Phản ứng của Nga, Trung khi bị hệ thống Aegis vây quanh

Hòa Sơn |

Bất chấp sự phản đối gay gắt của Nga và Trung Quốc, Mỹ và đồng minh vẫn triển khai hệ thống đánh chặn Aegis bao vây quanh hai nước này.

Hệ thống Aegis liên tiếp áp sát

Theo Sputnik (Mỹ), Hải quân Mỹ quyết định triển khai thêm 2 khu trục hạm tên lửa Aegis tới Tây Ban Nha.

“Đây là những chiếc tàu chiến của Mỹ đầu tiên triển khai thường trực tại đây kể từ khi những chiếc tàu ngầm tên lửa Polaris rời khỏi Tây Ban Nha vào những năm 1970”, thông tin được website của Bộ Quốc phòng Mỹ đăng tải.

“Hiện tại, hai chiếc khu trục hạm trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis của Mỹ bắt đầu đồn trú thường trực tại Rota và thêm hai chiếc nữa dự kiến sẽ được triển khai tới đây vào năm tới”, tuyên bố cho biết thêm.

Được biết đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm Hải quân mỹ điều khu trục hạm trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis đến Tây Ban Nha.

Lần đầu là hồi tháng 2/2014, Mỹ đã triển khai tàu mang tên USS Donald Cook trang bị hệ thống Aegis đầu tiên đến Tây Ban Nha.

Theo ông Fogh Rasmussen, khi đó là Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại tây dương (NATO) cho biết:

Khu trục hạm USS Donald Cook triển khai tại Rota phía Nam Tây Ban Nha để từ đó vừa thực hiện chức năng phòng chống tên lửa, vừa tham gia các hoạt động bảo đảm an ninh hàng hải và các chiến dịch quân sự khác của NATO.

Những chiếc tàu trang bị hệ thống radar Aegis được triển khai đến đây đủ che chắn và bảo vệ cho toàn bộ lãnh thổ và người dân các nước khối NATO. Không chỉ triển khai hệ thống Aegis trên hạm, Mỹ còn xây dựng hệ thống này trên cạn tại Romania.

Khu trục hạm USS Ross trang bị hệ thống Aegis

Hôm 10/10, Mỹ khánh thành căn cứ phòng thủ Aegis trên cạn tại Romania và chuẩn bị đưa vào hoạt động.

Căn cứ tại Deveselu, miền nam Romania, sẽ là nơi đầu tiên đặt hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên bờ, một phiên bản trên đất liền của hệ thống theo dõi radar tinh vi được trang bị cho các tàu chiến Mỹ kể từ năm 2004.

Được lên kế hoạch sẽ đi hoạt động vào cuối năm tới, căn cứ vốn nằm trong một khu quân sự lớn hơn của Romania, sẽ đón tiếp vài trăm binh sĩ, các nhân viên dân sự và hợp đồng. Việc xây dựng căn cứ tiêu tốn 134 triệu USD.

Căn cứ thứ 2 tại Ba Lan dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2018. Căn cứ là một phần trong dự án hệ thống phòng tên lửa NATO và chính quyền Mỹ đã theo đuổi nhằm phòng thủ trước các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung từ Nga và các quốc gia thù địch khác.

Trước khi khánh thành căn cứ tại Deveselu, miền nam Romania, hồi tháng 5/2014 Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống Aegis trên cạn.

Đại diện Lầu Năm Góc cho biết, trong vụ thử, hệ thống phòng thủ Aegis đã phát hiện, theo dõi và sử dụng tên lửa SM-3 Block IB của tập đoàn Raytheon tiêu diệt một tên lửa mục tiêu giả định.

Vụ thử này được tiến hành tại Bãi phóng thử tên lửa Thái Bình Dương (PMRF) ở Hawaii tối 20/5, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với hệ thống vũ khí Aegis trên bờ, được thiết kế để bảo vệ các lực lượng Mỹ và NATO tại châu Âu khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.

Không chỉ triển khai hệ thống Aegis nhằm vào Nga, Mỹ và đồng minh Nhật Bản cũng lập lá chắn Aegis trên Thái Bình Dương khiến Trung Quốc bất an.

Hai tàu khu trục của Nhật Bản đã được nâng cấp để trang bị hệ thống Aegis nhằm tăng cường khả năng phòng thủ chống lại các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo từ các nước khác.

Hai tàu khu trục lớp Atago mang tên lửa dẫn đường của Nhật Bản được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis tối tân nhất, có sức mạnh ngang bằng những hệ thống được cung cấp cho tàu chiến của Hải quân Mỹ.

Với kế hoạch hiện đại hóa này, hai chiếc tàu có khả năng bắn tên lửa đánh chặn SM-3 đã được nâng cấp trong chương trình hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ.

Ngoài việc trang bị hệ thống Aegis cho chiến hạm của Nhật Bản, hiện nay tại Hạm đội 7 của Mỹ đóng ở Yokosuka, Nhật Bản còn có hạm đội khu trục hạm lớp Arleigh Burke với hệ thống Aegis.

Phản ứng của Nga, Trung

Việc Mỹ triển khai các hệ thống Aegis tại châu Âu khiến Nga thực sự lo lắng và yêu cầu NATO nên đưa ra bảo đảm pháp lý rằng Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này không nhằm chống lại Nga.

Trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói nước Nga hồi tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko đã đưa ra tuyên bố trên.

Đồng thời ông nhấn mạnh các cuộc đàm phán giữa Nga và NATO về NMD không thể thiếu sự đảm bảo chính xác rằng hệ thống này không đe doạ tiềm lực hạt nhân chiến lược của Nga, bởi vì cân bằng hạt nhân chính là sự bảo đảm cho hòa bình và ổn định trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, đến nay vấn đề này vẫn chưa được cụ thể hoá bằng văn bản pháp lý. Quan chức cấp cao ngoại giao của Nga cũng tái khẳng định rằng nếu NATO kiên quyết xây dựng NMD riêng, thì Nga sẽ áp dụng những biện pháp quân sự và kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.

Moscow luôn phản đối việc Mỹ và các đồng minh phương Tây triển khai NMD tại châu Âu và yêu cầu đưa ra bảo đảm pháp lý rằng hệ thống này không nhằm chống lại Nga.

Trong khi đó Trung Quốc cũng lên tiếng phản đối hệ thống Aegis được Mỹ và nhật Bản xây dựng trên Thái Bình Dương.

Về vấn đề này, ngày 24/10, Chính phủ Trung Quốc thông qua phát ngôn viên ngoại giao của họ tên là Hoa Xuân Oánh nói trong một cuộc họp báo rằng:

"Quốc gia cá biệt thúc đẩy triển khai phòng thủ tên lửa ở châu Á-Thái Bình Dương, muốn có an ninh đơn phương, không có lợi cho lòng tin và sự ổn định chiến lược của khu vực, không có lợi cho hòa bình, ổn định của Đông Bắc Á".

Theo bà Oánh, quốc gia liên quan không nên lợi dụng cớ để "làm việc tổn hại cho lợi ích an ninh của nước khác". Bà Oánh cho rằng, hoạt động liên quan của radar phòng thủ tên lửa "rất đáng quan ngại".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại