽ cung cấp cho hạm đội 6 của Mỹ một cơ sở neo đậu và tiếp tế lý tưởng. Với khoảng cách từ địa điểm này đến Sevastopol chỉ khoảng 350km, tàu chiến Mỹ neo đậu ở đây có thể giám sát các hoạt động của Hải quân Nga ở biển Đen. Bên cạnh đó, NATO cũng đã điều động máy bay chỉ huy và kiểm soát trên không AWACS từ Ba Lan và Romania để giám sát không phận Ukraine.

Romania đang trở thành một nhân tố mới cung cấp cho Mỹ-NATO một “đôi mắt” để theo dõi nhất cử nhất động của Nga tại Crimea.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại