"Vua chiến trường" của Mỹ
Pháo tự hành tầm xa M107 cỡ nòng 175mm do Mỹ thiết kế và sản xuất cho nhiệm vụ pháo kích mục tiêu cấp chiến lược nằm ở hậu phương quân địch (kho xăng, nhà ga, sân bay, trung tâm chỉ huy) bằng viên đạn lớn có sức công phá mạnh.
Pháo tự hành M107 đã tham gia vào 2 cuộc chiến tranh lớn và nhiều cuộc xung đột nhỏ ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới. Ngoài chiến tranh Việt Nam, loại pháo tự hành này cũng được dùng trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Vào năm 1965, M107 được Mỹ đưa sang miền Nam Việt Nam để đối phó lại pháo xe kéo M46 130mm của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lúc đó, M46 có tầm bắn xa (30km) mà không có pháo nào của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa (VNCH) đương đầu được.
Tại Miền Nam, pháo tự hành M107 đã tham gia vào các trận tìm diệt lớn của Mỹ - VNCH như cuộc hành quân Lam Sơn 719 hay trận phòng ngự tại căn cứ Khe Sanh của Mỹ - VNCH...
Ngày 22/2/1967, pháo địch từ bờ nam bắn sang bờ bắc sông Bến Hải gây nhiều tội ác với nhân dân ta. Chúng còn bắn cả loại đạn mang theo truyền đơn vẽ hình khẩu pháo 175 với lời thách thức ngạo mạn.
Trên nòng pháo M107 là các chữ "sấm sét" và "vua chiến trường"
Pháo tự hành M107 là loại pháo mặt đất có cỡ nòng lớn nhất tại chiến trường Việt Nam, được mệnh danh là “vua chiến trường”. M107 có chiều dài tổng thể 11,25 mét, rộng 3,15 mét, cao 4,47 mét, trọng lượng 28,2 tấn. M107 thiết kế với khẩu pháo nòng xoắn M113 cỡ 175mm đặt trên khung giá đỡ M158. Pháo có tốc độ bắn chỉ 1 viên/phút, nhưng tầm bắn xa tới 40km. Pháo M113 có tuổi thọ khoảng 700 -1200 phát (tùy vào số lượng và liều phóng mỗi phát bắn).
Pháo tự hành M107 chỉ được sản xuất 2 loại đạn: đạn nổ mạnh M437 nặng 66,6kg với bán kính sát thương hơn 50 mét và đạn hạt nhân 15 kiloton.
M107 được VNCH sơn chữ “sấm sét” và “vua chiến trường” trên nòng pháo nhằm phô trương sức mạnh của nó. Vì đạn pháo có kích cỡ rất lớn, trọng lượng nặng nên số đạn dữ trữ lớn nhất trong xe chỉ có…2 viên. Trong chiến đấu, M107 cần phải xe tải đạn M548 đi kèm.
Ngoài ra, khi triển khai bắn thì gầu múc đất ở đằng sau đuôi xe phải hạ cắm chặt xuống đất để đảm bảo pháo không bị trượt ra sau khi bắn. Khẩu đội pháo M107 cần tới 13 người gồm 5 người trên xe pháo và 8 người trên xe bánh xích khác.
Để nạp đạn, nòng pháo buộc phải hạ xuống, sau khi nạp đạn xong nòng pháo lại nâng lên để bắn, tốc độ bắn tối đa chỉ có 2 phát/phút, trung bình một phát/phút.
Pháo M107 đặt trên xe bánh xích lắp động cơ diesel GM 8V71T 345 mã lực cho phép nó đạt tốc độ 56km/h. Chiếc xe bọc thép mỏng giúp tổ lái chống đạn súng máy hạng nhẹ hoặc mảnh đạn pháo). Tuy vậy, tổ lái thiếu hệ thống phòng vệ chống vũ khí chứa chất phóng xạ - sinh học – hóa học (NBC).
Nhìn chung, M107 tuy nổi trội với ưu thế sức mạnh hỏa lực cùng khả năng cơ động nhưng điểm yếu của nó là có tầm bắn xa nhưng thiếu tính chính xác, tốc độ bắn quá chậm và không hỗ trợ tự động hóa trong quá trình nạp đạn.
