Phát triển oanh tạc cơ chiến lược mới: Nga-Mỹ có điên rồ?

Tuân Việt |

(Soha.vn) - Trong khi các máy bay không người lái đang trở nên phổ biến, tại sao Nga - Mỹ vẫn rót cả đống tiền để phát triển máy bay ném bom chiến lược tầm xa?

Mặc cho khả năng chiến đấu, độ tinh tế và độ bền ngày càng tăng của máy bay không người lái, cả Nga và Mỹ lại bật đèn xanh cho sự phát triển các máy bay ném bom tấn công tầm xa có người lái thế hệ mới. Các dự án mới không những không cải thiện đáng kể an ninh của Nga hay Mỹ mà còn để lại lỗ hổng lớn trong ngân sách quốc phòng của hai siêu cường thế giới này.

 	Tu-195 và Tu-160

Tu-195 và Tu-160

Dự án tham vọng PAK DA của Nga

Không quân Nga đã thông qua việc phát triển một máy bay ném bom chiến lược mới được gọi là PAK DA sẽ thay thế cho các phi đội oanh tạc cơ chiến lược già nua gồm 63 chiếc Tupolev Tu-95 Bear và 13 chiếc Tu-160 Blackjack trong thập kỷ tới.

Đáng chú ý, tại một thời điểm khi các tên lửa đối không có thể đạt tốc độ siêu vượt âm (gấp 5 đến 10 lần tốc độ âm thanh) thì máy bay ném bom mới của Nga lại được thiết kế để bay với tốc độ cận âm. Vì vậy, khi đi vào phục vụ trong những năm 2020, PAK DA sẽ thay thế máy bay được thiết kế từ 50-70 năm trước đây nhưng các máy bay ném bom mới này sẽ chậm chạp hơn so với một số máy bay nghỉ hưu.

Ngày nay, học thuyết của không kích chiến lược không hề thay đổi. Các máy bay cận âm Tu-95 và siêu âm Tu-160 với tốc độ Mach 2 được thiết kế để cất cánh từ các căn cứ nằm sâu trong nước Nga và phóng hàng trăm tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Kh-102 từ khoảng cách lên đến 3.000 km từ bờ biển nước Mỹ.

 	Thiên nga trắng Tu-160

Thiên nga trắng Tu-160

Các máy bay ném bom mới, dự kiến sẽ có chi phí hàng tỷ USD, sẽ thực hiện vai trò tương tự - đó là, nó sẽ được lắp thêm các hệ thống để phóng tên lửa hành trình. Sự cải thiện lớn duy nhất là máy bay sẽ được trang bị một chiếc áo tàng hình, mà hiệu quả của nó chưa được chứng minh một cách thuyết phục khi chống lại các kẻ thù đáng gờm.

Máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Mỹ

Hai gã khổng lồ trong làng hàng không vũ trụ của Mỹ là Boeing và Lockheed Martin tuyên bố trong tháng 10 năm 2013 rằng họ sẽ hợp tác để phát triển dự án máy bay máy bay ném bom tấn công tầm xa mới (LRSB) cho Không quân Mỹ để thay thế phi đội 160 máy bay ném bom hạng nặng đã lão hóa, gồm 76 B-52 Stratofortresses, 63 B-1 Lancer, và 20 B-2 Spirit. Không quân Mỹ cho biết chi phí của mỗi máy bay được ước tính là 550 triệu USD và tổng giá trị của 100 máy bay sẽ 55 tỷ USD.

 	B-52 và B-2

B-52 và B-2

Nhiều người sẽ nghĩ rằng khi mối đe dọa từ Liên Xô biến mất, không quân Mỹ sẽ không cần có một máy bay ném bom mới. Tuy nhiên, hiện nay, với sự bành trướng của Trung Quốc, Mỹ không thể làm ngơ. Mặc dù thực tế rằng quân đội Trung Quốc chưa thể đem ra so sánh với Mỹ nhưng quan điểm của Lầu Năm Góc là không một tàu hải quân Trung Quốc nào có thể tuần tra mà không nằm trong tầm với của không quân Mỹ trên đất liền. Theo Phó Tổng tham mưu trưởng Không quân Mỹ Đại tướng Philip Breedlove, Mỹ phải tiếp tục có khả năng để tấn công bất kỳ mục tiêu trên toàn thế giới từ không trung.

Tấn công tầm xa là một khả năng trọng tâm trong học thuyết quân sự mới AirSea Battle của Mỹ, trong đó kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa Không quân và Thủy quân lục chiến Mỹ trên chiến trường.

 	B1-B

B1-B

Vũ khí dễ bị tổn thương

Dù siêu âm hay cận âm, máy bay ném bom có người lái đang trở nên rất dễ bị tổn thương. Nhà phân tích quốc phòng Loren Thompson nói rằng điều quan trọng nhất khiến máy bay ném bom đang trở nên lỗi thời đó là khả năng chống chọi yếu ớt trước hệ thống phòng không của đối phương.

"Nhiều quốc gia như Iran và Syria đã triển khai hệ thống phòng không tích hợp kết hợp radar rất nhạy cảm với các tên lửa đối không cao tốc", ông nói, "Những hệ thống phòng thủ này đã được thiết kế để đốt cháy các nguồn nhiễu tạo ra bởi các thiết bị gây nhiễu của Mỹ, và theo dõi máy bay với nhiều tần số khác nhau để chúng (hệ thống phòng không) không thể dễ dàng bị lừa bởi các biện pháp đối phó của đối phương. Điều đó sẽ gây khó khăn cho máy bay ném bom của Mỹ khi thâm nhập vào không phận của đối phương trong tương lai, đặc biệt là nếu chúng thiếu tính năng tàng hình tiên tiến

 	S-400

S-400

Ì ạch và đắt tiền, các máy bay ném bom luôn nằm trong con trỏ hình chữ thập của hệ thống phòng không đối phương. Việc lực lượng mặt đất Serbia bắn rơi chiếc máy bay chiến đấu - ném bom tàng hình F-117 sử dụng một hệ thống tên lửa cũ kỹ của Liên Xô là một minh chứng hùng hồn cho điều này. Với các biến thể mới hơn của các tên lửa đối không S-300 và S-400, mối đe dọa đối với các máy bay ném bom đã được nhân lên vài bậc.

Ngoài ra, các hệ thống radar mới cũng đang được phát triển, đặc biệt là Nga đang được thiết kế hệ thống radar có thể phát hiện ra các máy bay tàng hình dễ dàng như những máy bay không có khả năng tàng hình.

Thời đại của máy bay không người lái

 	UAV Predator

UAV Predator

Ngày nay, máy bay không người lái với công nghệ hiện đại đang dần trở nên phổ biến hơn trong các hoạt động do thám, chiến đấu của quân đội Mỹ. Các UAV có thể tiếp cận mục tiêu, chụp ảnh và thậm chí khai hỏa tấn công mục tiêu. Việc sử dụng UAV sẽ đảm bảo cho các hoạt động chiến đấu diễn ra bí mật và bất ngờ hơn và không xảy ra thiệt hại về nhân lực cho quân đội Mỹ. Ngoài ra, UAV có thể xuất kích từ nhiều phương tiện khác nhau, thậm chí trên các tàu hộ tống.

Đặc biệt, với việc thử nghiệm thành công tiếp nhiên liệu trên không, quân đội Mỹ có thể tăng cường khả năng hoạt động của máy bay không người lái để hình thành nên một lực lượng UAV chiến đấu liên tục trên không trung với phạm vi hoạt động đáng kể. Tuy không có được uy lực cũng như tốc độ và tầm hoạt động lớn như các máy bay có người lái, nhưng nếu chấp nhận điều đó, các máy bay không người lái sẽ cứu cả hai siêu cường thế giới là Nga và Mỹ trước một núi tiền không lồ đổ vào các dự án máy bay ném bom chiến lược tầm thế hệ mới mà chưa chắc chúng đã thành công như mong đợi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại