'Nọc độc' của Hổ mang chúa Việt Nam (II)

Nếu như R-27 là loại 'nọc độc' tiêu diệt đối phương từ xa thì R-73 sẽ khiến đối phương phải lo sợ khi đối mặt với "Hổ mang chúa" Su-30MK2 ở tầm gần.

Vympel R-73, NATO định danh AA-11 Archer (Cung thủ), là loại tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn bằng hồng ngoại được chế tạo và đưa vào sử dụng tại Liên Xô năm 1982. R-73 được chế tạo để thay thế cho người tiền nhiệm R-60 vốn đã lạc hậu.

R-73 là một tên lửa không đối không dẫn bằng hồng ngoại cực kỳ nhanh nhẹn, đầu dò hồng ngoại của tên lửa có khả năng nhìn thấy mục tiêu ở góc 45 độ so với đường trung tâm của máy bay. Đầu dò hồng ngoại của tên lửa được kết nối với hệ thống nhắm mục tiêu trên mũ phi công.

Bảng so sánh cho thấy sự lép vế của AIM-9M so với R-73 trong khả năng nhìn thấy và khóa mục tiêu của đầu dò hồng ngoại.

Khả năng này giúp Hổ mang chúa có thể tung ra đòn tấn công mà không cần hướng mũi máy bay về phía mục tiêu. Chỉ cần phi công ngoái đầu nhìn đồng nghĩa với việc tên lửa cũng nhìn thấy mục tiêu.

R-73 có thiết kế khí động học khá đơn giản và hiệu quả, tên lửa có 4 vây lái ở đuôi cùng 4 vây ổn định gần trước mũi.

Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn có khả năng phụt chỉnh hướng, đặc biệt, R-73 là tên lửa hiếm hoi trên thế giới có khả năng cơ động ngang làm cho tên lửa có thể thực hiện những cuộc tấn công không theo các quỹ đạo quy ước.

Phạm vi hoạt động của các nọc độc trên Hổ mang chúa Việt Nam.

Sự nhanh nhẹn của tên lửa cùng đầu dò hồng ngoại tiên tiến biến R-73 thành tên lửa không đối không tầm ngắn thế hệ thứ 4 tốt nhất thế giới.

Trong các cuộc không chiến mô phỏng, R-73 kết hợp với hệ thống nhắm mục tiêu trên mũ bay phi công luôn đánh bại các đối thủ trực tiếp của nó là AIM-9 và Python III trang bị trên các tiêm kích F-15, F-16.

Điều này khiến khối NATO phải cuống cuồng thúc đẩy sự phát triển của các chương trình tên lửa không đối không tầm ngắn thế hệ mới như AIM-9X, Python IV, MICA- IR. Tuy nhiên, sự phát triển của các loại tên lửa trên chẳng ăn nhằm gì khi Nga cho ra đời biến thể nâng cấp R-73M. Biến thể này được trang bị đầu dò hồng ngoại có khả năng nhìn thấy mục tiêu ở góc tới 60 độ so với đường trung tâm của  máy bay.

Góc nhìn rộng của đầu dò hồng ngoại đặc biệt hữu ích trong các tình huống không chiến tầm gần, Hổ mang chúa có thể tung ra đòn tấn công mà đối phương không nhìn thấy được. Một khi đã khóa, tên lửa như con thiêu thân lao đến mục tiêu bất chấp các biện pháp đối phó bằng hồng ngoại.

Hổ mang chúa dũng mãnh bay tuần tra Trường Sa với các nọc độc R-73 trên cánh.

Biến thể đời đầu của R-73 có tầm bắn tối thiểu 300 mét, tối đa 20 km, đến biến thể R-73M đạt tầm bắn 30 km. Biến thể nâng cấp gần đây nhất R-73M2 có tầm bắn 40 km. Tên lửa có chiều dài 2,9 mét, sải cánh 0,51 mét, đường kính 165 mm, trọng lượng 105 kg với R-73, R-73M, 115 kg với R-73M2.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong năm 2009, Việt Nam đã đặt mua từ Nga 250 tên lửa không đối không tầm ngắn R-73. Số tên lửa này sẽ là nọc độc chính của Hổ mang chúa trong các cuộc không chiến tầm gần.

Sự nhanh nhẹn của R-73 trong không chiến tầm gần và R-27 trong không chiến tầm trung đến xa kết hợp với khả năng thao diễn ưu việt, Hổ mang chúa của Việt Nam đang có trong tay nhưng "nọc độc" cực kỳ lợi hại để vô hiệu quá bất kỳ mục tiêu nào xâm phạm bầu trời Tổ quốc.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại