Tờ New York Times (Mỹ) có bài viết nhận định quân đội Nga đã thể hiện một bộ mặt mới ở Crimea, khác hẳn với hình ảnh người lính Nga trong chiến tranh Gruzia hay những cuộc xung đột trước đây. Sau đây là nội dung bài viết:
Những người lính đang đứng gác tại lối ra vào của căn cứ quân sự Ukraine tại Crimea có rất ít điểm chung với những những người lính Nga khác trong các cuộc xung đột trước đó. Tất cả đều có dáng vẻ là lính chuyên nghiệp thay vì lính nghĩa vụ. Họ được trang bị quân phục mới và hiện đại, thậm chí còn có kính bảo vệ chống lóa đi kèm với mũ bảo vệ. Người ta cũng không thấy ai say xỉn khi đang làm nhiệm vụ.
Một dấu hiệu nữa của một đội quân đang thay đổi là sự xuất hiện của các radio cá nhân có mã hóa, được trang bị đến các cấp đơn vị nhỏ. Chúng là minh chứng của quá trình hiện đại hóa bắt đầu cách đây 5 năm, được khởi xướng bởi Tổng thống Putin, để xây dựng lại sức mạnh quân sự phi hạt nhân của Nga. Nỗ lực này gây nhiều lo ngại ở những nước thuộc khối Đông Âu cũ và khiến NATO phải đánh giá lại việc xem Nga chỉ là một cường quốc hạt nhân nhưng hạn chế về khả năng quân sự thông thường.
Lính Nga tại Crimea đã được trang bị các radio cá nhân có mã hóa. Ảnh: New York Times
Lực lượng mà Nga đã triển khai tại Crimea là hình mẫu cho một quân đội Nga mới, rất khác so với chính họ trong những cuộc xung đột trước đó, như trong cuộc chiến chớp nhoáng tại Gruzia hay hơn 2 thập niên chống khủng bố ở vùng Bắc Kavkaz. Quân đội Nga khi đó thường không được trang bị đầy đủ, có vấn đề về kỷ luật, và đa số là lính nghĩa vụ. Việc say xỉn không phải là hiếm, và binh lính thường có thể trạng kém.
Sau khi chính phủ Nga cải tổ quân đội, tăng cường đầu tư cho trang bị, huấn luyện, và đặc biệt là chế độ đãi ngộ, và kết quả có thể được cảm nhận rõ trên thực tế. Những người lính tại Crimea có thể là từ những đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Nga, nhưng không thể phủ nhận rằng nỗ lực của điện Kremlin đã tăng đáng kể khả năng chiến đấu của quân đội Nga, cả trong vai trò bảo vệ quốc gia và tham chiến ở các nước láng giềng.
Theo ông Aleksandr Golts, một nhà phân tích quân sự độc lập ở Moscow, thì hai hướng phát triển chính của quân đội Nga là củng cố sức mạnh hạt nhân, để đảm bảo rằng không ai có ý định tấn công nước Nga, và phát triển những đơn vị có khả năng triển khai nhanh để đối phó với những cuộc xung đột quy mô hạn chế, như tại Gruzia hay tại Ukraine vừa qua. Nhờ vào những cải tổ này mà giờ đây Nga có ưu thế quân sự áp đảo đối với mọi quốc gia từng thuộc Liên Xô trước đây. Một chuyên gia quân sự phương Tây khác thì cho biết sự khác biệt là rất rõ ràng, quân đội Nga hiện nay đã chuyên nghiệp hơn rất nhiều.
Cải tổ quân đội là một ưu tiên mang tính cá nhân của ông Putin Trong thời gian làm thủ tướng từ 2009 đến 2012, và sau khi quay trở lại vị trí Tổng thống, ông đã giám sát việc đầu tư thêm nhiều tỷ USD cho quốc phòng. Đây là một trong số ít những lĩnh vực mà ngân sách được tăng đáng kể, bên cạnh việc tổ chức thế vận hội mùa đông Sochi, chuẩn bị cho World Cup 2018 và nâng cấp mạng lưới đường sắt. Trong đó, đường sắt cũng có thể được xem là có liên quan đến quốc phòng.
Kể từ đầu năm 2012, lương của đa số quân nhân Nga đã được tăng gần gấp 3 lần. Đối với binh nhì và trung sĩ, con số này là 700 và 1.150 USD một tháng, một con số không nhỏ ở Nga. Chính phủ cũng đồng thời tăng các phúc lợi về nhà ở và giáo dục. Trong một bài phát biểu sau đó không lâu, ông Putin tuyên bố: “Tôi luôn tin rằng những người lính cần được trả lương cao hơn những người làm trong ngành kinh tế, hành chính hay những lĩnh vực dân sự khác.”
Ngân sách quốc phòng tăng vọt, dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm 2016, so với 80 tỷ USD trong năm nay, ngay cả khi kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái, là một trong những nguyên nhân khiến bộ trưởng bộ tài chính Aleksei L. Kudrin từ chức vào năm 2011. Ông Kudrin là người được đánh giá cao vì có công lớn giúp nước Nga tránh được ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin vẫn kiên định với hướng đi này và thường xuyên nhấn mạnh rằng cải tổ quân đội là việc sống còn với tương lai nước Nga. Với vai trò là tổng tư lệnh quân đội, Tổng thống Putin cũng cho thực hiện nhiều cuộc tập trận quy mô lớn chưa từng có, bao gồm đợt tập trận ở vùng Viễn Đông năm 2013 với sự tham gia của 160.000 binh sĩ, mà theo chính phủ Nga là lần triển khai lớn nhất trong thời bình.
“Mục tiêu của chúng ta là xây dựng một quân đội hiện đại, cơ động, được trang bị tốt, có thể phản ứng nhanh lẹ và hiệu quả với mọi nguy cơ, duy trì hòa bình, bảo vệ tổ quốc, nhân dân, các đồng minh, và tương lai của đất nước,” Tổng thống Putin đã phát biểu như vậy trong một cuộc họp với các tướng lĩnh vào tháng 2 năm 2013.
Xe bọc thép được cho là của quân đội Nga di chuyển tại thành phố cảng Sevastopol, Crimea đầu tháng 3/2014
Diễn biến ở Crimea đối lập với những gì diễn ra ở Gruzia, nơi mà mặc dù người Nga có thể nhanh chóng áp đảo đối phương nhỏ hơn nhiều thì vẫn có những vấn đề nghiêm trọng xảy ra, như việc xe cơ giới thường xuyên gặp hỏng hóc và phải nằm lại ven đường.
Tổng biên tập tạp chí quốc phòng Military Industrial Courier, ông Mikhail Khodaryonok, cho biết thêm về những vấn đề này: “Trước hết là những vấn đề về thông tin liên lạc, chúng rõ rệt đến mức cần có những biện pháp triệt để nhằm cải thiện mọi hình thức liên lạc, bao gồm cả liên lạc tuyệt mật.”
Tại Crimea, nhiều binh sĩ Nga được trang bị điện đài cá nhân, một thiết bị đã được quân đội Mỹ sử dụng rộng rãi từ lâu nhưng chỉ mới được cung cấp cho quân đội Nga gần đây. Đây không đơn thuần là sự khác biệt về trang bị, mà còn cho thấy các chỉ huy cấp dưới có thể được trao nhiều quyền quyết định hơn, giúp tăng sự linh hoạt và cơ động.
Điện đài là 1 phần của Ratnik, chương trình phát triển trang bị mới cho bộ binh. Các phần còn lại bao gồm mũ và kính bảo vệ, áo giáp, tấm đệm gối, thiết bị định vị, và các thiết bị quang học trang bị cho súng. Do đó người lính Nga ở Crimea có bề ngoài khá giống binh sĩ phương Tây.
Lực lượng Nga còn được trang bị nhiều thiết bị gây nhiễu mới như Tigr-M và R-330Zh, có thể phá sóng GPS và điện thoại vệ tinh. Các xe cơ giới được sử dụng cũng mới và trong tình trạng tốt hơn nhiều so với thời cuộc chiến Gruzia.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng nên thận trọng khi đánh giá toàn bộ quân đội Nga chỉ qua một số ít đơn vị tại Crimea, do đây là những đơn vị tinh nhuệ và được ưu tiên trang bị đầu tiên.
Dmitry Gorenburg, một chuyên gia phân tích từ Mỹ, đánh giá: “Có một sự tiến triển lớn nếu so với thời điểm 2008 tại Gruzia, nhưng mức độ cụ thể thì chúng tôi chưa nắm rõ. Liệu Nga đã trở thành một mối đe dọa cho NATO mà không cần vũ khí hạt nhân? Tôi cho là không. Vẫn cần có nhiều bước tiến hơn nữa.” Ông Gorenburg cũng nhấn mạnh việc người Nga không gặp phải sự kháng cự ở Crimea và trên thực tế không có giao tranh nổ ra.
Ông Khodaryonok cho biết sẽ mất một khoảng thời gian trước khi toàn bộ mọi đơn vị được hiện đại hóa. Song cho đến nay thì mọi việc diễn ra tốt đẹp: “không có sự cố đáng tiếc nào như xe thiết giáp phải nằm lại bên đường vì gặp hư hỏng. Thành công lớn nhất, theo tôi, là ở khâu tổ chức. Chiến dịch được bảo đảm bí mật, nhanh chóng và bất ngờ. Không có lỗ hổng tình báo nào. Quá trình xuống cấp của quân đội đã được ngăn chặn, và giờ đây họ đang trên đà đi lên.”