Pakistan gặp họa vì 'đồ cổ' J-7 quá nát của Trung Quốc

Theo tin của Press Trust - Ấn Độ, một chiếc máy bay chiến đấu F-7 (tên không quân Pakistan đặt cho loại máy bay xuất khẩu J-7 của Trung Quốc) đã gặp tai nạn và đâm xuống đất ngày 11/07.

Được biết, chiếc F-7P này bị rơi trong khi bay huấn luyện bình thường tại một khu vực huấn luyện ở tỉnh Punjab của Pakistan, phi công đã nhảy dù thoát nạn và sự cố cũng không gây thiệt hại cho dân thường.

Sau khi tai nạn xảy ra, người phát ngôn của không quân Pakistan cho biết, chiếc F-7P là phiên bản xuất khẩu của loại máy bay chiến đấu J-7 của Trung Quốc. Khi gặp sự cố, phi công đã bình tĩnh bật dù và tiếp đất an toàn, sự cố cũng không gây thiệt hại gì về con người và tài sản cho dân thường.

Người phát ngôn cho biết thêm, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân xảy ra tai nạn, tất cả các chuyến bay huấn luyện của F-7P đươc tạm dừng để phục vụ công tác điều tra của Bộ tư lệnh không quân nước này.

Máy bay chiến đấu F-7P của không quân Pakistan

Năm 1964, Trung Quốc nhận được giấy phép sản xuất MiG-21 nội địa từ phía Liên Xô, sau đó 10 năm họ bắt đầu cải tạo loại máy bay này thành J-7. Ngay từ khi ra đời tính năng của J-7 đã không so được với MiG-21, bởi vì Nga từ chối không chuyển giao những bản vẽ thiết kế những phiên bản cải tiến cao cấp của MiG-21, cái mà Trung Quốc nhận được chỉ là thiết kế đầu tiên của thế hệ máy bay này trong thập niên 50.

Theo Strategypage, J-7 đã chính thức bị gạt bỏ khỏi danh sách máy bay trực chiến tuyến 1 của Trung Quốc và chuyển sang thê đội dự bị từ 2 năm trước. Đây cũng không phải là điều quá ngạc nhiên vì họ đã mua sắm và tự chế tạo được vài trăm chiếc máy bay hiện đại hơn như: Su-27, Su-30, J-8F, J-10, J-11, JH-7. 

Hiện trường nơi chiếc F-7P của không quân Pakistan bị rơi

Theo tin của tạp chí quốc phòng Defencenews, sở dĩ J-7 bị chuyển sang tuyến 2 (thuộc danh sách máy bay không còn được nâng cấp, cải tiến) là do nguyên nhân nó không thể đáp ứng được yêu cầu huấn luyện chứ không nói là nhiệm vụ tác chiến. Sự việc một chiếc J-7 bị rơi xuống một khu vực dân cư gần sân bay thành phố Sán Đầu - tỉnh Quảng Đông trong quá trình huấn luyện phi công ngày 04/12/2012 là minh chứng rõ nét nhất.

Tuy đã ngừng sử dụng nhưng cho đến năm nay Trung Quốc vẫn tiếp tục xuất khẩu loại máy bay “quá date”, được chế tạo theo công nghệ cách đây đã 60 năm, với thiết kế lạc hậu, trình độ công nghệ thấp, thiết bị dẫn đường và điều khiển đã lỗi thời. Chính vì thế, thị trường yêu thích của F-7 là những nước nghèo như Albania, Bangladesh, Myanmar, Zimbabwe, Tanzania, Iraq, Pakistan, Sudan...

 

Tháng 11/2012, Trung Quốc thử nghiệm 2 chiếc F-7BGI (phiên bản xuất khẩu của J-7) để bán sang Bangladesh trong năm 2013, trên thân máy bay đã in sẵn phù hiệu của không quân Bangladesh

Trước đây, không quân Pakistan cũng từng "nếm trái đắng" với chiến cơ F-7 mua của Trung Quốc. Tháng 8/2011, một chiếc máy bay loại này của Pakistan đã rơi ở tỉnh Punjab làm 1 người chết và 2 người khác bị thương. Nữ phi công điều khiển chiếc F-7 đã kịp nhảy ra khỏi máy bay khi nó sắp rơi và may mắn thoát chết. Nạn nhân còn lại của vụ tai nạn là 2 người dân địa phương dưới mặt đất, 1 trong số họ đã chết do chấn thương quá nặng.

Tháng 9/2010, một chiếc F-7 của Không quân Bangladesh đã rơi ở khu vực sông Karnaphuli, may mắn là viên phi công đã kịp nhảy dù và không bị thương.

Quan chức quân sự địa phương cho biết, sau khi cất cánh trong chuyến bay huấn luyện quen thuộc, chiếc F-7 đã gặp trục trặc và “khựng lại” trên không trước khi lao xuống sông và phát nổ.

Máy bay chiến đấu J-7 của Trung Quốc

Một năm trước đó, chiếc máy bay huấn luyện của Không quân Bangladesh là FT-6 cũng mua của Trung Quốc đã gặp nạn và phát nổ ngay sau khi cất cánh, viên phi công duy nhất cũng may mắn nhảy dù kịp thời. FT-6 là phiên bản xuất khẩu của J-6 máy bay chiến đấu của Trung Quốc sản xuất dựa trên khuôn mẫu MiG-19 của Nga, với công nghệ còn lạc hậu hơn cả J-7/F-7.

Không may mắn như các đồng nghiệp Bangladesh hay Pakistan, 2 phi công quân sự của Không quân Nigeria đã trở thành liệt sỹ khi đang trên đường làm nhiệm vụ gần biên giới Mali đầu tháng 5/2013 vừa qua. Theo nguồn tin quân sự, tai nạn xảy ra do một sự cố cơ khí của máy bay. Hiện nay Không quân Nigeria có 9 chiếc F-7 trong các phi đội của mình bao gồm cả chiếc vừa gặp nạn.

Các nước nghèo nhập khẩu máy bay Trung Quốc sẽ gặp họa vì J-7? (ảnh chụp hiện trường vụ tai nạn của J-7 Trung Quốc tháng 12/2012)

Hiện nay, ngay cả những phiên bản MiG-21Bis của Ấn Độ thuộc dạng tiên tiến nhất của dòng máy bay này, do đích thân Nga cải tiến cũng đã không theo kịp xu hướng phát triển không quân hiện đại và dần dần bị thải loại, nói gì đến J-7? Vì thế, các nước nhập khẩu loại máy bay này của Trung Quốc cũng chỉ để làm cảnh, không khéo còn mang họa vào thân.

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: [email protected]. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại