Bay bám mặt biển (sea-skimming) là kỹ thuật được áp dụng trên hầu hết các tên lửa hành trình chống hạm hiện đại, cũng như một số loại máy bay tiêm kích. Trong đó, tên lửa hoặc máy bay sẽ bay cách mặt biển chỉ vài mét cho tới dưới 50m.
Mục đích của bay bám biển là để tránh việc bị đối phương phát hiện từ xa bằng radar hoặc các thiết bị trinh sát hồng ngoại/quang học.
Nguyên lý của kỹ thuật này dựa vào độ cong của Trái đất, cùng việc các hệ thống radar cảnh giới chỉ hoạt động hiệu quả khi ở trong tầm chiếu thẳng.
Mục tiêu bay càng thấp thì khoảng cách phát hiện của radar càng ngắn, đối phương càng ít có thời gian phản ứng trước đe dọa của máy bay hoặc tên lửa tấn công.
Với tên lửa chống hạm bay ở tốc độ cận âm, các tàu mục tiêu thường chỉ có khoảng 45-60 giây từ lúc phát hiện cho tới khi bị tên lửa đánh trúng.
Tiêm kích đa năng Su-30MK phóng tên lửa diệt radar Kh-31P. Ảnh: KNAAPO.
Ưu điểm
Phương pháp bay bám biển có rất nhiều ưu điểm, nhất là trong tình hình các tàu chiến thường được trang bị radar cảnh giới với tầm xa như hiện nay.
Thứ nhất, khoảng cách tàu địch phát hiện máy bay sẽ ngắn hơn rất nhiều. Nếu bay hành trình ở độ cao 10.000m, máy bay có thể bị đối phương "nhìn thấy" từ khoảng cách 100km.
Nhưng ở độ cao 50m, khoảng cách này có thể rút ngắn lại chỉ khoảng 20-30km. Nghe có vẻ nhiều nhưng máy bay tiêm kích bay với tốc độ cận âm Mach 0,9 (khoảng 1.120km/h) chỉ mất khoảng 100 giây đồng hồ để bay hết quãng đường 30km.
Bên cạnh đó, máy bay không nhất thiết phải vào tới sát tàu đối phương để công kích. Phi công hoàn toàn có thể tiến vào cự ly công kích hiệu quả mà đối phương còn chưa kịp phát hiện, chứ đừng nói tới việc khởi động các hệ thống tên lửa phòng không.
Thứ hai, máy bay và tên lửa bay sát mặt biển có thể tận dụng nhiễu địa hình địa vật để ẩn mình kỹ hơn. Điều này rất quan trọng, đặc biệt là khi đối phương được trang bị những loại máy bay cảnh báo sớm như E-3 Sentry (Mỹ) và KJ-2000 (Trung Quốc).
Máy bay cảnh báo sớm có khả năng quan sát xa hơn hệ thống radar trên hạm, khiến việc tiếp cận tàu địch khó hơn rất nhiều.
Do vậy, lợi dụng vào nhiễu địa hình trên biển, máy bay tấn công có thể khiến radar trên máy bay cảnh báo sớm khó phát hiện ra mình hơn.
Thứ ba, việc bay sát mặt biển hoặc mặt đất sẽ tận dụng được hiệu ứng mặt đất (ground effect). Hiệu ứng này xảy ra khi máy bay bay ở độ cao bằng hoặc thấp hơn sải cánh của mình.
Khi đó, lực nâng sẽ tăng lên, trong khi lực cản lên cánh máy bay giảm mạnh. Hệ quả là máy bay sẽ tiết kiệm được nhiên liệu và tăng bán kính tác chiến.
Mục tiêu bị diệt bởi 1 quả tên lửa diệt hạm Kh-31A phóng đi từ máy bay Su-30MKM. Ảnh: Không quân Malaysia.
Nhược điểm
Bay bám biển là một kỹ thuật rất hữu dụng, nhưng bù lại có rất nhiều rủi ro, ngay cả với các phi công tiêm kích nhiều kinh nghiệm.
Vấn đề lớn nhất là máy bay hoặc tên lửa sẽ phải bay rất sát với mặt biển. Ở độ cao này, mọi sai sót đều dẫn tới thảm họa, máy bay có thể dễ dàng đâm xuống biển nếu phi công xử lý sai.
Ngay cả khi bay theo đường thẳng song song mặt biển, máy bay vẫn có nguy cơ bị hư hại do các con sóng lớn. Trong chiến dịch Chastise, các máy bay của Anh đã bay ở độ cao chỉ 30m để tấn công các con đập của người Đức.
Một chiếc Lancaster đã phải từ bỏ nhiệm vụ sau khi bay quá gần mặt biển và để mất quả bom của mình.
Bay bám biển đòi hỏi máy bay phải có hệ thống điều khiển rất tinh vi và chính xác. Với máy bay hiện đại như F/A-18, Su-33, MiG-29K hay Su-30MK2 thì đây không phải vấn đề nghiêm trọng.
Nhưng các máy bay đời cũ hơn sử dụng hệ thống dẫn đường có công nghệ giới hạn và phi công sẽ phải rất tập trung trong quá trình bay.
Việc huấn luyện kỹ thuật này cho phi công cũng rất phức tạp. Ở độ cao thấp, con người rất dễ nhầm lẫn giữa bầu trời và mặt biển.
Để làm chủ được việc bay bám biển, phi công cần được học tập và rèn luyện trong điều kiện thực tế. Điều này càng làm tăng sự nguy hiểm của việc huấn luyện.
Cuối cùng, nếu bay ở độ cao lớn hơn sải cánh, máy bay sẽ không tận dụng được hiệu ứng mặt đất. Bay ở độ cao thấp cũng khiến máy bay khó đạt tốc độ siêu âm hơn, đồng thời tốn rất nhiều nhiên liệu cho việc này.
Biên đội máy bay tiêm kích bom Su-22M4 cất cánh làm nhiệm vụ trên biển. Ảnh: Trung đoàn Không quân 937.
Bay bám biển trong thực tế
Kỹ thuật bay này đã được áp dụng từ thời Thế chiến thứ hai. Một trong những trận đánh đầu tiên áp dụng kỹ thuật này là cuộc không kích của Không quân Mỹ lên đất Nhật Bản vào đầu năm 1942.
Các máy bay B-25 xuất phát từ tàu sân bay USS Hornet đã bay ở độ cao chỉ vài chục mét trên mặt biển, trước khi bất ngờ tấn công vào Tokyo và các thành phố lân cận.
Trong Kháng chiến chống Mỹ, Không quân Nhân dân Việt Nam cũng từng áp dụng phương pháp này để tấn công tàu chiến Mỹ.
Ngày 19/4/1972, hai chiếc MiG-17 do phi công Lê Xuân Dị và Nguyễn Văn Bảy B đã bay ở độ cao 500m để ném bom và gây hư hại nặng cho tàu khu trục USS Higbee và USS Oklahoma.
Tới năm 1982, cuộc chiến trên quần đảo Falklands tiếp tục chứng kiến sự hiệu quả của kỹ thuật bay bám biển.
Các máy bay A-4 Skyhawks của Argentina bay sát mặt biển đã áp sát và đánh chìm tàu khu trục phòng không hiện đại HMS Coventry (D118) của Anh chỉ với bom không điều khiển.
Những chiếc Super Etendard mang theo tên lửa Exocet AM39 cũng thành công trong việc tấn công và đánh chìm tàu khu trục phòng không HMS Sheffield bằng kỹ thuật này.
Như vậy, nếu áp dụng một cách thành thạo, bay bám biển chính là một lá bùa hộ mệnh giúp các phi công tiêm kích hoàn thành nhiệm vụ được giao và trở về căn cứ an toàn.