Philippines cho rằng, sau khi Trung Quốc biên chế tàu sân bay Liêu Ninh, để theo kịp sức mạnh hải quân của Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền biển đảo, một chiếc tàu sân bay sẽ đem lại nhiều lợi ích đối với Philippines. Sức mạnh vượt trội của hải quân Trung Quốc trên biển Đông, đã cho thấy sự cần thiết phải có một lực lượng hải quân hiện đại và được trang bị tốt để đối phó với mối đe dọa này.
Bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính, chính phủ Tây Ban Nha đã thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng, bao gồm cả việc cắt giảm chi tiêu quốc phòng, trong đó có việc loại khỏi biên chế chiếc tàu sân bay của Hải quân Tây Ban Nha, Principe de Asturias, từ tháng 2-2013.
Tàu sân bay Principe de Asturias được khởi đóng năm 1979, đến ngày 30-5-1988 nó được bàn giao cho Hải quân Tây Ban Nha. Nó có chiều dài 175,3m, với sức chứa tối đa 29 máy bay cánh cố định cất cánh trên đường băng ngắn và 12-17 máy bay cánh quạt trên boong. Còn thông thường nó có thể mang theo 10 chiếc AV-8 Harrier và 10 chiếc máy bay trực thăng.
Hiện tại, tàu sân bay Principe de Asturias đang neo tại căn cứ Ferrol để tiến hành thủ tục thanh lý và đồng thời tiếp tục nhiệm vụ tháo dỡ các hệ thống vũ khí, quá trình này có thể mất từ 6 đến 9 tháng. Chính phủ Tây Ban Nha đã chào bán nó cho các nước quan tâm ở châu Á và Trung Đông. Sau đó, sẽ tiến hành đại tu chiếc tàu này theo những nhu cầu mới của nước mua tại Tây Ban Nha, trước khi chuyển giao.
Tuy vậy, một vấn đề làm nhiều người băn khoăn là việc hải quân Philippines mua sắm chiếc tàu sân bay hạng nhẹ liệu có cần thiết hay không và họ có đủ ngân sách để duy trì một biên đội tàu sân bay trong điều kiện kinh tế eo hẹp? Hơn nữa, nó sẽ nâng cấp được bao nhiêu sức mạnh cho hải quân Philippines, có đủ để họ đối chọi với hải quân Trung Quốc trên biển Đông hay không?
Về vấn đề này, ông D. Allen chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu an ninh châu Á của Mỹ, tác giả cuốn sách nổi tiếng “ASEAN và nền quốc phòng của họ” đã cho rằng, đây không phải đơn thuần là một hợp đồng mua sắm quốc phòng thông thường, sở hữu một tàu sân bay còn kéo theo rất nhiều trang, thiết bị của và các lực lượng bổ trợ.
Ông cho biết, nếu sở hữu tàu dân bay này, ít nhất Philippines sẽ phải mua thêm 10 chiếc máy bay chiến đấu cất, hạ cánh thẳng đứng (VTOL) AV-8 Harrier và 10 chiếc máy bay trực thăng, ít nhất 2 chiếc tàu khu trục hạng nặng, có khả năng phòng không hạm, 2 chiếc tàu hộ vệ tên lửa, 1 tàu bổ trợ hậu cần ít nhất cũng trên 2 vạn tấn, ngoài ra nếu có thêm 1 tàu ngầm tấn công nữa thì càng tốt.
Một vấn đề mang tính tất yếu nữa là công tác cải tạo, nâng cấp tàu sân bay này, với rất nhiều hạng mục như: gia cố và làm mới thân tàu, thay thế hệ thống thiết bị điện tử, các hệ thống bảo đảm không quân hạm và tăng cường các hệ thống phòng không tầm gần tiên tiến (tàu này chỉ được trang bị có 4 bệ pháo phòng không tầm gần kiểu cũ) đòi hỏi kinh phí rất lớn và tốn nhiều thời gian.
Với tiềm lực tài chính có hạn của mình, chỉ e rằng ngay cả việc mua sắm các máy bay AV-8 Harrier đã qua sử dụng và trang bị tên lửa, bom điều khiển chính xác cho nó, Philippines cũng không mua nổi. Ông Allen cho biết, trong 3 năm kể từ 2011 đến nay, ngân sách quốc phòng bình quân hàng năm của Philippines đạt mức kỷ lục là trên 200 triệu USD. Thế nhưng, số tiền này chỉ đủ mua 3 chiếc máy bay và vũ khí, trang bị của nó và chi phí cho công tác bảo dưỡng.
Để đưa được tàu sân bay vào hoạt động, ít nhất cũng tốn vài tỷ USD, để xây dựng biên đội hộ vệ tàu sân bay, với 2 tàu khu trục phòng không, 2 tàu khu trục tên lửa, 1 tàu bổ trợ hậu cần và 1 tàu ngầm, Philippines cũng cần bỏ ra hàng tỷ USD nữa, và để duy trì hoạt động của nó cũng tốn kém ngân sách không nhỏ, mà chỉ một cụm tàu sân bay trơ trọi cũng không làm nên trò trống gì trên biển Đông.
Về vấn đề này, ông Richard Kirk, Phó chủ biên của Trang mạng “Quốc phòng và vũ khí quốc tế” của Mỹ khuyên, tốt nhất là Manila nên dành tiền để mua máy bay chiến đấu hoặc tàu ngầm. Một khi biển Đông có biến, bắt chước chiến thuật của người Argentina trong cuộc chiến Falklands, sử dụng máy bay chiến đấu tập kích tầm thấp, phóng tên lửa đánh đắm các chiến hạm của Anh. Ông khẳng định, Philippines không thể sử dụng tàu chiến để đối đầu trực diện với hải quân Trung Quốc trên biển Đông để chuốc lấy thất bại.
Đồng thời, ông này cũng “gợi ý” khéo, Philippines mua loại máy bay chiến đấu F-16 được trang bị tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon, có giá chỉ vài chục triệu USD, còn có tác dụng cao hơn 1 tàu chiến đắt gấp 5, 6 lần. Sử dụng máy bay chiến đấu F-16 phóng 1 quả tên lửa chống hạm, đánh đắm 1 tàu chiến hạng nặng của địch sẽ là chiến thắng chưa từng có trong lịch sử của lực lượng vũ trang Philippines.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!