Pháp hủy bán Mistral, Nga có thể "nẫng" đồng minh châu Á của Mỹ

Nhật Minh |

Trong khi Mỹ "vui mừng ra mặt" vì Pháp đình chỉ chuyển giao tàu Mistral cho Nga thì với Moscow, đây có thể là cơ hội để họ bắt tay với Hàn Quốc - đồng minh trung thành của Mỹ.

Tờ The Moscow Times đăng bài viết cho hay, biến cố xảy ra gần đây đối với thương vụ tàu Mistral Nga – Pháp được xem là dấu hiệu báo trước cho thắng lợi chính trị của phương Tây. Tuy nhiên, bất chấp những thất bại về mặt chính trị, nó có thể không hẳn là một thất bại quân sự với Nga. Moscow có thể tìm kiếm sự thay thế từ một quốc gia thân thiện hơn, thậm chí có thể là bắt tay Hàn Quốc, đồng minh trung thành của Mỹ.

Dưới đây là nội dung bài viết trên tờ The Moscow Times:

Nga ký hợp đồng mua tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral với công ty đóng tàu DCNS của Pháp năm 2011. Thỏa thuận bao gồm chuyển giao 2 tàu Mistral đã được điều chỉnh để lắp đặt các hệ thống vũ khí của Nga và có thể hoạt động trong điều kiện băng giá. Quá trình chế tạo được diễn ra theo kế hoạch và chiếc tàu đầu tiên mang tên Vladivostok dự kiến được chuyển giao cho Nga vào tháng 10/2014. Tuy nhiên, phương Tây đã tìm cách làm đổ bể thương vụ này do không hài lòng với chính sách mà Nga áp dụng với Ukraine.

Mặc dù Pháp đã có một khoảng thời gian dài kháng cự sức ép hủy bỏ thương vụ Mistral từ các quốc gia thành viên của EU, NATO và Mỹ nhưng một ngày trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tuyên bố rằng bất chấp thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông Ukraine vừa đạt được giữa Moscow và Kiev, Pháp nhận thấy vẫn chưa đủ điều kiện cần thiết để chuyển giao cho Nga chiếc tàu lớp Mistral đầu tiên.

Tàu đổ bộ chở trực thăng Vladivostok (lớp Mistral) trong đợt thử nghiệm hồi tháng 3 năm nay
Tàu đổ bộ chở trực thăng Vladivostok (lớp Mistral) trong đợt thử nghiệm hồi tháng 3 năm nay

Tàu đổ bộ lớp Mistral là một thiết kế tiên tiến, phục vụ mục đích triển khai lâu dài tại các vùng biển xa xôi, có khả năng thực hiện nhiệm vụ đổ bộ tấn công và hoạt động như một trung tâm chỉ huy.

Loại tàu chiến tiên tiến này có độ tự động cao, đại diện cho những tàu chiến lớn đầu tiên trên thế giới được trang bị máy phát điện và động cơ phản lực nước. Tàu có khoang chứa cho 4 tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM, 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC hoặc 2 tàu đổ bộ tấn công nhanh 2 thân (catamaran) L-CAT.

Trong khi đó, cả ngành công nghiệp đóng tàu của Liên Xô và Nga đều thiếu kinh nghiệm cần thiết để chế tạo những loại tàu chiến có độ phức tạp công nghệ như vậy. Các tàu tấn công đổ bộ do Hải quân Liên Xô chế tạo và sau đó được Hải quân Nga thừa kế rất khác về công nghệ và ý tưởng. Nga chưa từng nghiên cứu và thiết kế những loại tàu chiến giống Mistral, vì vậy, sẽ phải mất vài năm trước khi Moscow có thể bắt tay đóng một con tàu như vậy.

Cả ngành công nghiệp đóng tàu của Liên Xô và Nga đều thiếu kinh nghiệm cần thiết để chế tạo những loại tàu chiến có độ phức tạp công nghệ như Mistral

Cả ngành công nghiệp đóng tàu của Liên Xô và Nga đều thiếu kinh nghiệm cần thiết để chế tạo những loại tàu chiến có độ phức tạp công nghệ như Mistral

Trên thực tế, quá trình chế tạo thậm chí có thể mất nhiều thời gian hơn bởi tất cả các cơ sở đóng tàu của Nga đều đang bận rộn hoàn thành các đơn đặt hàng phục vụ kế hoạch hiện đại hóa quân đội vào năm 2020, đó là chưa kể đến yêu cầu từ phía các chương trình đóng tàu thương mại.

Tệ hơn, phương Tây đã đưa ra những biện pháp trừng phạt áp dụng với các thiết bị công nghệ kép (dùng cho cả mục đích quân sự và dân sự), đồng nghĩa với việc Nga sẽ có rất ít cơ hội mua những thiết bị tiên tiến lắp đặt trên các tàu lớp Mistral để tự đóng những con tàu tương tự như vậy trong nước.

Lựa chọn duy nhất còn lại là hợp tác với một trong những bên tham gia dự thầu ban đầu với Pháp. Vì những lý do hiển nhiên, Nga không thể ký hợp đồng với công ty Damen (Hà Lan) hay Navantia (Tây Ban Nha), nhưng Moscow có thể cân nhắc công ty đóng tàu Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering (DSME) của Hàn Quốc – hãng này từng đề nghị cung cấp tàu đổ bộ lớp Dokdo khi dự thầu, thông qua công ty Svezda (Nga).

Tàu đổ bộ chở trực thăng Dokdo

Tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Dokdo

Tàu đổ bộ lớp Dokdo, với khoang chứa đủ cho 2 tàu đổ bộ đệm khí LCAC và 1 nhà chứa máy bay đủ cho 10 trực thăng UH-60 Black Hawk, có thể là một sự thay thế chấp nhận được cho tàu Mistral. Hơn nữa, khác với tàu chiến tương tự từ các quốc gia khác, tàu đổ bộ của Hàn Quốc không được thiết kế để triển khai tại các vùng biển xa mà hoạt động gần cảng nhà. Mục đích sử dụng của nó có vẻ phù hợp hơn với nhu cầu của Hải quân Nga.

Trực thăng MH-60 hạ cánh trên Dokdo

Trực thăng MH-60 hạ cánh trên Dokdo

Tất nhiên, cũng giống như phần lớn các khí tài khác của Hàn Quốc, tàu lớp Dokdo sử dụng một lượng đáng kể các thiết bị do Mỹ sản xuất, được xuất khẩu theo Quy chế buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) nên bị Mỹ gây khó khăn.

Tuy nhiên, điều này lại tạo cơ hội cho DSME hợp tác với Moscow, trong đó Nga sẽ chuyển giao hoặc phát triển các hệ thống không thua kém gì những loại tương tự được chế tạo ở Mỹ.

Đáng chú ý, Nga đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác với Hàn Quốc trong việc phát triển thiết bị quân sự công nghệ cao hơn là với Pháp. Chẳng hạn, Nga từng cung cấp động cơ RD-191 cho tên lửa KSLV-1 của Hàn Quốc, thiết kế hệ thống phòng không tầm trung KM-SAM và tham gia tích cực trong chương trình phát triển tên lửa vác vai Chiron-1 của Seoul.

Xe bọc thép chở quân lội nước rời tàu đổ bộ Dokdo tiến lên bờ

Sự hợp tác này đã chứng minh đôi bên cùng có lợi: thiết bị do Nga cũng ứng dụng trong nước nhiều thiết bị phát triển cho Hàn Quốc. Chẳng hạn như, sự thành công của KSLV-1 đã thúc đẩy Moscow phát triển giai đoạn đầu của nguyên mẫu tên lửa Angara. Bên cạnh đó, loại radar sử dụng cho KM-SAM sẽ trở thành một phần trong hệ thống tên lửa Vityaz mới của Nga.

Từ đó có thể kết luận rằng tàu đổ bộ tấn công do Nga – Hàn Quốc hợp tác sản xuất sẽ là một sự thay thế khả thi cho các tàu Mistral. Thêm nữa, với sự hiện diện của khí tài Nga và sự tham gia trực tiếp của Moscow, các tàu Dokdo có thể chứng minh một hệ thống vũ khí vượt trội hơn trên thị trường vũ khí toàn cầu.

Trong một bài viết năm 2010, tờ Kommersant (Nga) đưa tin Tập đoàn đóng tàu thống nhất (USC) của Nga đã đề nghị Bộ Quốc phòng nước này mua tàu đổ bộ lớp Dokdo từ Hàn Quốc, với giá khoảng 650 triệu USD.

Trong bức thư gửi tới ông Anatoly Serdyukov (khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Nga), Giám đốc điều hành USC Roman Trotsenko cho hay tập đoàn này có thể mua giấy phép để đóng một chiếc tàu lớp Dokdo tại nhà máy đóng tàu của Nga trong vòng 3 năm.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga khi đó tỏ ra hoài nghi về khả năng các nhà máy đóng tàu của Nga có thể đóng các con tàu như vậy nói chung, cũng như khả năng họ hoàn thiện đúng thời gian.

 

Tàu đổ bộ lớp Dokdo Hàn Quốc

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Bạn là người yêu màu xanh áo lính, bạn có đam mê tìm hiểu các loại vũ khí - khí tài trang thiết bị quân sự cũng như chiến thuật - chiến lược - chiến sử của quân đội các nước trên thế giới và muốn có nơi để thể hiện những hiểu biết của mình.

Hãy gửi cho chúng tôi tin hoặc bài viết CHƯA TỪNG ĐƯỢC ĐĂNG TẢI trên các báo, trang mạng khác vào địa chỉ email: [email protected]. Nếu tin bài của bạn được đăng tải, bạn sẽ được trả nhuận bút trong vòng 24h và có cơ hội nhận được 500.000 đồng cho những nội dung xuất sắc nhất trong ngày.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại