Các thành viên NATO đã bị đặt trong tình trạng báo động khi xuất hiện một số thông tin cho rằng Nga đã triển khai tên lửa Iskander tại Kaliningrad, vùng đất tiếp giáp Ba Lan và Lithuania. Iskander có tầm bắn khoảng 400km và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Hôm nay (19/12), tại cuộc họp báo quốc tế thường niên lớn nhất trong năm với gần 1.300 phóng viên tham dự, Tổng thống Vladimir Putin đề cập lại việc Mỹ, dưới sự hỗ trợ của các quốc gia NATO, đã bố trí lá chắn tên lửa ở châu Âu. Điều này đã tạo ra mối đe dọa với Nga và vì thế, Moscow phải hành động đáp trả.
"Một trong những cách đáp trả có thể là triển khai tổ hợp tên lửa Iskander tới Kaliningrad... nhưng chúng tôi vẫn chưa đưa ra quyết định, vì thế, hãy cứ bình tĩnh" - Ông Putin nói.
Tổng thống Putin cho biết ông rất băn khoăn tại sao các phương tiện truyền thông phương Tây và các chính trị gia châu Âu lại lo lắng tới mức như vậy khi nghe tin Nga triển khai tên lửa Iskander. Trong khi đó, Mỹ đã dự trữ ở châu Âu ít nhất 200 đầu đạn hạt nhân mà "không do bất cứ quốc gia châu Âu nào kiểm soát".
Theo RT News (Nga), ngay sau khi Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng các tổ hợp Iskander đã được trang bị cho các đơn vị tên lửa và pháo binh thuộc Quân khu miền Tây và một số phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin Moscow đã triển khai tên lửa Iskander tại khu vực Kaliningrad, các nước phương Tây đã tỏ ra vô cùng lo ngại. Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf nhấn mạnh Mỹ đã hối thúc phía Nga không có những bước đi có thể dẫn tới tình trạng bất ổn ở khu vực. Washington còn tuyên bố họ sẽ "bảo vệ" các đồng minh châu Âu.
"Không cần thiết phải bảo vệ ai cả - chỉ cần không khiêu khích bất cứ ai thì sẽ không có ai phản ứng" - ông Putin nói.
Theo hãng tin Reuters (Mỹ), lâu nay, Nga luôn lo ngại rằng lá chắn tên lửa của Mỹ, bao gồm các hệ thống tên lửa đánh chặn bố trí ở Ba Lan, là nhằm phá hoại an ninh quốc gia Nga và làm xáo trộn sự cân bằng chiến lược hậu chiến tranh lạnh.
Theo kế hoạch, các hệ thống tên lửa đánh chặn sẽ được triển khai tại Ba Lan vào năm 2018, như một phần trong chương trình phòng thủ của Mỹ dự kiến hoàn tất vào năm 2020. Mỹ khẳng định chương trình này không hề nhằm vào Nga, mà chỉ để chống lại các mối đe dọa từ Trung Đông.
Phát biểu trước khi Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố của mình, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói với tờ nhật báo Le Monde của Pháp rằng Nga đang nhắm vào một kẻ thù không hề tồn tại.
"Bất cứ hành động triển khai vũ khí tấn công với một mục tiêu không xác định đều đáng lo ngại, nhất là khi nó không phù hợp với các thỏa thuận chiến lược đã được ký kết giữa Nga và NATO năm 2010", ông Rasmussen nói, "Rõ ràng là không có một quốc gia NATO nào có ý định tấn công Nga. Hệ thống của chúng tôi chỉ nhằm phòng thủ và đề phòng các mối đe dọa bên ngoài. Chúng tôi đã khẳng định với Nga rằng hệ thống này không hề nhằm vào họ".