Pháp có thể không chuyển giao tàu Mistral thứ 2 cho Nga

Phan Thuấn |

(Soha.vn) - Pháp có thể sẽ tìm khách hàng thay thế để mua lại chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral thứ hai mà nước này đóng cho Nga.

Tờ Defense News ngày 23/5 dẫn lời một số nhà phân tích và một quan chức ngành công nghiệp quốc phòng cho biết các quan chức quốc phòng của Pháp đang tìm cách để có thể không phải chuyển giao tàu Sevastopol - chiếc tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral thứ hai cho Nga, trong đó có khả năng là tìm kiếm một khách hàng thay thế.

Theo Robbin Laird, người đứng đầu công ty tư vấn ICSA trụ sở tại Washington và Pháp cho hay “Hợp đồng này làm nổi cộm lên một vấn đề chính sách cơ bản không chỉ đối với Pháp mà còn cả khối đồng minh. Hiện tại, Paris đang đứng giữa làn "hỏa lực chính trị" giữa Nga và Mỹ. Washington đã công khai kêu gọi Pháp phá vỡ hợp đồng. Trong khi đó, Nga vừa đe dọa trừng phạt tài chính nặng nề vừa đề cao "sự tin cậy với vai trò là đối tác" của Pháp.

Năm 2011, Nga đã ký hợp đồng mua 2 tàu đổ bộ chở trực thăng của Pháp, trị giá 1,2 tỷ Euro (tương đương 1,6 tỷ USD), chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao trong vòng 4 năm. Moscow cũng đang cân nhắc đặt đóng thêm 2 chiếc nữa.

Theo Laird, Pháp đã bị “mắc kẹt” với tàu Vladivostok, chiếc đầu tiên trong số 2 con tàu lớp Mistral. Theo kế hoạch, con tàu này phải được bàn giao trong tháng 10 năm nay. Hiện tại, các quan chức của Pháp cũng đang cân nhắc lại chiếc thứ hai, trong đó có có khả năng sẽ bán cho một quốc gia khác.

“Bộ Quốc phòng Pháp rõ ràng đang tìm kiếm phương án thay thế”, Laird nói, "hiện tại, Nga vẫn chưa trả toàn bộ chi phí cho tàu Sevastopol, điều này cho phép Pháp nghiên cứu một số lựa chọn khác. Chiếc thứ hai theo kế hoạch sẽ được bàn giao vào cuối năm sau”.

Loic Tribot La Spiere, Giám đốc điều hành Trung tâm Centre d’Etude et Prospective Stratégique cho biết ông đã nghe nói về việc Pháp tìm kiếm các phương án thay thế và có khả năng bán lại con tàu cho một đồng minh.

Một quan chức ngành công nghiệp quốc phòng cho hay Tổng thống Pháp François Hollande và Ngoại trưởng Laurent Fabius đã có những tuyên bố công khai về việc tôn trọng hợp đồng với Nga nhưng mặt khác họ cũng đang tìm kiếm một kế hoạch khác có thể dẫn tới việc không chuyển giao con tàu thứ hai. Theo kế hoạch này, Pháp có thể bị ảnh hưởng về tài chính nhưng một tuyên bố mang tính chính trị có thể được đưa ra.

Một nhà phân tích quốc phòng nhận định: “Rất có thể các nhà phân tích của Bộ Quốc phòng Pháp đang cân nhắc mọi khả năng có thể xảy ra. Đây cơ bản là vấn đề chính trị. Khía cạnh công nghiệp không phải là nhân tố chủ chốt vì hợp đồng này không mang tính thiết yếu đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Pháp. Điều đáng cân nhắc ở đây chính là quan hệ song phương giữa Nga và Pháp”.

Ông Tribot La Spiere cho hay một phần vấn đề đối với người Pháp hiện nay là nguy cơ cắt giảm ngân sách quốc phòng. Những khó khăn tài chính đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian phải giữ vai trò “Người bán hàng” cho vũ khí của Pháp. Nỗi lo cắt giảm ngân sách sẽ gia tăng áp lực trong việc tìm một khách hàng khác mua chiếc Sevastopol.

Theo Laird, nếu Paris phải phản hồi tích cực đối với kêu gọi của Washington, Pháp cũng có thể bán chiếc tàu lại cho Mỹ. Một nhà ngoại giao của Pháp cho biết Paris vẫn chưa đề cập với Mỹ về khả năng mua tàu.

Trong khi đó, theo Joel Johnson, chuyên gia phân tích thuộc tổ chức Teal cho rằng Pháp duy trì hình ảnh là một nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy.

“Người Pháp có tiếng là một khi đã kí kết một hợp đồng thì họ sẽ tiến hành bàn giao” - Johnson nói. Theo Johnson, danh tiếng của Pháp sẽ sớm bị mai một nhanh chóng nếu như họ quyết định không bàn giao con tàu, họ sẽ mang tiếng như Mỹ.

“Các nước Mỹ Latin không nhìn nhận Mỹ là một nhà cung cấp đáng tin cậy. Trong trường hợp này, người Pháp sẽ rơi vào tình thế tương tự” - Johnson nhận định.

Ngoại trưởng Fabius trước đó tuyên bố hợp đồng tàu Mistral phù hợp với luật pháp quốc tế và Pháp sẽ quyết định trong tháng 10 xem có tiếp tục hợp đồng này hay không.

Brazil được nhìn nhận là một khách hàng tiềm năng của tàu Sevastapol. Trước đó, quốc gia này đã mua lại tàu sân bay nghỉ hưu Foch của Hải quân Pháp và đặt tên lại là Sao Paulo. Một số nhà nghiên cứu tại Viện các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức còn đặt ra khả năng Liên minh châu Âu (EU) sẽ mua các tàu Mistral để giúp Pháp giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan này.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại