Các công ty Pháp, trong đó có công ty đóng tàu DCNS, muốn giành được hợp đồng trong chương trình lực lượng tác chiến mặt nước (CSC) của Canada. Hạm đội tàu chiến tương lai này sẽ thay thế nhiều khinh hạm và khu trục hạm đang phục vụ trong biên chế Hải quân Canada.
Một công ty đóng tàu trong nước đã được chính phủ Canada lựa chọn để đảm trách việc đóng tàu, còn các hợp đồng tích hợp vũ khí và các hệ thống khác, cũng như thiết kế tàu vẫn đang để ngỏ.
Tuy nhiên, các quan chức Pháp cho biết họ lo ngại rằng các công ty của Mỹ, nhất là Lockheed Martin, đã có phần được ưu ái. Lockheed Martin trước đó cho hay họ muốn đảm nhận việc tích hợp vũ khí và các trang thiết bị cho CSC và sẽ giành hợp đồng này nếu/khi chính phủ Canada tiến hành dự án.
"Điều chúng tôi đòi hỏi là một sân chơi công bằng", một Giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp Pháp nói, "nhưng chúng tôi lo ngại rằng không thể có được điều này".
Lockheed đã được lựa chọn để đảm nhiệm việc tích hợp hệ thống cho một hạm đội tàu tuần tra (OPV) mới mà công ty đóng tàu Irving đóng cho Hải quân Canada. Trong khi đó, Irving cũng là công ty sẽ đóng tàu cho chương trình CSC.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm chính thức Canada. (Nguồn: cbc.ca)
Từ ngày 2-4/11 vừa qua, Tổng thống Pháp François Hollande đã tới thăm Canada. Đây là chuyến công du Canada đầu tiên của một nguyên thủ quốc gia Pháp kể từ năm 1987.
Trong chuyến thăm, ông Hollande đề cập rằng Pháp rất muốn giữ một vai trò then chốt trong các kế hoạch tái xây dựng hải quân của Canada. Ông Hollande và Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng đồng thời tuyên bố rằng hai nước đã hoàn tất một thỏa thuận kỹ thuật để thành lập Hội đồng hợp tác quốc phòng Pháp - Canada.
Nhiều nguồn tin trong ngành công nghiệp Pháp cho biết họ hy vọng chính phủ Canada sẽ xem xét cả những thiết kế và trang thiết bị không phải do Mỹ sản xuất để lựa chọn cho chương trình CSC, đồng thời tổ chức một cuộc cạnh tranh công bằng để giành hợp đồng tích hợp vũ khí và các hệ thống khác cho tàu chiến.
Canada hy vọng sẽ đóng khoảng 15 chiến hạm CSC để tạo dựng xương sống cho lực lượng Hải quân Hoàng gia Canada. Giá trị các hợp đồng trong chương trình ước tính lên tới 24 tỷ USD. Việc tích hợp vũ khí và các trang thiết bị cho CSC ước tính sẽ chiếm phần lớn giá trị hợp đồng.
Chiếc tàu CSC đầu tiên dự kiến được chuyển giao vào năm 2023 và chiếc cuối cùng sẽ được đưa vào biên chế năm 2035.
Khinh hạm lớp Halifax của Hải quân Canada (Nguồn: Wiki)
Pháp lo rằng Hải quân Canada quá phụ thuộc vào các nhà thầu và hệ thống vũ khí của Mỹ, từ đó sẽ tạo điều kiện cho phần lớn hạm đội CSC trang bị các thiết bị quân sự do Mỹ sản xuất.
Viện dẫn cho sự lo ngại của mình, Paris đề cập tới tuyên bố của Canada hồi tháng 10 năm nay, trong đó nước này quyết định tham gia phát triển hệ thống tên lửa ESSM mới của tập đoàn Raytheon (Mỹ).
Trước đó, Các khinh hạm lớp Halifax của Canada đã được hiện đại hóa với phiên bản hiện tại của loại tên lửa này.
"Đó là hiệu ứng domino", một nguồn tin trong ngành công nghiệp Pháp nói, "một khi đã lựa chọn vũ khí Mỹ, bạn sẽ cần các hệ thống khác đi kèm".
Khinh hạm Aquitaine tại thành phố Halifax (Canada) ngày 20/4/2013. (Nguồn: cbc.ca)
Trong 2 năm trở lại đây, DCNS đã nỗ lực tăng cường sự hiện diện tại Canada, đồng thời hy vọng sẽ giữ một vai trò chủ chốt trong chương trình CSC.
DCNS đang gợi ý Canada sử dụng khinh hạm đa nhiệm FREMM làm thiết kế cho hạm đội tương lai. Khinh hạm Aquitaine thuộc lớp này đã đến thăm Canada vào tháng 4/2013, cũng nhằm mục đích chào hàng.