Một điều rất đáng lưu ý đó là với mục đích tạo sự cân bằng trong khu vực, Nga đã bán độc quyền cho Trung Quốc tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-270 Moskit mà không đồng ý cung cấp tên lửa P-800 Yakhont và hợp tác với Ấn Độ để chế tạo phiên bản PJ-10 BrahMos.
Vì vậy khi tên lửa CX-1 xuất hiện tại triển lãm và được trưng bày cách tên lửa BrahMos chỉ vài gian hàng đã làm phía Ấn Độ tỏ ra cực kỳ tức giận.
Tên lửa chống hạm siêu âm CX-1 trưng bày tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2014
Trước phản ứng của Ấn Độ, ông Vassily Kashin, chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ có trụ sở tại Moskva cho rằng tên lửa CX-1 của Trung Quốc chỉ dựa một phần vào tên lửa đối hạm BrahMos và khẳng định:
"Nga không bán loại tên lửa này cho Trung Quốc hoặc cung cấp đủ các số liệu kỹ thuật để cho Trung Quốc chế tạo".
Tuy nhiên, Nga đã bán tên lửa Yakhont cho một số nước trong khu vực và không loại trừ khả năng "một hoặc nhiều quốc gia khác đã cung cấp các chi tiết tên lửa cho Trung Quốc".
Ngay sau tuyên bố của ông Kashin, mọi sự chú ý đã đổ dồn về phía Indonesia vì giữa nước này với Trung Quốc đang có một chương trình hợp tác quốc phòng rất đáng chú ý.
Tạp chí quốc phòng Kanwa của Canada số ra tháng 11/2014 cho biết, trong buổi phỏng vấn Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Purnomo Yusgiantoro, ông đã tiết lộ nước này đang có kế hoạch đóng 20 tàu chiến có chiều dài 40 m và 60 m trang bị tên lửa chống hạm C-705 và C-802.
Indonesia rất mong muốn có thể tự sản xuất tên lửa chống hạm C-705 ở trong nước. Họ đang trong quá trình đàm phán, thuyết phục phía Trung Quốc đồng ý chuyển giao dây chuyền lắp ráp loại tên lửa chống hạm này cho mình.
Tuy nhiên quá trình đàm phán gặp rất nhiều trắc trở, Trung Quốc đã từ chối chuyển giao toàn bộ công nghệ sản xuất C-705 cho Indonesia. Bắc Kinh yêu cầu Jakarta phải trả thêm một khoản phí để bảo đảm bản quyền sản xuất loại tên lửa trên.
Nhưng rất có thể đây chỉ là yêu sách nhằm che giấu ý đồ thực sự của Trung Quốc là muốn có được một nguyên mẫu hoàn chỉnh của tên lửa Yakhont và họ đã sử dụng con bài này để buộc Indonesia phải đổi chác.
Suy đoán trên rất có cơ sở vì C-705 là tên lửa đối hạm thế hệ cũ, công nghệ ứng dụng bên trong không có gì quá đặc biệt trong khi Trung Quốc đã bán bản quyền sản xuất các loại tên lửa tiên tiến khác như C-802/803 cho đồng minh Iran và Pakistan.
Tôn chỉ của Indonesia là ưu tiên phát triển ngành công nghiệp quốc phòng, họ thường mua những sản phẩm có công nghệ phù hợp nhất và rồi tìm mọi cách để có thể sản xuất trong nước theo giấy phép chứ không coi trọng thứ vũ khí hiện đại nhất.
Do đó cũng dễ hiểu vì sao hiện nay mọi nghi ngờ đều đang tập trung về phía Indonesia.
Tên lửa chống hạm C-705 của Trung Quốc
C-705 được coi là một biến thể cải tiến từ dòng tên lửa chống hạm C-704, tên lửa C-705 có trọng lượng 320 kg, mang theo đầu đạn nặng 110 kg, tốc độ hành trình cận âm.
Độ cao bay giai đoạn cuối của C-705 là từ 12 - 15 m, xác suất tiêu diệt mục tiêu theo công bố lên tới 95,7 %.
C-705 chủ yếu dùng để trang bị cho tàu tuần tra cỡ nhỏ có lượng giãn nước 50 - 500 tấn, dùng để tấn công tàu chiến cỡ nhỏ và trung bình có lượng giãn nước lên tới 3.00 tấn.