Trung Quốc hiện là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, với con số chính thức năm nay vào khoảng 131 tỷ USD, tăng 12% so với năm ngoái. Trong 2 thập niên qua, hầu như năm nào ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cũng có mức tăng 2 con số. Điều này trái ngược với việc ngân sách quốc phòng của nhiều cường quốc khác, trong đó có cả Mỹ, bị cắt giảm trong những năm gần đây vì khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, bức tranh toàn cảnh về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc không phải chỉ toàn màu hồng.
Biểu đồ tăng theo từng năm của ngân sách quốc phòng chính thức do chính phủ Trung Quốc công bố
Một số chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về chi phí cho quốc phòng từ sau năm 2035
Ngân sách quốc phòng của một quốc gia có thể được chia thành 3 hạng mục chính. Thứ nhất là chi phí nghiên cứu, phát triển và mua sắm vũ khí, trang thiết bị mới. Thứ hai là chi phí nhân lực; bao gồm tiền lương, trợ cấp, các chính sách phúc lợi cho thành viên của quân đội. Và cuối cùng chi phí hoạt động, huấn luyện, vận hành, bảo dưỡng trang thiết bị hiện có.
Ngân sách quốc phòng của Mỹ trong năm 2010 là khoảng 683 tỷ USD, trong đó, số tiền chi cho những hạng mục trên lần lượt là 220, 180 và 283 tỷ USD, chiếm các tỷ lệ 32%, 27% và 41%. Đáng chú ý là ngân sách này bao gồm chi phí cho các hoạt động chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, nghĩa là phần ngân sách cho hạng mục thứ 3 sẽ cao hơn mức thông thường trong thời bình. Nếu không phải chi cho hoạt động chiến tranh, một phần kinh phí có thể được chuyển sang cho mục đích phát triển và mua vũ khí. Nhìn chung, phần ngân sách dùng cho hạng mục này thường chiếm 1/3 tổng ngân sách quốc phòng.
Theo thông tin chính thức của Trung Quốc, trong cơ cấu ngân sách quốc phòng của nước này, tỷ lệ dành cho 3 hạng mục cũng ở mức gần bằng nhau. Tuy nhiên, đó là tính theo nhân dân tệ. Để so sánh chính xác hơn cần chuyển về giá trị đồng USD Mỹ. Và theo một số nhà phân tích phương Tây, với cách tính này thì phần ngân sách cho nhân lực chiếm đến hơn 50% tổng ngân sách, còn ngân sách cho phát triển, mua sắm vũ khí mới chỉ còn hơn 20%. Có một số nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch trên.
Các chi phí cho nhân lực hầu hết được trả bằng nhân dân tệ, do đó được chuyển đổi sang giá trị đồng USD sử dụng nguyên tắc sức mua tương đương (PPP). Trong khi đó, một phần các chi phí cho 2 mục đích còn lại phải được trả trực tiếp bằng đồng USD, do đó được chuyển đổi thông qua tỷ giá ngoại tệ.
Như đối với chi phí hoạt động, huấn luyện…thì một phần lớn là chi phí nhiên liệu, trong khi đó Trung Quốc hiện phải nhập khẩu phần lớn dầu mỏ và trả bằng USD Mỹ. Đối với phần ngân sách cho hạng mục nghiên cứu, trang bị vũ khí mới, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung bên ngoài cho các loại vũ khí công nghệ cao. Và tất nhiên khi mua những vũ khí này, Trung Quốc phải trả bằng ngoại tệ. Ngay cả đối với những vũ khí được cho là do Trung Quốc tự sản xuất được thì những linh kiện, bộ phận quan trọng cũng phải nhập từ nước ngoài, cho dù là hợp pháp hay phi pháp.
Quan chức Mỹ trưng bày những bộ vi xử lý có thể chịu đựng xung điện từ mà tình báo Trung Quốc tìm cách đưa lậu ra ngoài nước Mỹ
Nói cách khác, tuy Trung Quốc có ngân sách quân sự lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng nước này lại khác biệt so với những cường quốc khác ở 2 điểm. Thứ nhất, nước này vẫn là một nước đang phát triển, mức sống thấp so với những nước công nghiệp khác. Thứ hai là dù trực tiếp hay gián tiếp, quân đội Trung Quốc về cơ bản vẫn phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí, trang thiết bị từ bên ngoài.
Việc Trung Quốc phải chi một khoản ngân sách lớn để "nuôi quân" không phải là một điều bất ngờ, vì nước này hiện vẫn đang duy trì một lực lượng quân đội thường trực đông nhất thế giới, với gần 2,3 triệu người. Mặc dù trong thời gian qua, Trung Quốc đã cắt giảm bớt quy mô quân đội nhưng chi phí dùng để nuôi quân vẫn tăng lên. Đó là vì các khoản lương bổng, phúc lợi cũng phải được tăng lên đáng kể so với mặt bằng mức sống chung của xã hội để thu hút và giữ chân những quân nhân có trình độ cao.
Những người vừa tốt nghiệp đại học có thể được nhận khoản trợ cấp 3.500 USD nếu tự nguyện gia nhập quân đội. Ngoài ra, lương của quân nhân, đặc biệt là hạ sĩ quan chuyên nghiệp, cũng thường xuyên được tăng. Như trong năm 2011, mức tăng lương và phụ cấp của hạ sĩ quan trong một số trường hợp có thể lên đến 40%.
Việc nghiên cứu và phát triển vũ khí thường kéo dài, có thể lên đến 20 năm, do đó để đánh giá chính xác tiềm năng trang bị vũ khí trong tương lai, cần xem xét tổng ngân sách chi cho hoạt động này trong một thời gian dài. Theo dự báo của viện nghiên cứu RAND của Mỹ, trong vòng 22 năm, từ 2003 đến 2025, tổng ngân sách dành cho nghiên cứu, phát triển và mua vũ khí mới của Trung Quốc sẽ là 598 tỷ USD, đã có điều chỉnh cho mức lạm phát. Trong khi đó, cũng trong 22 năm từ 1981 đến 2003, Mỹ chi tổng cộng 2.700 tỷ USD cho hạng mục này, gấp 4,5 lần của Trung Quốc.
Như vậy, mặc dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đang ở mức rất cao, và được dự đoán sẽ tiếp tăng tăng nhanh trong tương lai nhưng một phần lớn ngân sách đó phải được dùng để nuôi một đội quân thường trực khổng lồ. Bên cạnh đó, hiệu quả của ngân sách dùng cho phát triển, trang bị vũ khí mới vẫn bị hạn chế vì Trung Quốc vẫn chưa thể tự cung cấp nhiều loại công nghệ cao cấp và phức tạp.
Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình. Hãy gửi cho chúng tôi tin hoặc bài viết CHƯA TỪNG ĐƯỢC ĐĂNG TẢI trên các báo, trang mạng khác vào địa chỉ email: [email protected]. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày. |