Để làm được điều này, quân đội Mỹ đã phải đóng băng hoặc hủy bỏ nhiều dự án phát triển vũ khí tương lai và gần đây, Lầu Năm góc thậm chí đã phải giảm số lượng các buổi bay biểu diễn quân sự do chúng quá tốn kém. Tuy vẫn trong giai đoạn cắt giảm ngân sách, nhưng do yêu cầu của quân đội luôn cần vũ khí, trang bị mới, Lầu Năm góc đã tập trung nguồn lực của mình cho các dự án vũ khí có tính khả thi và thực tế nhất.
Một trong những dự án vũ khí phát triển được Lầu Năm góc chú trọng hiện nay là dòng máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới để thay thế một phần hoặc hoàn toàn các dòng máy bay ném bom hiện có như: Boeing B-52 Stratofortress, Rockwell B-1B Lancer và Northrop Grumman B-2 Spirit.
Vì nhiều lý do khác nhau nên hiện rất khó có thể khẳng định chắc chắn việc LRS-B (Long Range Strike – Bomber) – dự án phát triển máy bay ném bom tầm xa tương lai của Mỹ có thể thay thế hoàn toàn được các dòng máy bay ném bom hiện có hay không? Điều này được dần xác thực thông qua các thông tin ban đầu của LRS-B, mặc dù được phát triển cho tương lai, nhưng yêu cầu kỹ thuật, chiến thuật của nó chưa tương xứng với dòng máy bay ném bom hiện đại.
Được khởi động từ vài năm trước, nhưng vì nhiều lý do tài chính và chính trị, LRS-B (tên mới nhất của dự án) đã bị thay đổi nhiều lần và thậm chí tạm đóng cửa một thời gian. Theo dòng dự kiện trên, ban đầu dự án phát triển máy bay ném bom tương lai của Mỹ có tên gọi Bomber 2017 (2017 là mốc thời gian máy bay được chuyển giao cho quân đội), sau đó là NGB (Next-Generation Bomber) và tới năm 2012 là LRS-B.
Sự “tồn tại” của LRS-B đang bị nghi ngờ vì tới thời điểm hiện tại quá trình phát triển dự án vẫn dậm chân tại chỗ và chỉ có một thông tin được khẳng định duy nhất là việc máy bay mới sẽ xuất hiện vào giữa những năm 2020. Thông tin về yêu cầu kỹ-chiến thuật của LRS-B vẫn chưa được xác định chính thức và thậm chí danh sách các công ty tham gia dự án cũng trong tình trạng tương tự. Điều này khác biệt so với “tiền thân” Bomber 2017, khi các hãng chế tạo Lockheed Martin, Boeing và Northrop Grumman được xác định là nhà thầu chính và hàng chục nhà thầu phụ cung cấp các linh kiện, phụ tùng cần thiết khác.
Cuối tháng 4-2013, Lầu Năm góc mới cung cấp thêm các thông tin sơ bộ về LRS-B với việc máy bay ném bom mới sẽ vẫn là dòng máy bay có người lái. Đây là thay đổi lớn về phương hướng thiết kế LRS-B, vì một trong những yếu tố căn bản của dự án này trước đây được xác định là máy bay ném bom mới phải là thiết bị không người lái. Nhiều khả năng, máy bay ném bom tương lai sẽ là trung tâm chỉ huy nhiều tổ hợp máy bay không người lái để nâng cao khả năng tác chiến trong các điều kiện phức tạp và để giảm tổn thất.
Vấn đề đáng chú ý gần đây nhất với LRS-B là giá thành và chi phí phát triển dự án. Các chuyên gia Mỹ trước đây tính toán, giá thành của mỗi máy bay LRS-B là 450-500 triệu USD, nhưng đó chỉ là còn số ước đoán, chi phí của toàn dự án vẫn chưa được hé lộ. Tư lệnh Không quân Mỹ, tướng M. Donley tuyên bố sẽ thường xuyên cập nhật chi phí của dự án. Cụ thể, trong năm 2014, LRS-B sẽ được phân bổ 350-370 triệu USD.
Tuy LRS-B được công khai các thông tin liên quan tới tài chính, nhưng các vấn đề kỹ thuật sẽ vấn được giữ bí mật. Giống như dự án phát triển B-2, thông tin kỹ-chiến thuật của máy bay chỉ được công bố khi máy bay đưa vào trang bị. Với giá thành khủng tới gần 2 tỷ USD/máy bay, quân đội Mỹ đã phải giảm số lượng mua máy bay B-2 xuống tối thiểu.
Ở thời điểm hiện tại, giới chức không quân Mỹ đã tính tới số lượng máy bay LRS-B cần mua vào khoảng từ 80 tới hàng trăm chiếc. Như vậy, LRS-B sẽ thay thế hoàn toàn các đơn vị ném bom chiến lược hiện có. Việc này có khả thi hay không, hiện chỉ có Lầu Năm góc mới có câu trả lời chính xác, trong khi dự án tham vọng này chắc chắn sẽ bị Quốc hội Mỹ “hỏi thăm” về vấn đề tài chính và giá thành mỗi máy bay khi xuất xưởng.
Do đóng vai trò là xương sống của không quân chiến lược Mỹ trong tương lai, thông tin về LRS-B rất được săn đón, nhưng giới săn tin mới chỉ có các thông tin rời rạc về dự án này như: LRS-B áp dụng sâu công nghệ tàng hình để xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương; khả năng mang vũ khí có và không điều khiển; không chỉ có chức năng tấn công mà còn có khả năng trinh sát, viễn thám… Do chưa có các thông tin chắc chắn, nhiều khả năng yêu cầu và thời điểm cung cấp máy bay LRS-B sẽ còn thay đổi.
Nằm ngoài tài chính và thời gian cung cấp máy bay, một vấn đề mang tính sống còn nữa với LRS-B là kỹ thuật và dự đoán xu hướng phát triển của vũ khí đối phó lại nó. Nhà sản xuất thường phải mất hàng chục năm để xác định các yêu cầu kỹ thuật căn bản cho LRS-B, loại máy bay sẽ hoạt động tới những năm 2050. Nếu các yếu tố trên không được thực hiện bài bản thì thời điểm xuất hiện của LRS-B chỉ có thể hiện thực vào những năm 2050 và đi vào vết xe đổ của các dòng máy bay ném bom B-1B, B-2. Dù mang nhiều công nghệ mới cấp tiến so với máy bay ném bom cũ, nhưng B-1B, B-2 vẫn phải để “ông lão” B-52 ra trận.