Tờ The Moscow Times (Nga) có bài viết cho rằng những nhận định gần đây của báo chí phương Tây về sự "lột xác" của quân đội Nga tại Crimea so với các cuộc chiến trước đây mới chỉ dựa trên biểu hiện bên ngoài mà chưa xét đến bản chất cuộc xung đột.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Trong lúc quá trình sáp nhập phần lãnh thổ Crimea vào Nga vẫn đang diễn ra thì đã có nhiều phân tích từ truyền thông phương Tây về năng lực tác chiến của quân đội Nga tại đây. Đa số đều nhận định rằng chiến dịch vừa qua cho thấy quân đội Nga đã có những bước tiến lớn so với cuộc chiến tại Gruzia và 2 cuộc chiến tại Chechnya trước đó.
Tuy nhiên, kết luận như vậy chỉ mới dựa trên biểu hiện bên ngoài mà chưa xét đến bản chất của cuộc xung đột. Chiến dịch tại Gruzia năm 2008 tiêu biểu cho một cuộc chiến quy ước giữa các quốc gia, trong đó quân đội Nga đối đấu với quân đội Gruzia. Còn tại Chechnya, trong phần lớn thời gian của cuộc xung đột, nó mang tính chất chống khủng bố và nổi loạn. Và cả trong 2 cuộc xung đột trên, quân đội Nga đều đối mặt với sự kháng cự có tổ chức của đối phương. Ngược lại, chiến dịch tại Crimea là kiểu chiến dịch ngầm, và gần như không có giao tranh nổ ra.
Ngoài ra, trong những chiến dịch trước đó, phần lớn lực lượng của Nga là những đơn vị thông thường, sử dụng lính nghĩa vụ, nhiều người trong đó không được huấn luyện đầy đủ. Còn tại Crimea, Nga sử dụng những đơn vị tinh nhuệ với thành phần là lính chuyên nghiệp. Mặc dù chính phủ Nga phủ nhận việc gửi quân đến Crimea thì vẫn có nhiều báo cáo cho biết những đơn vị hải quân đánh bộ, lính dù và của cục tình báo quân đội Nga tham gia vào chiến dịch này.
Một người lính Nga ở Crimea mặc quân phục ngụy trang Gorka, đây là quân phục ngụy trang vùng núi chỉ được trang bị cho một số lực lượng đặc biệt của quân đội Nga.
Tuy đã có nhiều bài viết trên báo giới phương Tây so sánh quân đội Nga hiện nay được trang bị tốt hơn so với trước đây, song những thay đổi đó ít mang ý nghĩa quyết định đến cục diện cuộc chiến. Các trang bị mới như quân phục, kính bảo vệ, xe cơ giới hạng nhẹ kiểu Humvee hay radio cá nhân trông khá ấn tượng và hiệu quả. Tuy nhiên khó có khả năng chúng là lí do lực lượng Ukraine tại Crimea quyết định không kháng cự.
Mặt khác, chiến dịch tại Crimea tái xác nhận một điều đã được biết đến từ lâu: những đơn vị đặc nhiệm Nga luôn được trang bị, huấn luyện tốt, và rất hiệu quả trong các chiến dịch ngầm, bao gồm việc chiếm các vị trí trọng yếu. Bản chất các chiến dịch loại này đòi hỏi sự bí mật, bất ngờ trong khâu chuẩn bị và thực hiện. Đối với các đơn vị đặc nhiệm, bị phát hiện đồng nghĩa với thất bại. Do đó cũng dễ hiểu khi đặc nhiệm Nga làm mọi cách để đảm bảo rằng chiến dịch chớp nhoáng của họ tại Crimea diễn ra đúng như dự kiến và không để phía Ukraine kịp trở tay. Điều này trái ngược với những gì mà các đơn vị thông thường của Nga thể hiện trong các cuộc chiến trước đó, ví dụ như khi một sĩ quan người Nga phải mượn điện thoại vệ tinh không có mã hóa của một phóng viên để gọi hỏa lực yểm trợ trong cuộc chiến năm 2008 với Gruzia.
Nếu chiến dịch tại Crimea được thực hiện ở quy mô lớn, đòi hỏi sự tham gia của các đơn vị thông thường, và nếu phía Ukraine quyết định chống trả, thì nhiều khả năng quân đội Nga sẽ gặp lại những vấn đề như trong cuộc chiến năm 2008.
Tất nhiên là quy mô và mức độ của những vấn đề đó sẽ giảm đáng kể, nhờ vào những cải tổ sâu rộng và tăng ngân sách quốc phòng. Nhưng sẽ là khập khiễng nếu so sánh một chiến dịch quy mô nhỏ giữa các lực lượng đặc nhiệm và một đối phương không có ý định chống trả, với một chiến dịch quy mô lớn, nơi có các đơn vị thông thường tham chiến và giao tranh ác liệt.