Mikhail Ilyich Surkov sinh ngày 19-10-1892, trong một gia đình gốc Eskimo ở Siberia, miền Bắc nước Nga. Cha của Surkov là một trong những thợ săn khá nổi tiếng. Lên 8 tuổi, Surkov đã được cha dạy bắn súng với một khẩu Mosin Nagant tiêu chuẩn cỡ nòng 5.56mm và ông đã sớm thể hiện được tài năng bắn súng của mình. Khi Surkov lên 10 tuổi, gia đình ông quá nghèo, không có đủ tiền nộp thuế cho Triều đại của Nga Hoàng Nicholas II nên cha của ông bị bắt làm nô lệ. Do khi đó còn quá nhỏ nên Surkov không thể làm được gì.
Một năm sau, khi cha của ông qua đời trong trại nô lệ, mẹ ông do quá đau buồn nên chẳng bao lâu sau cũng qua đời. Surkov chỉ còn lại một mình trong căn nhà nhỏ và nuôi quyết tâm trả thù Triều đại Nicholas.
Hằng ngày, ông chăm chỉ tập luyện bắn súng để trở thành một tay súng cự phách nhất vùng, danh tiếng vang đến tai Nga hoàng Nicholas II. Nicholas đã cho người đến thuyết phục Surkov phục vụ cho mình nhưng ông thẳng thừng từ chối và bắt đầu những chuỗi ngày sống ngoài vòng pháp luật của Nicholas II.
Sau đó vài năm, Surkov đi theo những người Boshevik do Vladimir Ilyich Lenin dẫn đầu và đánh đổ được chế độ Nga hoàng sau một thời gian dài tồn tại. Tháng 8-1917, Surkov đã sử dụng khẩu Mosin Nagant để bắn hạ 3 lính canh trong cuộc chiếm cung điện mùa đông. Đây là phát súng đầu tiên trong những chuỗi thành tích đáng tự hào của con người vĩ đại này. Ở cự ly 500m, ông hạ gục tại chỗ 3 lính canh mà không hề gây ra bất cứ động tĩnh nào bằng cách buộc vải bọc rơm trước nòng súng để không gây ra tiếng động lớn.
Sau đấy, Surkov được bổ nhiệm làm Trung úy và là đội trưởng của Trung đội bắn tỉa số 2 đóng tại miền Tây nước Nga. Chiến tranh nổ ra, Mikhail Ilyich Surkov được thăng cấp trở thành Đại Úy và là một trong những xạ thủ bắn tỉa xuất sắc dưới quyền của Nguyên soái Georgi Konstantinovich Zhukov, bảo vệ mặt trận phía Tây thành phố Leningrad (nay là thành phố Sankt-Petersburg).
Trong 817 ngày Leningrad bị vây hãm bởi Thống chế Wilhelm von Leeb, ông cùng sư đoàn bắn tỉa số 4 Phương diện quân Tây Nam của Zhukov đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Sau “Người đẹp bắn tỉa” Lyudmila Pavlichenkov, một lần nữa Thống chế Wilhelm von Leeb lại gặp phải một trong những xạ thủ bắn tỉa cừ khôi nhất nước Nga. Trong một báo cáo gửi cho Hitler Wilhelm đã viết:
“Kính gửi quốc trưởng,
Lại một lần nữa, chúng tôi lại bị cầm chân trên mặt trận phía Tây tại thành phố Leningrad. Và cũng một lần nữa, quân đội của tôi phải đối mặt với một trong những kẻ bắt tỉa xuất sắc của nước Xô Viết. Surkov và sư đoàn bắn tỉa của hắn đã tiêu diệt 1/3 số lượng sĩ quan của tôi. Hắn cùng với Vasily là 2 kẻ đang khiến cho cả nước Đức mất tinh thần vào cuộc chiến này. Khẩn mong quốc trưởng đưa ra quyết định và đưa một xạ thủ bắn tỉa đến để tiêu diệt hắn”.
Một lần nữa, người Đức phải đưa một tay bắn tỉa khác đến. Không ai khác đó lại chính là Josef Allerberger, một học viên tốt nghiệp Học viện bắn tỉa Zossen ở ngoại ô Berlin. Josef được xem là một trong những xạ thủ bắn tỉa giỏi nhất nước Đức với thành tích trước đó là 212 binh sĩ Hồng quân đã bị ông ta hạ gục. Cả 2 đã có một cuộc đấu trí hơn 1 năm trời.
Josef và Surkov đều là những xạ thủ bắn tỉa vô cùng tỉ mỉ và cẩn thận trong mọi hành động, Surkov luôn đi một mình và ẩn nấp trong mọi vị trí. Trong thời gian tham chiến ở mặt trận Leningrad, ông được Wilhelm gọi với cái tên miệt thị: “Chó săn Xô Viết” vì khả năng săn phát xít quá tốt của ông. Khi nghe đến cái tên này, bất kỳ xạ thủ nào của Đức cũng phải ngao ngán. Ngày 4-1-1942 là lần đụng độ đầu tiên giữa 2 xạ thủ bắn tỉa được xem như là giỏi nhất mặt trận phía Tây.
Surkov kể lại với các phóng viên: “Sáng hôm ấy, thời tiết lạnh cóng, tôi thức dậy từ lúc 4 giờ để bắt đầu một ngày đi săn phát xít của mình. Khi tôi vừa bước ra khỏi căn cứ dưới lòng đất, chính ủy viên Zolev đã đưa cho tôi một tờ giấy nhỏ trên đó có ghi ‘Anh chàng săn sói Vasily Zaytsev, niềm tự hào của người Nga, đã tiêu diệt tay bắn tỉa số một của Đức Konig’. Ban đầu, tôi không dám tin nhưng đó lại đúng là sự thật. Hôm đó, tinh thần tôi rất tốt. Cũng chiều tối hôm ấy, cuộc đấu súng giữa tôi và đối thủ người Đức Allerberger đã diễn ra”.
17 giờ ngày 4-1-1942, khi phía quân Đức đang tăng cường vây hãm phía bên ngoài nhằm chặn đường tiếp tế của Hồng quân Xô Viết thì Surkov đang ẩn mình bên trong những ngôi nhà ở phía Tây thành phố và chờ đợi mục tiêu của mình. Bỗng nhiên, một trận oanh tạc bất ngờ của phi đội Ju-488 diễn ra ở ngay vị trí của Surkov. Ông nín thờ và cầu nguyện khi những chiếc oanh tạc cơ đang bắt đầu trút bom lên thành phố. Ông nghĩ Allerberger chắc chắn đang ở đâu đó và chờ đợi mình sai sót để có thể hạ gục. Cuộc đấu trí diễn ra từ lúc 17h30, Allerberger ở vị trí cách Surkov 1.200m, một cự ly quá xa, thế nhưng, sau cuộc đấu súng huyền thoại, Surkov một lần nữa lại được phía Hồng quân Xô Viết tung hô.
Mãi đến 0h:34, cả 2 vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Trước đó, Surkov đã có một phát súng sượt qua tay trái của Allerberger nhưng rất may do ở cự ly quá xa và gió mạnh nên nó mất đi độ chính xác cần thiết để hạ được đối thủ người Đức. Một tiếng đồng hồ sau, Allerberger ngủ quên trên khẩu Karabiner K98 của mình, một sơ hở mà không xạ thủ nào được phép phạm phải. Chỉ một chút sai sót, Surkov đã bắn 1 viên đạn ở cự ly 1.230m về phía ngôi nhà Allerberger đang ẩn náu, nó đi xuyên qua một ô cửa số và trúng ngay vào ngực trái của Allerberger. Rất may Allerberger không chết và có một xạ thủ khác đi cùng đã đưa hắn về căn cứ của người Đức.
Sau khi quân Đức bị đẩy lùi vào ngày 27-1-1944, Surkov đã theo đà tiến quân và đánh thẳng tới thành phố Berlin. Tại Warsaw, Poland Surkov đã hạ được thêm 4 tay súng bắn tỉa khác ở các cự ly khác nhau trong đó có một viên ở cự ly 1.150 với khẩu Tokarev SVT-40 mới của ông. Tính đến ngày 26-5-1944, Surkov đã hạ gục được 693 tên phát xít, trong đó có 119 sĩ quan và 67 xạ thủ bắn tỉa của phía Đức.
Thế nhưng, một tháng sau ngày 26-6-1944, trong một đợt pháo kích của phía Đức từ thành phố Schedt , Surkov đã trúng một mảnh đạn ở ngực và mất máu quá nhiều. Sáng sớm ngày 27-7-1944, ông qua đời trong một bệnh viện dã chiến ở biên giới Ba Lan và Đức. Sau đó 3 năm, khi kết thúc chiến tranh địch thủ người Đức, Allerberger mới biết người đã khiến ông trúng đạn tại Leningrad đã qua đời, sau đó, ông có đi tìm kiếm và để thăm đối thủ cũ của mình tại một thị trấn nhỏ miền Bắc nước Nga. Trong một cuốn hổi kỳ của mình vào năm 1998 Allerberger đã viết:
“Người Đức quả thật đã thất bại trước người Nga kiên cường dũng mãnh. Surkov tôi sẽ ghi nhớ mãi cái tên này, chiến binh Nga vĩ đại nhất mà tôi được biết”
Sau khi hy sinh tại mặt trận Ba Lan, Surkov đã được phong tặng Huân chương Lenin và nhiều phần thưởng khác. Surkov được bình chọn là xạ thủ bắn tỉa tiêu diệt được nhiều phát xít Đức nhất trong cuộc chiến tranh Vệ quốc của nước Nga với thành tích 702 tên Đức.
Xem thêm:
Phần 1: Từ anh chàng săn sói đến anh hùng Xô Viết
Phần 2: Người đẹp bắn tỉa khiến phát xít Đức sợ ‘mất mật’