Quy kết tàu ngầm Nga "trốn tội", Anh quên mình từng "hèn nhát"?

Vy Lam |

Viện vào cớ tàu ngầm Anh sẽ nổi lên nhận trách nhiệm nếu gây ra sự cố cho tàu cá, báo chí phương Tây đã vội quy kết "thủ phạm" là tàu ngầm Nga.

Hãng tin RT (Nga) đăng bài viết của Danielle Ryan, một nhà báo tự do người Ireland nhận định rằng:

Một lần nữa báo chí phương Tây lại vội vã quy kết mọi tội lỗi cho “tàu ngầm Nga” trong vụ việc xảy ra với một tàu đánh cá ngoài khơi Ireland.

Tuy nhiên, có lẽ họ nên nghiên cứu kỹ trước về vấn đề này, bởi Anh và Mỹ còn từng gây ra những vụ việc tồi tệ hơn ở biển Ireland.

Tàu ngầm Anh “dám làm dám chịu”?

Tuần trước, khi đang hoạt động tại khu vực biển Ireland, ngoài khơi hạt Down (Bắc Ireland) khoảng vài dặm, một tàu đánh cá “suýt chút nữa đã chìm nghỉm” khi bị một vật thể va vào, có thể là tàu ngầm.

Con tàu mang tên Karen đã “bị kéo ngược lại một cách rất thô bạo”.

Thuyền trưởng Paul Murphy nói với tờ Down News rằng khi xảy ra vụ việc, con tàu đang di chuyển với tốc độ chậm rãi và rồi vụ việc xảy ra quá đột ngột khiến ông gần như không kịp trở tay.

“Các thủy thủ sốc nặng sau vụ việc này. Quả thật là “thoát chết trong gang tấc” – Murphy nói.

Theo Ryan, do vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ việc và bị tiêm nhiễm bởi những lời lẽ tuyên truyền gây hoang mang từ báo chí Anh về tàu ngầm và máy bay chiến đấu Nga, Murphy đã ngay lập tức đưa ra giả thuyết với các nhà báo rằng đó có thể là một tàu ngầm Nga.

Từ đây, cũng không mấy ngạc nhiên khi Thụy Điển không tìm thấy chiếc “tàu ngầm Nga” xâm phạm lãnh hải của họ.

Tàu ngầm Nga bị quy kết là thủ phạm vì không nổi lên nhận trách nhiệm sau vụ việc.

Tàu ngầm Nga bị quy kết là "thủ phạm" vì không nổi lên nhận trách nhiệm sau vụ việc (Ảnh minh họa: RT)

Dick James, một lãnh đạo cấp cao của Tổ chức đánh bắt cá Bắc Ireland nói với hãng tin BBC rằng chiếc tàu ngầm bí ẩn có thể đã lén quan sát cuộc tập trận hải quân của NATO ngoài khơi Scotland.

Nhà phân tích an ninh Tom Ripley, tác giả của nhiều bài viết trên tạp chí Jane’s Defence cũng đồng tình với nhận định này.

Ông James nói thêm rằng, nếu đó là một tàu ngầm Anh thì theo quy định của Hải quân Hoàng gia, con tàu “ngay lập tức phải nổi lên để kiểm tra tình trạng sức khỏe của những người liên quan” trong khi con tàu trong vụ việc thì không.

Lý do này đã ngay lập tức thuyết phục được toàn bộ báo chí Anh và Ireland rằng đó không thể là một tàu ngầm Anh.

Song, theo Ryan, trước khi vội quy kết đó là tàu ngầm Nga, cần nhìn lại một vài sự việc xảy ra trong quá khứ.

Lần “hèn nhát” của tàu ngầm Anh

Ngày 18/4/1982, một tàu ngầm Anh đã kéo chiếc tàu đánh cá Ireland mang tên Sharelga đi hơn 2 dặm trước khi con tàu này chìm nghỉm và tất cả 5 thuyền viên buộc phải nhảy xuống biển.

Rất may, họ đã được những con tàu gần đó cứu giúp.

Chiếc tàu ngầm của Anh đã không nổi lên và chính phủ Anh phủ nhận bất cứ sự dính líu nào của tàu ngầm nước này vào vụ việc.

Vài tuần sau đó, họ mới chịu thừa nhận rằng lưới đánh cá của tàu Sharelga đã mắc vào tàu ngầm HMS Porpoise của Anh, khi con tàu đang cố truy tìm tàu ngầm Liên Xô ở biển Ireland.

4 năm sau, cuối cùng các thành viên của tàu Sharelga cũng được nhận bồi thường, mặc dù theo thuyền trưởng Raymond McEvoy, số tiền đó “chưa bằng một nửa” số tiền mà họ đã phải trang trải cho con tàu.

Tàu ngầm HMS Porpoise của Anh đã không nổi lên khi gây ra sự cố với tàu cá.

Tàu ngầm HMS Porpoise (S01) của Anh đã không nổi lên khi gây ra sự cố với tàu cá.

7 năm sau vụ chìm tàu Sharelga, một tàu đánh cá của Bỉ mang tên Tijl Uilenspiegel đã bị chìm tại khu vực cách đảo Man khoảng 25 dặm về phía đông nam.

Thủ phạm cũng được cho là 1 tàu ngầm.

Vụ việc sau đó đã dẫn tới một cuộc thảo luận về hoạt động tàu ngầm trong Quốc hội Ireland vào tháng 3/1989.

Hugh Byrne, một thành viên Quốc hội vào thời điểm đó, đã đưa ra danh sách một loạt các vụ việc nguy hiểm liên quan tới tàu ngầm theo thứ tự thời gian:

Năm 1983: Tàu ngầm HMS Opossum của Anh được cho là đã làm chìm một du thuyền ngoài khơi hạt Wexford.

1984: Xảy ra 3 vụ việc.

- Tàu ngầm HMS Sparta (Anh) mắc vào tàu đánh cá Algrie ngoài khơi Cornwall.

- Tàu ngầm Mỹ nổi lên giữa một đội tàu đánh cá, khiến các ngư dân bỏ chạy vì sợ tính mạng bị đe dọa.

- Tàu đánh các Mhari L của Scotland đột nhiên biến mất mà không có tín hiệu cấp cứu.

24 giờ sau, một chiếc tàu ngầm bị hư hại của Anh trở về căn cứ Faslane. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh phủ nhận sự liên quan của tàu ngầm Anh trong vụ việc này.

1987: tàu Summer Morn bị một tàu ngầm Mỹ kéo lê trong nhiều giờ.

1988: - Tàu ngầm HMS Oberon (Anh) va chạm với du thuyền Drum.

- Tàu ngầm HMS Conqueror (Anh) làm chìm tàu Dalriada ngoài khơi Bắc Ireland.

1989: tàu ngầm USS Will Rogers (Mỹ) đâm vào một tàu đánh cá.

HMS Vengeance, a British Royal Navy Vanguard class Trident Ballistic Missile Submarine (Reuters / David Moir)

Tàu ngầm Anh được cho là thủ phạm gây ra nhiều sự cố với tàu cá, du thuyền tại khu vực biển Ireland.

Ryan cho biết, đây chỉ là một số trong nhiều vụ việc liên quan tới những con tàu bị hư hại, chìm hoặc biến mất xung quanh khu vực quần đảo Anh.

Đáng chú ý là, trong những ví dụ mà Byrne đưa ra không có trường hợp nào đề cập cụ thể tới tàu ngầm Nga.

Đôi lúc, những con sóng dữ bị đổ lỗi cho những vụ tai nạn, như trường hợp của tàu Boy Shaun ngoài khơi hạt Donegal và tàu Inspire ngoài khơi Welsh.

Cả 2 con tàu đều chìm khi có tàu ngầm hoạt động gần đó.

Hơn 9 năm qua, đã có 50 ngư dân thiệt mạng vì các hoạt động quân sự ở khu vực biển Ireland.

Mặc dù không phải trong mọi trường hợp, quốc tịch của những chiếc tàu ngầm đều được nhận diện rõ ràng nhưng theo các cuộc thảo luận của chính phủ Ireland, tàu ngầm Anh vẫn chiếm đa số.

Ryan nhận định, điều này không quá bất thường khi mà về mặt địa lý, Anh gần với Ireland hơn Nga.

Sau khi xảy ra vụ việc phao sonar của tàu ngầm Anh mắc vào lưới của một tàu đánh cá ở biển Ireland, vấn đề này lại tiếp tục được chính phủ Ireland đưa ra thảo luận.

Peter Barry, một quan chức chính phủ nói: “khi nào căn cứ của NATO (Holy Loch) còn ở Scotland và các tàu ngầm của họ bị theo dõi bởi tàu ngầm của những cường quốc khác thì khi đó còn có nguy hiểm”.

Tàu ngầm Anh “không dại gì” lộ mặt

Ryan cho biết, những thông tin như trên thường chỉ còn trong các tài liệu cũ nên báo chí phương Tây càng có cơ đưa ra hết bài báo này đến bài báo khác về “tàu ngầm Nga”, trong khi đề cập rất ít, thậm chí không đề cập tới những gì từng xảy ra trong quá khứ.

Ryan nhận định, những bài báo về vụ việc xảy ra với tàu Karen không đưa ra bất cứ liên hệ nào về hoạt động nguy hiểm của tàu ngầm Anh tại biển Ireland.

Có thể các nhà báo không tìm hiểu kỹ vấn đề trước, hoặc cũng có thể họ cho rằng không cần thiết phải đề cập tới các hoạt động đáng ngờ trước đây của tàu ngầm Anh và Mỹ ở biển Ireland.

Một số ý kiến tranh cãi rằng thập niên 80 là giai đoạn hoàn toàn khác, ngày nay, chắc chắn tàu ngầm Anh sẽ nổi lên nếu họ vô tình mắc vào tàu cá.

Tuy nhiên, có thể phản bác lại rằng, ngày nay chưa hẳn đã khác với thời điểm năm 1982, nếu xét về cuộc đối đầu quân sự giữa Nga – NATO.

Ngoài ra, còn có nhiều lý do khác để cho rằng ngày nay, tàu ngầm Anh sẽ không lộ mặt khi xảy ra sự việc tương tự.

Theo Ryan, việc thừa nhận sai sót khiến một tàu cá suýt chút nữa lật úp tại biển Ireland sẽ không có gì tốt đẹp.

Nhất là khi chính phủ Anh đang tận dụng mọi cơ hội để gây hoang mang về các hoạt động của tàu ngầm và máy bay Nga, đồng thời sử dụng các cuộc tập trận thường kỳ như một khẩu hiệu đấu tranh của NATO.

Khi Ryan đặt câu hỏi với Dick James về lý do các vụ việc tương tự giảm đi sau năm 1990, ông James cho biết có thể đó là nhờ các quy định được đặt ra và việc đóng cửa căn cứ Holy Loch sau khi Liên Xô sụp đổ đã khiến hoạt động tàu ngầm giảm bớt.

Về chiếc tàu ngầm đã mắc vào tàu Karen, khi được hỏi liệu báo chí phương Tây có quy kết quá sớm hay không, ông James cho rằng con tàu này “có thể là của NATO hoặc không phải”.

Bộ Quốc phòng Anh từ chối bình luận về vụ việc, sau đó Hải quân Anh mới tuyên bố rằng đó không phải là tàu ngầm của họ.

Tuy nhiên, câu hỏi ở đây là: Nếu người Anh đã từ chối thừa nhận sai sót của tàu ngầm nước này trong thời kỳ căng thẳng dâng cao trước đây, vậy tại sao ngày nay lại có sự khác biệt?

Ryan nhấn mạnh rằng, không có lập luận nào trong số này mang tính chất đổ lỗi hay tuyên bố rằng tàu ngầm Nga không phải thủ phạm gây ra vụ việc với tàu Karen.

Theo Ryan, đó cũng có thể là tàu ngầm Nga nhưng so với giả thuyết thủ phạm là tàu ngầm Anh thì không thể nói giả thuyết tàu ngầm Nga có nhiều hay ít khả năng xảy ra hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại