Quân đội các nước đau đầu với binh sĩ ‘tự sướng’ facebook

Facebook, Twitter… hay nói chung là mạng xã hội đang được coii là một “văn hóa”. Nhưng trong môi trường quân ngũ, đây lại là một kẻ thù đáng sợ

Hiểm họa từ mạng xã hội

Vừa qua, ngày 6/7/2014, Alexander Sotkin, một binh sĩ thông tin 24 tuổi của quân đội Nga vô tình đăng một bức ảnh “tự sướng” của mình lên mạng xã hội Instagram kèm theo lời bình tưởng chừng vô hại: “Đã đến giờ đi ngủ”.

Tuy nhiên, dữ liệu tọa độ trên Instagram cho thấy Alexander Sotkin đã chụp và đăng tấm ảnh nói trên khi đang ở bên trong lãnh thổ Ukraine. Điều này hoàn toàn trái ngược với phát biểu trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin, rằng không có bất cứ đơn vị hay lực lượng đặc nhiệm nào của Moscow ở Ukraine. Tất nhiên, đây là câu chuyện gây nhiều tranh cãi, song rõ ràng hành động thiếu suy nghĩ anh lính trẻ đã vô tình “làm khó” ông Tổng thống của mình và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quân đội Nga.

Một trường hợp khác, năm 2007, 4 máy bay trực thăng Apache của quân đội Mỹ đã bị lực lượng nổi dậy ở Iraq “diệt gọn” sau khi một binh sĩ đăng tải bức hình chụp những chiếc máy bay này lên Internet kèm theo thông tin về tọa độ.

Các binh lính Mỹ sử dụng điện thoại thông minh trên chiến trường Trung Đông
Các binh lính Mỹ sử dụng điện thoại thông minh trên chiến trường Trung Đông

Nước Mỹ là một quốc gia khá dễ dài về mạng xã hội, điều này đã mang lại nhiều phiền toái. Tháng 2/2014, Tariqka Sheffey, một nữ binh sỹ đóng quân ở Colorado nước Mỹ đã đăng một bức ảnh “tự sướng” trong xe tải với dòng tâm trạng “Đây chính là tôi, đang ngồi trong ô tô để đỡ phải chào cờ”. Ngay sau đó, cô đã nhận một cơn bão chỉ trích, bản thân Sheffey bị ảnh hưởng tâm lý, còn nhiều quân nhân Mỹ cũng chịu ảnh hưởng.

Một hiểm họa khác, nhiều đơn vị quân đội Mỹ đã khuyến cáo các binh sỹ của mình không nhắn tin, không cập nhật mạng xã hội bởi lo sợ sẽ có những hành động trả đũa từ đối phương hoặc lộ bí mật. Nhiều quân nhân thường nghĩ rằng việc họ đăng tải lên mạng xã hội những thông tin quá đỗi bình thường như đang ăn uống ở đâu, chơi trò gì, với ai… là điều vô hại.

Song khi tất cả những thông tin đơn lẻ này được ghép nối lại với nhau, hoàn toàn có thể tạo ra một bức tranh toàn cảnh về người sử dụng mạng xã hội và theo những người làm công tác truyền thông của quân đội Mỹ thì “kẻ thù rất giỏi trong việc ghép các thông tin mà chúng ta (quân nhân Mỹ) để lại trên mạng”.

Những lệnh cấm nghiêm ngặt

Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) vào tháng 6-2011 đã cấm nghiêm ngặt 2,3 triệu binh sĩ nước này sử dụng mạng xã hội, lập website hoặc blog cá nhân “nhằm giữ bí mật quân sự, sự trong sạch và tình toàn kết trong PLA”. Những con số chính thức cho thấy, vào thời điểm đó, Trung Quốc có gần 1 tỷ người sử dụng internet và những trang mạng xã hội sử dụng tiếng Trung như Facebook and Twitter đều bị cấm sử dụng đối với hàng trăm triệu người dùng.

Còn tại Israel, thành viên của hầu hết các đơn vị bí mật của quân đội nước này đều không được phép có tài khoản mạng xã hội. Những quân nhân ở các đơn vị ít nhạy cảm hơn thì bị cấm đăng tải các bức ảnh cá nhân đang mặc quân phục hoặc chụp tại doanh trại. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng với một số đơn vị và quân nhân cụ thể chứ không phải trong toàn quân đội. Năm 2010, quân đội Israel cũng từng ra lệnh cấm các binh sĩ sử dụng mạng xã hội khi đang ở trong doanh trại.

Một nữ binh sỹ Israel sử dụng điện thoại thông minh
Một nữ binh sỹ Israel sử dụng điện thoại thông minh

Hiện nay, mạng xã hội Facebook và WeChat khá phổ biến tại Ấn Độ và là hai trong số các ứng dụng được tải nhiều nhất về điện thoại thông minh, máy tính bảng. Tuy nhiên, theo tờ Indian Express, quân đội Ấn Độ yêu cầu các sĩ quan, binh sĩ không sử dụng hai mạng xã hội này khi đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài do lo ngại rằng danh tính, vị trí của họ sẽ bị lộ.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, hầu hết những lệnh cấm ở quân đội các nước đều được đưa ra do tình trạng quá nhiều quân nhân không biết cách sử dụng mạng xã hội dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như ở Israel, quân đội nước này đã cấm một số đơn vị và cá nhân sử dụng mạng xã hội sau khi một nhóm nữ binh sĩ đăng tải lên Facebook bức ảnh đang cầm súng trong tình trạng “nửa quân phục, nửa đồ lót”.

Quân đội huấn luyện sử dụng mạng xã hội

Cũng phải thừa nhận rằng, nếu được sử dụng đúng cách, mạng xã hội sẽ là một phương tiện hữu hiệu giúp các binh sĩ chia sẻ thông tin và nâng tầm hình ảnh của quân đội. Bởi vậy, thay vì ban hành các lệnh cấm tuyệt đối, quân đội nhiều nước đã đưa ra những quy định, hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn cho các sĩ quan, binh sĩ.

Xác định sẽ phải đối mặt với những nguy cơ không đáng có nếu không coi trọng an ninh mạng xã hội, quân đội Mỹ đã xuất bản một cuốn sổ tay chỉ rõ những điều nên và không nên làm đối với các binh sĩ cũng như nhân viên dân sự khi sử dụng Facebook, Twitter và các mạng xã hội khác.

Một trong những nguyên tắc bất di bất dịch đó là các quân nhân không được đăng những hình ảnh hay bình luận có thể gây ảnh hưởng xấu tới quân đội và không được đưa những thông tin nhạy cảm lên mạng khi chưa được phép.

Binh sỹ Ấn Độ
Binh sỹ Mỹ "tự sướng" với đồng đội

Nói xấu lãnh đạo trên mạng cũng là hành động dễ bị “tuýt còi” và điều này đã được quy định: “Bất cứ quân nhân nào sử dụng những lời lẽ coi thường Tổng thống, Phó Tổng thống, Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng, chỉ huy đơn vị… đều sẽ bị xử phạt”.

Ngay cả các lực lượng hải quân, không quân, lục quân Mỹ cũng có những quy định riêng về an toàn sử dụng mạng xã hội. Rất nhiều yêu cầu cụ thể được in trong các cuốn sổ tay và phát cho các quân nhân, như cấm tuyệt đối việc đăng thông tin, ảnh về nơi đóng quân, các khu vực đặc biệt của quân đội, việc hành quân, quy mô lực lượng, trang bị vũ khí của đơn vị. Thậm chí các phi công Mỹ còn bị cấm sử dụng thông tin cá nhân liên quan đến quân đội để đăng ký các tài khoản mạng xã hội.

Vài năm gần đây, trong quân đội Israel đã xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực do sự thiếu hiểu biết của các binh sĩ Israel khi sử dụng Facebook, đặc biệt là việc lộ lọt thông tin mật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quân đội. Vì vậy, quân đội Israel đã lập ra danh sách một số các quy định cơ bản nhằm bảo vệ bí mật quốc gia.

Theo đó, những người giữ vị trí quan trọng trong ngành tình báo bị cấm mở các tài khoản cá nhân hoặc đăng hình ảnh trên các mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter và Google+. Những người khác có thể sử dụng mạng xã hội nhưng không được đăng ảnh mặc quân phục hoặc những ảnh cho thấy họ đang phục vụ trong quân đội.

Không chỉ lính trẻ, các sỹ quan của quân đội Mỹ cũng nghiện mạng xã hội
Không chỉ lính trẻ, các sỹ quan của quân đội Mỹ cũng nghiện mạng xã hội

Tương tự, quân đội Anh cũng có những hướng dẫn cụ thể về việc các binh sĩ sử dụng mạng xã hội tại Anh cũng như khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Các binh sĩ Anh được khuyến cáo không nên chụp ảnh bằng điện thoại thông minh trong mọi hoàn cảnh.

Bên cạnh đó, để thường xuyên giáo dục binh sĩ về các chuẩn mực, kỷ luật và cách quản lý, sử dụng mạng xã hội một cách chuyên nghiệp, tại nhiều doanh trại thuộc quân đội Anh thường xuyên diễn ra các khóa huấn luyện về truyền thông xã hội và có cả một đội ngũ chuyên trách về lĩnh vực này.

Nói về mạng xã hội, Giám đốc Cơ quan quan hệ công chúng của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) nhận định, số người sử dụng mạng xã hội để làm điều đúng đắn vẫn nhiều hơn số người dùng nó để gây ra những hành động sai trái. Điều này có lẽ cũng đúng với quân đội của nhiều quốc gia khác.

Quan trọng nhất vẫn là làm sao để mỗi quân nhân nhận thức đúng và biết cách khai thác tối đa hiệu quả của thứ vũ khí thông tin hiện đại này.

Những bức hình "tự sướng" của Alexander Sotkin đã vô tình trở thành bằng chứng về sự can thiệp trực tiếp của Nga vào Ukraine.

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại