Mới đây Không quân Argentina cho biết, họ quyết định lựa chọn phiên bản nâng cấp Kfir Block 60 của Israel và bỏ qua lời chào mời mua JF-17 Thunder của Trung Quốc.
“Sư tử con” Kfir mà Argentina muốn mua là biến thể hiện đại nhất của dòng máy bay này, được trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) do Elta Systems của Israel sản xuất, thiết bị điện tử hàng không tiên tiến cũng như hệ thống tác chiến mới...
Kfir Block 60 mang được các loại tên lửa đối không tối tân như Python 5, Derby và tên lửa đối đất Rafael Spice, nó còn được hỗ trợ chuẩn liên kết Link 16. Bán kính hoạt động của máy bay cũng gia tăng đáng kể, lên tới 1.000 km.
Israel tuyên bố, sau khi hiện đại hóa tiêm kích Kfir sẽ sánh ngang các máy bay chiến đấu thế hệ 4 hiện đại nhất, trong khi mức giá khách hàng phải chi trả chỉ vào khoảng 20 triệu USD, rẻ hơn rất nhiều con số 50 triệu USD của hợp đồng tân trang F-16 mà Indonesia thực hiện.
Tiêm kích Kfir C.10 của Không quân Colombia
Đáng chú ý là Kfir từng được nhắc tới như một trong những ứng viên sáng giá để thay thế vị trí MiG-21 mới nghỉ hưu trong Không quân Việt Nam.
Với các ưu điểm như đơn giá rẻ, chi phí khai thác bảo dưỡng hợp lý trong khi sức chiến đấu không hề thua kém, lại có hàng giao ngay, Kfir Block 60 đang tỏ ra có ưu thế nhất định trước JAS-39 Gripen cũng như Eurofighter Typhoon.
Hơn nữa nếu mua tiêm kích Kfir, chúng ta còn tận dụng được cả kho tên lửa tiên tiến Python 5 cũng như Derby, việc đồng bộ hóa này cũng giúp tiết kiệm được khá nhiều ngân sách.
Tuy nhiên nếu Việt Nam muốn mua tiêm kích Kfir thì phải vượt qua một trở ngại, đó là động cơ General Electric J-79-J1E cũng như vài công nghệ bên trong thuộc sở hữu bản quyền của Mỹ, Israel chỉ có thể bán máy bay nếu được Hoa Kỳ chấp thuận.
Có lẽ vì lý do trên mà thương vụ Kfir giữa Israel và Việt Nam vẫn chỉ dừng ở mức tiềm năng chứ chưa trở thành hiện thực.
Phiên bản nâng cấp của tiêm kích Kfir bay kèm với biến thể đời cũ, chú ý phần mũi máy bay được mở rộng để tương thích radar EL/M-2032
Nhưng hiện nay, trong chính giới Mỹ đang ngày càng xuất hiện nhiều tiếng nói ủng hộ việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí áp đặt lên Việt Nam. Thậm chí còn có dự đoán Hoa Kỳ sẽ đưa ra tuyên bố chính thức nhân chuyến thăm của tổng thống Barack Obama vào tháng 5 này.
Trong trường hợp nhận định trên thành hiện thực, triển vọng để tiêm kích Kfir xuất hiện trong biên chế Không quân Việt Nam lại bất ngờ trở nên sáng sủa.
Nếu mua được một phi đội Kfir Block 60, bầu trời Việt Nam sẽ được quản lý tốt hơn, do hiện nay chúng ta đang phải tạm dùng cường kích Su-22 cho nhiệm vụ tiêm kích phòng không thay thế MiG-21.
Su-22 với nhược điểm không có radar cũng như khả năng thao diễn kém chỉ là giải pháp tình thế cho đến khi một loại tiêm kích hạng nhẹ tiên tiến hơn đi vào phục vụ.
Với những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế như Việt Nam, việc mua sắm máy bay chiến đấu cũ nhưng đã được nâng cấp hiện đại để kết hợp cùng tiêm kích thế hệ mới tỏ ra là hướng đi hợp lý.
Do vậy, hy vọng rằng sau khi rào cản cuối cùng được gỡ bỏ, “Sư tử con” Kfir sẽ sớm có mặt tại Việt Nam.