Vòng sơ tuyển thứ nhất: Trượt phi công vì... gan bàn chân
Ở vòng khám sơ tuyển được tiến hành tại các cơ sở y tế, ban chỉ huy quân sự huyện, thị xã, thành phố. Ứng viên phải trải qua các vòng khám sơ bộ về chiều cao, cân nặng, cột sống, chân tay… Những người có gan bàn chân dày (biểu hiện của người phản ứng chậm chạp); thuận tay trái (vì buồng lái máy bay đều bố trí những nút bấm quan trọng dành cho người thuận tay phải); chân vòng kiềng hoặc ngắn dưới 75 cm (khó sử dụng những bộ phận dùng chân trên máy bay); có chiều cao khi ngồi lớn hơn 93 cm (vì sẽ chạm mui ca bin); có giọng nói không rõ ràng, mạch lạc (vì sẽ khó khăn trong liên lạc vô tuyến)… sẽ phải ngậm ngùi dừng bước.
Sau đó là vòng khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, Răng - Hàm - Mặt. Những người viêm xoang, viêm họng hạt, viêm tai, sâu răng, lệch hàm, vẹo mặt… đương nhiên không thể đi tiếp.
Nội dung khám tiếp theo, ứng viên phi công được làm điện tim, đo huyết áp, kiểm tra tâm lí… Bài kiểm tra trí nhớ với một bảng chữ được đưa ra trong vài chục giây rồi cất đi, ứng viên phải nói lại trong bảng có bao nhiêu chữ, là những chữ gì...
Đối với phi công, thị giác là tối quan trọng. Phi công Đào Quốc Kháng, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn không quân 935 cho biết: ở vòng khám mắt, sau khi vượt được vòng đo thị lực với kết quả 10/10, thậm chí là 12/10, ứng viên phải trải qua những bài test để kiểm tra độ thích ứng sáng tối bằng cách nhìn vào một bóng đèn sáng cho đồng tử co lại, rồi đèn đột ngột tắt phụt, một bảng chữ được đưa ra để xem ứng viên mất bao nhiêu thời gian mới có thể đọc được. Trong 60 giây mà chưa đọc được bảng chữ trước mặt thì đương nhiên là … đừng mơ lái máy bay! Ở bài kiểm tra độ nhạy màu sắc, ứng viên phi công phải nhìn vào một bảng chữ cái nhỏ li ti có nhiều màu khác nhau… Nhiều ứng viên thị lực rất tốt nhưng lại bị đánh trượt vì không phân biệt được chữ nào xanh chữ nào đỏ.
Bài kiểm tra chức năng tiền đình
Trong vòng một, khó nhằn nhất là nội dung kiểm tra chức năng tiền đình. Ứng viên được ngồi mâm xoay tròn với tốc độ 40 vòng/phút. Sau mấy phút chịu “lắc lư như lên đồng” trên mâm, ứng viên bước xuống và được yêu cầu đi trên một đường thẳng. Chỉ những người đi hơi “liêu xiêu” một chút là có thể tiếp tục được chọn khám vòng 2 tại Viện Y học Hàng không.
Vòng sơ tuyển thứ hai và kỳ thi ĐH: Màn “tra tấn” trên mâm điện
Ở vòng khám tuyển 2, ứng viên phải trải qua tất cả những bài đã kiểm tra ở vòng 1 với yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Ví dụ như ở vòng 1, ứng viên chỉ phải ngồi mâm xoay tay để kiểm tra chức năng tiền đình thì ở vòng hai họ phải ngồi… mâm điện. Mâm điện quay nhanh hơn với tốc độ chóng mặt 60 vòng/phút. Thế nên sau mấy phút, nhiều người vừa bước khỏi ghế điện đã… “đổ cái rầm”.
Khắc nghiệt nhất ở vòng này là nội dung kiểm tra sức chịu đựng trong môi trường giảm áp. Ứng viên được đưa vào một khoang máy kín mít có hệ thống hút chân không. Áp suất được điều chỉnh giảm xuống, ôxy được rút bớt ra để môi trường trong khoang máy tương đương với máy bay đang độ cao 5.000 mét.
Trong 30 phút ở môi trường áp thấp, thiếu ôxy, ứng viên sẽ phải kiểm tra chức năng khí áp tai, khí áp xoang, độ nhạy của thính giác, thị giác, công năng hô hấp của phổi… Nhiều ứng viên “mắt tinh, tai thính, thở đều” trong điều kiện bình thường, nhưng chỉ mấy phút vào buồng giảm áp là đã “mắt mờ, tai ù, mũi nghẹt”. Nhiều người hốt hoảng, mặt tái mét. Có người không chịu nổi đã ngất xỉu. Đây là cửa ải kiểm tra sức khỏe cuối cùng, cũng là cửa ải đã cho… “hạ cánh” bao nhiêu “giấc mơ bay”.
Học viên tham dự kỳ thi tuyển vào Trường sĩ quan không quân
Sau khi đã vượt qua 2 vòng sơ tuyển ngặt nghèo, như bao thí sinh khác những ứng viên học viên phi công cũng phải trải qua kỳ thi đại học theo hình thức 3 chung khắc nghiệt như bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa. Qua được cửa ải này họ mới chính thức được công nhận là học viên phi công.
Học bao lâu mới thành phi công?
Học viên phi công vốn được tuyển đầu vào kỹ càng, nhưng để trở thành phi công trực thăng chiến đấu là cả quá trình gian nan, Thượng úy Nguyễn Xuân Lộc, tốt nghiệp Trường sĩ quan không quân Nha Trang năm 2008 cho biết: Để tốt nghiệp được phải học rất căng thẳng với tỷ lệ đỗ chỉ vào khoảng 55%. Ai tốt nghiệp thì trở thành phi công, còn lại phải xuống phục vụ mặt đất.
Hiện tại trường sỹ quan Không quân đã thành lập Trung tâm đào tạo phi công trực thăng thuộc Trung đoàn 910 với nhiệm vụ chủ yếu là: huấn luyện, đào tạo phi công quân sự bậc đại học trên loại máy bay trực thăng; phục vụ nhảy dù, tìm kiếm cứu nạn; phòng chống giảm nhẹ thiên tai; sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu khi đất nước chuyển sang thời chiến; đồng thời là nơi thực hành, thực tập cho học viên kỹ thuật hàng không và đào tạo cho các nước bạn khi có yêu cầu.
Những học viên đào tạo phi công
Thời gian đào tạo của học viên tại trung tâm gồm 4 năm (8 học kỳ): 3 học kỳ đầu học viên được trang bị các kiến thức cơ bản, lý thuyết bay theo chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định; 3 học kỳ tiếp theo, học viên tiến hành chuẩn bị mặt đất và thực hành bay trên máy bay trực thăng với những bài bay cơ bản, để thuần thục kỹ thuật lái, dẫn đường trong giáo trình và điều lệ bay, quy tắc bay của Việt Nam; 2 học kỳ cuối, học viên được bay nâng cao trong điều kiện thời tiết, địa hình phức tạp và ôn thi tốt nghiệp ra trường.
Trong thời gian huấn luyện tại trung đoàn, các học viên bay phải trải qua ít nhất 100 giờ bay với hàng loạt khoa mục từ đơn giản tới phức tạp, chẳng hạn bay treo (bay tại chỗ), vòng kín, bay khu vực, chọn bãi ngoài…Sau thời gian huấn luyện thực tế, học viên bay sẽ trở lại trường để thi tốt nghiệp. Nếu vượt qua kỳ thi sẽ chính thức trở thành sĩ quan không quân. Nhưng khác với các ngành nghề thông thường, tốt nghiệp đại học đã có thể hành nghề, còn với phi công trực thăng chiến đấu thì phải tiếp tục học, luyện tập các khoa mục phức tạp hơn để đảm đương được nhiệm vụ và sẵn sàng chiến đấu.
Quá trình huấn luyện tại đơn vị
Phi công trực thăng cũng có nhiều cấp độ khác nhau mà phải kinh qua thời gian trui rèn, thử thách khó khăn mới đạt được. Khi mới tốt nghiệp trường sĩ quan không quân là bạn đang ở cấp thấp nhất - cấp không cấp, còn phải trải qua hàng chục khoa mục huấn luyện "trần ai” mới được phê chuẩn là phi công.
Một tổ bay vừa hoàn thành nhiệm vụ
Trong thời gian đó, không phải ai và lúc nào cũng giữ được phong độ. Để "thăng hạng” lên cấp 3, ngoài nắm vững lý thuyết, phi công phải đáp ứng nhiều điều kiện khó khăn, chẳng hạn phải thực hiện thành công các khoa mục khó như treo cẩu trên biển, hạ cánh trên tàu vận tải hải quân, treo cấp cứu trên đất liền, trên biển, thực hành bắn rocket trên bộ, trên biển, bay đường dài, bay đêm…, trong năm không để xảy ra vụ việc nào gây uy hiếp an toàn bay, kèm theo kinh nghiệm tối thiểu 350 giờ bay.
Lên cấp 2 thì trước đó phải đạt cấp 3 và hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện ở mức độ cao hơn, khó hơn, phải tích lũy ít nhất 650 giờ bay. Trở thành phi công cấp 1 - cấp cao nhất - điều kiện còn khó khăn hơn nữa, kèm theo tối thiểu 850 giờ bay.
Dù cấp nào thì hàng năm các phi công chiến đấu đều phải trải qua các kỳ thi về lý thuyết, thể lực… Nâng cấp đã khó, giữ cấp đôi khi còn khó hơn… Rất nhiều yếu tố có thể dẫn tới việc bị giáng cấp, chẳng hạn như sức khỏe. Cho dù lý thuyết đạt chuẩn, kỹ thuật và trình độ tay nghề của phi công điêu luyện, nhưng nếu lười vận động, để sức khỏe đi xuống là coi chừng rớt hạng.
Thượng tá Nguyễn Quốc Long, Chính ủy Trung đoàn trực thăng 917 cho biết, tùy vào khả năng, trình độ và bản lĩnh của phi công mà ban chỉ huy trung đoàn sẽ giao nhiệm vụ cụ thể.
Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp các báo Tiền phong, Tuổi Trẻ, Infonet… Trân trọng cảm ơn!
Huấn luyện nhảy dù từ trực thăng Mi-171
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA