Công ty Nexter Robotics của Pháp đang tham gia thảo luận để có thể cung cấp 10 phương tiện không người lái mặt đất mini (UGV) Nerva cho lực lượng vũ trang Việt Nam, IHS Jane's cho biết tại triển lãm quốc phòng quốc tế Eurosatory 2014 đang diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp).
Phát biểu với IHS Jane's, đại diện Nexter Robotics cho biết thêm rằng, công ty này đã cung cấp hai UGV Nerva tương tự cho Myanmar, ngoài ra cũng tham gia đàm phán cung cấp 10 UGV như vậy cho lực lượng vũ trang Philippines.
Robot điều khiển từ xa Nerva đang được Pháp thảo luận để bán cho Lực lượng vũ trang Việt Nam
"UGV Nerva được thiết kế để đáp ứng các đặc điểm hoạt động quân sự, nó có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, trên mọi địa hình, nó là một robot cực kỳ mạnh mẽ có thể được bỏ vào trong ba lô. Chúng tôi đã cung cấp 2 hệ thống Nerva cho Myanmar theo đơn đặt hàng năm 2013", Giám đốc Nexter Robotics, ông Joël Morillon nói.
Theo ông Joël Morillon giới thiệu, UGV Nerva chủ yếu được sử dụng trong các hoạt động quân sự, nhưng đã được bán cho Myanmar theo một hợp đồng dân sự để tránh bị cấm vận từ ủy ban xuất khẩu quốc phòng của Chính phủ Pháp. Chính vì vậy, cảm biến quang - điện/hồng ngoại (EOIR) của hệ thống UGV này không phải loại mới nhất để tránh vị phạm vào điều lệ cấm xuất khẩu công nghệ quốc phòng cho Myanmar. Nhưng thay vào đó, UGV Nerva được lắp thêm gói pin bổ sung để có thể hoạt động liên tục 24 giờ.
UGV Nerva được giới thiệu lần đầu tiên tại triển lãm quốc phòng Eurosatory 2012, và Myanmar chính là khách hàng nước ngoài đầu tiên mua hệ thống này. Pháp cũng đã đưa UGV Nerva trang bị vũ khí phi sát thương vào thử nghiệm trong đơn vị đặc nhiệm của Trung đoàn nhảy dù số 13 và đã để lại những "ấn tượng lớn" đối với họ.
Nerva có thể được tích hợp nhiều cảm biến khác nhau, bao gồm cả cameras ban ngày và EOIR hay hệ thống xử lý vật liệu nổ. Dựa trên UGV này, Nexter Robotics cũng đã tạo ra một phiên bản nhỏ hơn chỉ sử dụng 2 bánh là Nerva S và một phiên bản rộng hơn sử dụng 6 bánh.
Việc Pháp tham gia đàm phán cung cấp 10 robot Nerva cho lực lượng vũ trang Việt Nam một lần nữa cho thấy rõ hơn về chiến lượng mở rộng quan hệ hợp tác an ninh - quốc phòng của Việt Nam với thế giới, đặc biệt là các quốc gia có nền công nghệ, công nghiệp - quân sự tiên tiến của phương Tây như Pháp, Hà Lan và Israel.
Đây là một chiến lược hoàn toàn phù hợp, bởi nó giúp chúng ta đa dạng hóa được nguồn cung cấp vũ khí (cả sát thương và phi sát thương) để giảm dần sự phụ thuộc vào Nga, đồng thời giúp tiếp thu, học hỏi được những công nghệ quân sự tiên tiến thế giới và tăng cường năng lực tác chiến của các lực lượng vũ trang.