FA-50 sẽ là chiến đấu cơ phản lực đầu tiên đi vào hoạt động trong lực lượng Không quân Philippines kể từ khi các chiến đấu cơ lỗi thời F-5 của Mỹ được Manila cho "nghỉ hưu" từ năm 2005.
Phát ngôn viên của Tổng thống Benigno Aquino, ông Edwin Lacierda cho biết hiện tại Không quân Philippines không có loại chiến đấu cơ phản lực nào còn hoạt động, bởi vậy, việc nâng cấp các phi đội chiến đấu là điều cần thiết.
"Đây là một phần trong kế hoạch hiện đại hóa phần cứng của quân đội chúng tôi", ông Lacier nói.
Ông này cũng bổ sung thêm rằng, các chiến đấu cơ FA-50 sẽ được sử dụng để "huấn luyện và phản ứng trước các thảm họa, ngăn chặn kẻ thù" cũng như sử dụng các camera lắp trên máy bay để giám sát các khu vực quan trọng.
Chiến đấu cơ FA-50
Ông Lacier nhấn mạnh ràng, kế hoạch mua máy bay chiến đấu mới "không nhằm vào một quốc gia nào", bất chấp những căng thẳng mới đây giữa Manila và Bắc Kinh trong tranh chấp lãnh thổ biển đảo ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, ông Peter Galvez nói rằng, loại máy bay chiến đấu FA-50 đã được họ lựa chọn bởi vì nó đáp ứng được tất cả các yêu cầu của không quân. Ngoài ra, giá trị mỗi chiếc máy bay cũng khá hợp lý.
Tổng chi phí cho việc mua 12 chiến đấu cơ FA-50 của Hàn Quốc là 18,9 tỷ peso (309 triệu USD), tương đương khoảng gần 26 triệu USD/ một máy bay.
Ông Galvez nói rằng, thỏa thuận mua máy bay mới hiện đang được thảo luận. Trong đó, Chính phủ Philippines sẽ tìm cách để có được 2 máy bay FA-50 đầu tiên, được cung cấp càng sớm càng tốt để nhanh chóng bắt đầu huấn luyện phi công.
FA-50 thực chất là một phiên bản dành cho xuất khẩu của loại máy bay huấn luyện, chiến đấu hạng nhẹ T-50 Golden Eagle (Đại bàng vàng) do công ty Công nghiệp hàng không KAI của Hàn Quốc phát triển. Máy bay được trang bị hệ thống điện tử hàng không và vũ khí hiện đại. Do vậy, ngoài chức năng chính là huấn luyện phi công, FA-50 còn có thể chiến đấu như một chiến đấu cơ hạng nhẹ.
Trong những tháng qua, bất chấp khó khăn về tài chính, Chính phủ Philippines đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội nước này trước căng thẳng tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông.
Mặc dù Philippines đã phụ thuộc vào nguồn cung cấp vũ khí từ Mỹ trong một thời gian dài, nhưng giờ đây, họ đã nỗ lực mở rộng khách hàng cung cấp vũ khí cho quân đội từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, điển hình như Ba Lan, Tây Ban Nha, Italia, Canada và Pháp.
Tổng thống Philippines Aquino cũng đã tăng cường thảo luận về việc mua các trang thiết bị, vũ khí kể từ chuyến thăm Manila của Tổng thống Lee Myung-Bak.