Nữ cảnh vệ Việt Nam kể chuyện bảo vệ các nữ chính khách

Ngoài nhan sắc, nữ cảnh vệ cũng cần phải giỏi võ thuật, bắn súng, bơi lội… Họ còn thuần thục những kỹ năng “mềm” như ngoại ngữ, ứng xử linh hoạt trong các tình huống bất ngờ.

Phòng 7 - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ là đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các nguyên thủ và các vị khách quốc tế đặc biệt đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Không ít người đã hàng chục năm gắn với công việc bảo vệ những nữ chính khách nổi tiếng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Trung úy Đặng Hồng Nhung nhớ mãi lần đầu tiên được tham gia bảo vệ yếu nhân là phu nhân của Phó tổng thống Ấn Độ. Khi giới thiệu mình là nhân viên an ninh Việt Nam sẽ bảo vệ cho phu nhân Phó tổng thống trong suốt hành trình tại Việt Nam, dường như giữa Nhung và phía phái đoàn bạn vẫn còn khoảng cách.

Tuy nhiên, chứng kiến thái độ làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm của chị, vị phu nhân Phó tổng thống đã đặt trọn niềm tin vào người nữ cảnh vệ này.

Những ngày làm việc tiếp theo, nếu như không nhìn thấy có nữ cảnh vệ Việt Nam xuất hiện mở cửa xe, thì phu nhân sẽ không bước ra khỏi xe cho dù có những vệ sĩ riêng của bà có đứng ở xung quanh. Sau này trước lúc lên đường về nước, những người cảnh vệ tiếp cận của Ấn Độ đã nói rằng họ rất cám ơn những người cảnh vệ Việt Nam vì nhờ các chị mà họ cảm thấy yên tâm và thoải mái.

Nữ chiến sĩ cảnh vệ (trái) bảo vệ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra sang thăm Việt Nam.

Chia sẻ về công việc của mình, thượng úy Bùi Thị Thanh Nhàn lại có một góc nhìn khác. Theo chị mỗi cuộc bảo vệ đều để lại cho chị những ấn tượng riêng, nhưng niềm vui là sau mỗi lần là mình hoàn thành nhiệm vụ. Yếu tố góp phần vào những thành công đó là sự chân thành cởi mở, sự vui vẻ của người mà mình bảo vệ.

Trong chuyến bảo vệ phu nhân của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến thăm Việt Nam, đây là nhiệm vụ đầu tiên nên Nhàn không tránh khỏi những lo lắng, hồi hộp.

Tuy nhiên khi đứng ở chân cầu thang máy bay và chứng kiến phu nhân bước xuống, chắp tay chào theo đúng nghi lễ của nước bạn Lào, cười rất tươi và hiền hậu với mình, tự nhiên mình cảm thấy bớt đi phần lo lắng và tự tin thực hiện nhiệm vụ.

Sau mỗi cuộc làm việc hay những lần đi tham quan bà luôn nói câu cảm ơn bằng tiếng Việt, nhưng điều tưởng chừng nhỏ như vậy nhưng lại khiến Nhàn cảm thấy vui, tự tin để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Do đặc thù của công tác, nữ cảnh vệ ngoài nhan sắc, ngoại hình thì còn phải có những tố chất nghiệp vụ đặc biệt. So với các đồng nghiệp nam, những nữ cảnh vệ cũng cần phải giỏi các môn võ thuật, bắn súng, bơi lội… Không những thế, họ còn phải thông minh, phản xạ nhanh nhạy.

Khi đã trở thành lính ở Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đặc biệt là ở những đơn vị có nhiệm vụ tiếp cận với người cần bảo vệ, các nữ chiến sĩ đều phải trải qua khóa huấn luyện đặc biệt để trau dồi chuyên môn và những kỹ năng, trong đó bắn súng và võ thuật được coi là 2 môn cơ bản.

Những nữ cảnh vệ thường là những thiện xạ, họ có thể điểm xạ chính xác những mục tiêu cố định và di động ở những góc bắn hiểm. Tuy nhiên trong thực tế công tác tiếp cận, việc sử dụng vũ khí không phải lúc nào cũng là ưu điểm, do vậy các bài võ thuật là một lựa chọn mà bất kỳ nữ cảnh vệ nào cũng phải thuộc nằm lòng. Vì thế, việc tập luyện võ thuật không hề có một chút ưu ái nào so với các đồng nghiệp nam.

Đại úy Nguyễn Thị Hiệp công tác tại Phòng Tiếp cận bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước (Phòng 6) - Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chia sẻ, yêu cầu của công tác cảnh vệ ngoài môn võ thuật cơ bản còn được huấn luyện thêm những bài võ thuật nâng cao hoặc những bài chuyên về cảnh vệ và xử lý tình huống theo chiến thuật.

"Đó là sự rút tỉa những miếng hay, những đòn thế vận dụng hiệu quả trong cận chiến có thể là một miếng quăng, vật của vovinam, judo, một đòn dứt điểm của karate… Để thành thạo được những miếng đòn này thực sự là một thử thách đối với phái nữ. Đó chưa kể tới việc hàng năm liên tiếp luôn phải có những đợt tập huấn để nâng cao trình độ", đại úy Hiệp nói.

Bên cạnh những yêu cầu về sức khỏe cũng như nghiệp vụ, các nữ cảnh vệ còn phải thuần thục những kỹ năng “mềm” như khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách trôi chảy, đồng thời phải ứng xử linh hoạt trong các tình huống bất ngờ.

Ngoài ra, mỗi khi nhận nhiệm vụ, các nữ cảnh vệ còn phải thường xuyên tìm hiểu các kỹ năng giao tiếp, ứng xử để phù hợp với văn hóa quốc gia và tính cách, sở thích của người mà mình tham gia bảo vệ.

Trung úy Đặng Hồng Nhung chia sẻ nhiều lần đi làm công tác bảo vệ, có những lúc đến chỗ đông người, nhìn thấy người quen và thân với mình nhưng vẫn phải coi như là không nhìn thấy. Nhung bảo những lúc như vậy thường phải tập trung tối đa cho công việc của mình nên nếu có gặp… người yêu thì cũng đành ngó lơ.

Công việc đòi hỏi những cô gái này phải thường xuyên tập trung quan sát xung quanh để nắm bắt, phán đoán tình huống. Ngoài ra trong lúc bảo vệ đoàn, cử chỉ, ánh mắt chính là sự thể hiện tính chuyên nghiệp, sự tự tin và uy lực của mỗi sỹ quan tiếp cận. Do vậy sau mỗi lần đi công tác các nữ cảnh vệ luôn phải tự học cho mình cách bình tĩnh, thả lỏng cơ thể để lấy lại sự cân bằng.

Với thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, các chị đã phải chịu rất nhiều những thiệt thòi, và hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế có nhiều chuyến công tác đột xuất, bất ngờ các nữ cảnh vệ chỉ kịp gọi điện thông báo cho gia đình rồi xách quần áo đi công tác ít nhất là cũng phải 2-3 ngày.

Khi được hỏi về công việc của mình, các nữ chiến sĩ cảnh vệ đều coi đó là một vinh dự và tự hào vì được đại diện cho nữ Công an Việt Nam để bảo vệ những những nhân vật hết sức quan trọng đối với quốc gia và quốc tế. Và cùng với sự vinh dự đó họ luôn xác định cho mình trách nhiệm thường xuyên học hỏi, trau dồi và không ngừng rèn luyện để đáp ứng nhiệm vụ được giao phó.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại