Nếu các màn thảo luận này đi đến kết quả cuối cùng, Ai Cập sẽ trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua Rafale, niềm tự hào của công nghiệp quốc phòng Pháp nhưng lại rất lận đận trong việc xuất khẩu.
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) cho biết, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi đã cám ơn Pháp vì nhanh chóng đáp ứng yêu cầu mua vũ khí của Cairo, cũng như tạo điều kiện dễ dàng cho việc thanh toán.
Kế hoạch mua vũ khí Pháp được khởi xướng sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ năm 2013, và Mỹ ngừng giao 20 máy bay tiêm kích F-16 cho Ai Cập.
Trong khi đó, Ai Cập lại rất cần các tiêm kích như Rafale, để đảm bảo an ninh cho eo biển Bab El Mandeb, tuần tra kiểm soát ngõ vào Biển Đỏ, nhất là trong bối cảnh tình hình Yemen đang xấu đi.
Tuy nhiên, khả năng tài chính của Cairo lại không tương xứng với tham vọng hiện đại hóa không quân của họ
Chính vì vậy, lời hứa được hỗ trợ tín dụng tới 50 phần trăm từ một thỏa thuận với một số ngân hàng lớn của Pháp có thể khiến Ai Cập mặn mà với Rafale.
Về phần mình, Pháp hẳn rất muốn hoàn tất thỏa thuận với Ai Cập, nhất là khi hợp đồng bán 126 chiếc Rafale cho Ấn Độ có nguy cơ đổ vỡ và loại tiêm kích hiện đại nhưng đắt đỏ này vẫn bị "ám” bởi cái dớp 14 năm đưa vào sử dụng vẫn chưa xuất được chiếc nào.
Theo RFI, hồ sơ gần như đang được hoàn chỉnh, nhờ sự thuận tình và đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Sissi, Tổng thống Hollande, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian và các lãnh đạo tập đoàn vũ khí lớn của Pháp.
Báo Pháp Les Echos cũng cho biết, các bước đàm phán giữa hai bên đã gần đi đến đích.
Tuy nhiên, người phát ngôn Tập đoàn Dassault, nhà sản xuất Rafale vẫn từ chối bình luận về các thông tin nói trên.