"Việc bàn giao toàn bộ số xe bọc thép chở quân này dự kiến sẽ được thực hiện trong quý đầu tiên của năm 2015", Trung tá Noel Detoyato cho biết.
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez cho rằng, nước này sẽ thanh toán hợp đồng mua số xe bọc thép chở quân nâng cấp trị giá 882 triệu peso (khoảng 20 triệu USD) này cho nhà sản xuất quốc phòng Elbit Systems của Israel theo 3 đợt.
Các hạng mục nâng cấp trên số xe bọc thép này bao gồm tháp pháo tự động 25mm, các trạm điều khiển vũ khí từ xa (RCWS) cho súng 12,7mm và hệ thống điều khiển hỏa lực (FCS) cho tháp pháo 90mm.
Theo hợp đồng, tất cả 28 chiếc xe bọc thép chở quân này, sẽ được công ty Elbit Systems bàn giao cho lục quân Philippines trong vòng một năm.
Việc ký kết hợp đồng này là một bước đột phá quan trọng đối với công ty quốc phòng Elbit Systems của Israel, vì đây là hợp đồng đầu tiên ở Philippines được trao cho công ty này.
Lục quân Philippines hiện đang được biên chế khoảng 343 chiếc xe bọc thép chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân. Trong đó, khoảng 85% số xe bọc thép này đang trong tình trạng hoạt động tốt, trong khi đó, 10% đang được sửa chữa và nâng cấp, và 5% ở trong tình trạng không thể sửa chữa được.
Thời gian vừa qua, Philippines đang nỗ lực hiện đại hóa và gia tăng sức mạnh quốc phòng của mình một cách nhanh nhất. Về lục quân, ngoài lô hàng nâng cấp hợp tác với Israel này, Manila còn tìm kiếm nhà thầu cung cấp 14 xe bọc thép chở quân M113 vào năm 2015 nhằm tăng cường hỏa lực.
Phát ngôn viên Quân đội Philippines Anthony Bacus tuyên bố, số xe bọc thép M113 này sẽ lắp đặt tháp pháo 76mm được lấy từ xe tăng hạng nhẹ Scorpion.
“Nó sẽ được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại cùng thiết bị trinh sát ảnh nhiệt. Sau khi được hoàn thành, xe bọc thép M113 vũ trang pháo 76mm trở thành vũ khí khá nguy hiểm”, ông này nói.
Ngoài ra, Philippines còn ký hợp đồng với công ty Rice (Mỹ) và Hawk Helicopter (Canada) để cung cấp 21 trực thăng đa năng UH-1 Huey đã qua sử dụng cho Không quân Philippines.
Tổng giám đốc công ty dịch vụ máy bay Rice của Mỹ cho biết, thời gian 2công ty nhận được hợp đồng là ngày 22/12/2013.
Ông này tiết lộ thêm rằng, Không quân Philippines sẽ sử dụng những trực thăng này cho “tìm kiếm cứu hộ và mục đích khác”. Hai công ty sẽ lắp đặt thiết bị vô tuyến điện cho trực thăng này, nhưng sẽ không trang bị vũ khí.
Bộ quốc phòng Philippines cho biết giá trị của hợp đồng này khoảng 30 triệu USD. Lô trực thăng đầu tiên dự kiến sẽ được bàn giao trong 6 tháng đầu năm 2014.
Về hải quân, Philippines cũng có kế hoạch nâng cấp tàu pháo BRP Artemio Ricarto (PS-37) – đây là một trong 3 tàu chiến được xem là hiện đại nhất của Hải quân Philippines, đóng từ những năm 1980 (so với các tàu chiến đóng từ năm 1950-1960).
Việc nâng cấp sẽ tập trung vào sử chữa thân tàu, cải tiến hệ thống điện, giám sát kiểm soát điện năng tàu. Philippines cũng mua thêm hai tàu chiến cũ của Mỹ phục vụ phòng vệ bờ biển và tuần tra.
Tuy nỗ lực trong việc hiện đại hóa quân đội nhưng tiềm lực kinh tế yếu, quốc gia này chỉ có thể mua lại những vũ khí đã qua sử dụng và bị loại khỏi biên chế của những nước phát triển như Mỹ, Canada, hay khối EU.
Việc Trung Quốc ngày càng gia tăng các hành động ngang ngược với Philippines xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền khiến Manila buộc phải nhanh chóng gia tăng sức mạnh quân sự để phòng thủ. Ngoài ra, đất nước này vẫn còn tồn tại một số vấn đề mâu thuẫn sắc tộc và tôn giáo, dẫn đến sự tồn tại của một số nhóm vũ trang chống chính phủ.