Pháo binh Việt Nam cải tiến siêu pháo M107
Mặc dù M107 được Mỹ - VNCH kì vọng rất nhiều nhưng thực tế hiệu quả chiến đấu của khẩu pháo này tại chiến trường Việt Nam không cao. Có 1 số lượng lớn pháo tự hành M107 của Mỹ - VNCH đã bị quân và dân ta tiêu diệt. Thậm trí trên chiến trường Quảng Trị có trận cả căn cứ pháo binh của VNCH bao gồm nhiều loại pháo, trong đó có vua chiến trường M107 bị pháo binh ta tiêu diệt, dẫn đến việc cả đơn vị phải ra đầu hàng. Trong trận Thành Cổ tháng 3-1972, sau 1 tháng giao tranh, toàn bộ Trung đoàn 56 của Sư đoàn 3 Việt Nam cộng hòa đã ra hàng, dắt theo 4 khẩu “vua chiến trường” còn vận hành tốt.
Cuốn Lịch sử Pháo binh Quân đội Nhân dân Việt Nam (1945-1975) viết: “Sau chiến dịch Tây Nguyên ta đã thu hàng trăm khẩu pháo cùng với hàng vạn viên đạn, trong đó có 12 khẩu pháo tự hành M107 175mm".
Khi diễn ra cuộc tổng tiến công tháng 3-1975, Quân đội nhân dân Việt Nam cho sử dụng lại mười mấy khẩu chiến lợi phẩm làm quân VNCH không chống đỡ được, có nơi nghe đạn nổ là khiếp vía nên tự đầu hàng.
Sau ngày giải phóng miền Nam, quân đội ta thu được thêm một số lượng nhỏ M107 175mm từ quân đội VNCH và thành lập một đơn vị cấp tiểu đoàn chiến lược.
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Nam, pháo tự hành M107 đã tham gia vào các trận đánh tiêu diệt Pôn Pốt ở Mộc Bài - Tây Ninh, góp phần giải phóng nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng.
Ngày nay, M107 vẫn tiếp tục nằm trong trang bị Pháo binh Việt Nam. Để M107 phục vụ được đến ngày nay, Việt Nam đã tiến hành nhiều đợt sữa chữa, thay thế phụ tùng.
Đặc biệt, hệ thống xilanh thủy lực nâng hạ nòng pháo qua sử dụng bị mòn, rò rỉ dẫn đến việc vận hành gặp nhiều khó khăn. Bằng sự sáng tạo của mình, Cục Quân khí đã thử nghiệm thay thế bằng các hệ thống thủy lực thường dùng cho dân sự như trên các máy xúc đất, máy cẩu. Kết quả đảm bảo duy trì tình trạng chiến đấu tốt của các khẩu pháo.
Hệ thống xe chuyên chở cũng gặp nhiều hỏng hóc. Việt Nam đã tiến hành đại tu các động cơ và thay thế hệ thống nguồn điện trên xe cũng như toàn bộ hệ thống dây dẫn điện trên xe. Ngoài ra còn thay thế một số chi tiết nhỏ khác. Nhờ những cải tiến này mà các pháo tự hành M107 luôn đảm bảo sẵn sàng chiến đấu.
Tuy nhiên, việc Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam khiến chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm các nguồn phụ tùng thay thế cũng như đạn dược. Cùng với đó, nòng pháo chỉ chịu được một số lượng phát bắn nhất định (700 đến 1.200 phát, tùy loại đạn) sẽ bị mòn và không còn đảm bảo độ chính xác. Do vậy, thời gian gần đây, pháo tự hành M107 được bảo quản ở trạng thái niêm cất và chỉ được sử dụng khi có các tình huống cần thiết. Cũng vì vậy nên rất hiếm khi xuất hiện hình ảnh của M107 của Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đoàn công tác đang nghe giới thiệu về tính năng của M107
Hình ảnh hiếm hoi về M107 trong Quân đội nhân dân Việt Nam (nguồn vnmilitaryhistory)
Trong thời gian tới, với sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt - Mỹ, trong đó có hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, có thể những siêu pháo này sẽ được đại tu toàn bộ, kéo dài tuổi thọ góp phần nâng cao sức mạnh của lực lượng pháo binh.