Quân bài nguy hiểm nhất của Trung Quốc trong tham vọng biển

Hà Dũng |

(Soha.vn) - Sau các quân bài tàu hải quân, tàu hải giám, tàu nghiên cứu khoa học, tàu đánh cá, Trung Quốc đã bắt đầu chuyển sang một quân bài nguy hiểm hơn nhiều, đó là UAV.

Quân bài đầy hiểm họa

Tham vọng biển của Trung Quốc ngày càng lộ rõ, biểu hiện ở việc thường xuyên điều tàu chiến, tàu hải giám, máy bay chiến đấu.... tới các vùng tranh chấp. Những nước có tranh chấp biển với Trung Quốc đều đã nhận ra điều này và ra sức nỗ lực ngăn chặn. Trong số các nước đó, Nhật Bản với tiềm lực mạnh đã có những động thái cứng rắn nhất.

Với các tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng biển Senkaku, Nhật Bản đã kịp thời huy động một lực lượng tàu đông đảo ngăn chặn việc xâm phạm. Không chỉ ngăn chặn bằng các biện pháp thông thường, Nhật Bản đã sử dụng vòi rồng. Những cuộc đấu vòi rồng trên biển Hoa Đông đã làm cho tình hình tranh chấp biển hết sức nóng.

Không những các tàu hải giám, một lượng lớn các tàu cá Trung Quốc cũng đã tràn ngập vùng biển Hoa Đông. Trong chừng mực nhất định, Nhật Bản đã có những động thái đủ cứng rắn để ngăn chặn lực lượng này.

 	Nhật Bản có những động thái hết sức cứng rắn với Trung Quốc

Nhật Bản có những động thái hết sức cứng rắn với Trung Quốc

Trung Quốc không chỉ gây căng thẳng trên mặt biển, bầu trời cũng có những căng thẳng nhất định. Các máy bay của Trung Quốc nhiều lần bị Nhật Bản tố cáo xâm phạm bầu trời Senkaku.

Theo bài viết đăng trên tờ Japan Times ngày 18/4/2013, tính tới hết tháng 3/2013, chiến đấu cơ Nhật Bản đã xua đuổi máy bay Trung Quốc 306 lần. Theo thống kê của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, máy bay Trung Quốc cứ 3 tháng một lần lại tăng số lần quấy rối không phận Senkaku kể từ tháng 4/2012.

Tuy nhiên, quân bài nguy hiểm hơn tất cả những quân bài trên là máy bay không người lái. Vì sao lại như vậy?

Trước hết xuất phát từ không gian hoạt động của nó là bầu trời, không phải như mặt biển. Nếu trên mặt biển, Nhật Bản có thể dùng các tàu ngăn cản đường di chuyển của tàu Trung Quốc thì điều này không thể làm được trên không. Như vậy, các UAV Trung Quốc có thể dễ dàng xâm phạm các vùng mà Nhật Bản coi là chủ quyền của mình.

Không chỉ vậy, so với các máy bay có người lái, UAV được coi là rẻ hơn nhiều lần. Các điều kiện chuẩn bị kỹ thuật cũng đơn giản, thời gian triển khai ngắn. Do vậy, nếu Trung Quốc cứ bất ngờ triển khai các UAV trên không phận hoặc gần khu vực không phận tranh chấp, không dễ gì Nhật Bản có thể điều các lực lượng ngăn chặn kịp thời. Chưa kể chi phí để duy trì một lực lượng như vậy cũng hết sức tốn kém.

 	UAV Trung Quốc xâm nhập bầu trời đảo Senkaku vào ngày 9 tháng 9 năm 2013

UAV Trung Quốc xâm nhập bầu trời đảo Senkaku vào ngày 9 tháng 9 năm 2013

Việc bắn hạ UAV về mặt kỹ thuật Nhật Bản có thể thực hiện đơn giản. Nhưng đứng về mặt pháp lý quốc tế và các vấn đề quan hệ ngoại giao thì việc Nhật Bản bắn hạ các UAV Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả to lớn.

Theo thông lệ quốc tế, để sử dụng hỏa lực, trước đó cần phải đưa ra những biện pháp cảnh báo, ngăn chặn. Do vậy, UAV Trung Quốc sẽ đặt Nhật Bản vào một thế khó.

Tuy nhiên, Nhật Bản đã có tuyên bố hết sức cứng rắn về vân đề này. Ngày 20/10, Nhật Bản đã thông qua kế hoạch cho phép Lực lượng Tự vệ trên không bắn hạ các máy bay không người lái (UAV) nước ngoài xâm phạm không phận quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông, nếu các cảnh báo của lực lượng này bị phớt lờ.

Không chỉ phát đi tuyên bố cứng rắn nhằm vào Bắc Kinh, Nhật Bản còn tiến hành xây dựng thêm đường băng nhằm đối phó với máy bay Trung Quốc.

Theo "Tân Hoa kiều báo" Nhật Bản ngày 21/10, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch hoàn thành xây dựng đường băng thứ hai ở sân bay Naha vào tháng 1/2014. Sau khi xây dựng xong, số lần máy bay F-15 của Lực lượng Phòng vệ Trên Không Nhật Bản từ sân bay Naha khẩn cấp cất cánh để chặn máy bay quân sự Trung Quốc sẽ đạt 14.800 lần, tăng 60% so với hiện nay.

Ngay lập tức, Trung Quốc cũng có những phát biểu đáp trả. Ngày 26/10, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố, nếu Nhật Bản bắn hạ máy bay của Trung Quốc, đó sẽ là sự khiêu khích nghiêm trọng và là một hành động chiến tranh.

Rõ ràng UAV là một quân bài mang tính hiểm họa đối với mối quan hệ vốn dĩ đã nhiều căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Giải pháp cho Nhật Bản

Có thể thấy, Nhật Bản sẽ không cho phép UAV Trung Quốc tự do trên bầu trời được Nhật Bản coi là không phận của mình. Tuy nhiên ngay từ đầu sử dụng hỏa lực để bắn rơi không phải là lựa chọn phù hợp. Nhật Bản sẽ dùng các máy bay cảnh báo và sau đó dùng các biện pháp tiếp theo.

Với một đất nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến, nếu như Nhật Bản tìm được cách ngăn chặn các UAV Trung Quốc bằng tác chiến điện tử thì đó là biện pháp hữu hiệu nhất. Việc này tuy khó nhưng không phải là không thực hiện được, Iran đã từng gây kinh ngạc cho thế giới khi bắt sống UAV của Mỹ. Trong khi đó, về trình độ công nghệ Nhật Bản vượt trội hoàn toàn so với Iran, còn Trung Quốc còn thấp hơn Mỹ.

Một khi UAV bị trục trặc do tác chiến điện tử, không cách nào khác Trung Quốc chỉ còn cách “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Nhìn xa hơn biển Hoa Đông

Có thể với trình độ hiện nay, triển khai UAV ở vùng biển xa như Biển Đông là chưa cho phép. Nhưng rất có thể UAV sẽ không chỉ được Trung Quốc dùng ở biển Hoa Đông, mà xa hơn nó có thể được dùng ở Biển Đông. Ở Biển Đông, tiềm lực các nước có tranh chấp với Trung Quốc không được mạnh như Nhật Bản. Do vậy, có thể nói đây là một thách thức rất lớn mà các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông cần sớm tìm ra cách giải.

 	Các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở biển Đông cần sớm tìm cách đối phó với UAV Trung Quốc ở biển Đông

Các nước có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông cần sớm tìm cách đối phó với UAV Trung Quốc ở biển Đông

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại