Những vũ khí Trung Quốc đe dọa Nhật Bản (II)

Vy Lam |

Theo tác giả Kyle Mizokami, ngoài những vũ khí khá xa vời như J-20, S-400, mối đe dọa trước mắt với Nhật đến từ tàu đổ bộ Type 071, tên lửa DF-21A và máy bay tiếp dầu Il-78 của TQ.

Những vũ khí Trung Quốc có thể đe dọa Nhật Bản (I)

3. Tàu đổ bộ Type 071

Trong trường hợp xảy ra xung đột trên quần đảo Senkaku, cách dễ thấy nhất để Trung Quốc phô trương chiến thắng là đưa quân đổ bộ lên hòn đảo.

Lực lượng đổ bộ của Trung Quốc sẽ buộc Nhật Bản hoặc chấp nhận thất bại hoặc bị đẩy lùi bằng vũ lực.

Tàu đổ bộ sẽ là phương tiện duy nhất để đưa quân đổ bộ Trung Quốc lên quần đảo.

Hải quân Trung Quốc đang có trong biên chế loại tàu này. Type 071 có khả năng chở lính thủy đánh bộ Trung Quốc tới các vị trí đổ bộ xa xôi bằng đường biển hoặc bằng các trực thăng mà nó mang theo.

Trung Quốc hiện có 4 tàu Type 071 đang hoạt động, 1 chiếc khác đang được hoàn thiện và nước này dự định sẽ đóng thêm chiếc thứ 6.

Chúng đều được đặt theo tên những dãy núi ở Trung Quốc.

Tàu đổ bộ Type 071 mang tên Côn Lôn Sơn

Tàu đổ bộ Type 071 mang tên Côn Lôn Sơn

Mỗi tàu có lượng giãn nước 20.000 tấn và dài hơn 200 m. Type 071 có thể chở theo một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và khoảng 18 xe bọc thép.

Chúng cũng tương tự như tàu đổ bộ lớp San Antonio của Hải quân Mỹ và HMS Ocean của Hải quân Hoàng gia Anh.

Type 071 có khoang đổ bộ phía sau để triển khai các tàu/xuồng đổ bộ, một hangar và một sàn đáp cho trực thăng.

Khoang đổ bộ phía sau của Type 071 có thể mang theo 4 tàu đổ bộ đệm khí mà Trung Quốc nhái theo mẫu tàu LCAC của Mỹ. Mỗi tàu đổ bộ đệm khí này lại có thể mang theo 1 xe tăng hoặc 2 xe chiến đấu hạng nhẹ.

Type 071 thường mang theo 2-4 trực thăng vận tải hạng nặng Z-8, mỗi trực thăng này có thể vận chuyển tới 24 binh sĩ.

Trong trường hợp Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Senkaku, trực thăng từ tàu Type 071 có thể thả một nhóm bộ binh tới chiếm giữ một hòn đảo thuộc quần đảo.

Sau khi thành công, tàu đổ bộ đệm khí triển khai từ Type 071 có thể tới tiếp tế vũ khí hạng nặng, các hệ thống phòng không và thậm chí là tên lửa chống tàu cho các lực lượng Trung Quốc tại đây để ngăn chặn các lực lượng Nhật Bản tiếp cận.

4. Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-21A

Trung Quốc có kho vũ khí lớn gồm các loại tên lửa đạn đạo vũ trang thông thường tầm trung và tầm ngắn.

Chúng vốn được thiết kế để đe dọa Đài Loan nhưng sau đó dần được cải thiện độ chính xác và tầm bắn tới mức có thể tấn công các mục tiêu trên khắp Nhật Bản.

DF-21A là tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có độ chính xác cao.

Được đưa vào hoạt động từ giữa những năm 1990, DF-21A có tầm bắn tới 2.150 km, đặt toàn bộ Nhật Bản vào tầm bắn của nó khi được triển khai tại Trung Quốc đại lục.

DF-21A mang đầu đạn nặng 500 kg, có thể là đầu đạn đơn nhất thông thường, đầu đạn hóa học hoặc thậm chí là đầu đạn hạt nhân.

Tuy nhiên, Trung Quốc có chính sách “không sử dụng trước” đối với vũ khí hạt nhân, điều này có thể ngăn Bắc Kinh sử dụng vũ khí hạt nhân để đối phó với một quốc gia phi hạt nhân như Nhật Bản.

Một tên lửa DF-21 vũ trang thông thường sẽ rất hữu ích đối với Trung Quốc trong một cuộc xung đột với Nhật Bản và có thể được sử dụng để tiêu diệt nhiều mục tiêu khác nhau.

Sân bay, cơ sở dự trữ năng lượng, cơ sở hạ tầng của chính phủ, các cơ sở radar và phòng không, các căn cứ lục quân, không quân, và hải quân của Nhật Bản đều có thể bị tấn công với độ chính xác của tên lửa này.

Một số lượng không xác định tên lửa DF-21 đã được Trung Quốc triển khai. Song, cũng cần lưu ý rằng DF-21A còn là một phần trong hệ thống răn đe hạt nhân khu vực của Trung Quốc.

Vì vậy, thậm chí trong trường hợp chiến tranh, rất nhiều bệ phóng và tên lửa sẽ không thưc hiện nhiệm vụ thông thường mà duy trì sự răn đe hạt nhân tầm trung.

Tên lửa đạn đạo DF-21D

Tên lửa đạn đạo DF-21D

DF-21D, một biến thể của DF-21, là nền tảng cho tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo chống tàu đóng vai trò quan trọng trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc, nhằm xua đuổi Hải quân Mỹ khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương.

5. Máy bay tiếp dầu Il-78

Nếu xảy ra xung đột, Trung Quốc cần đánh bại Nhật Bản trên không.

Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm cách Trung Quốc đại lục 400 km.

Phần lớn các máy bay chiến đấu hiện đại của Không quân Trung Quốc, gồm J-10, J-11 và Su-30MKK, có thể tiếp cận quần đảo này.

Các đảo còn lại của Nhật Bản, gồm Okinawa, Kyushu và thậm chí Honshu, cách Trung Quốc đại lục ít nhất 700 km.

Các máy bay chiến đấu nhỏ hơn như J-10 cần phải được tiếp liệu trên không mới tiếp cận được những khu vực đó.

Khả năng tiếp nhiện liệu trên không còn giúp tăng số lượng máy bay và sân bay tại Trung Quốc có thể tham gia vào cuộc xung đột.

Vì vậy, máy bay tiếp dấu Il-78 là một mắt xích quan trọng trong chiến lược triển khai sức mạnh của Không quân Trung Quốc.

Il-78 được chuyển đổi từ máy bay vận tải Il-76, nó có thể mang theo lượng nhiên liệu đủ để tiếp liệu trên 20 lượt cho các máy bay chiến đấu đa nhiệm J-10.

Il-78 mang theo 3 ống tiếp liệu nên có thể tiếp nhiên liệu cho 3 máy bay cùng lúc.

Chiếc máy bay được cho là Il-78 (bên phải) được nhìn thấy ở căn cứ không quân Trung Quốc.

Chiếc máy bay được cho là Il-78 (bên phải) được nhìn thấy ở căn cứ không quân Trung Quốc.

Trung Quốc đã tìm cách mua một số lượng lớn các máy bay tiếp dầu Il-78 từ Nga vào năm 2005.

Tuy nhiên, thương vụ này bị chậm trễ do nhà máy sản xuất khung thân các máy bay này ở Uzbekistan, nằm ngoài lãnh thổ Nga, đã không hoàn thành trách nhiệm của mình.

Sau đó, Trung Quốc được cho là đã mua 3 máy bay Il-78 từ Ukraine. Dựa trên những hình ảnh vệ tinh được tiết lộ năm ngoái, có vẻ ít nhất một chiếc trong số này đã được chuyển giao.

Bắc Kinh cũng ký hợp đồng mua thêm các máy bay Il-76, có vẻ nước này muốn chuyển đổi chúng thành các máy bay tiếp dầu.

Tuy nhiên, những vấn đề về sản xuất tại Nga khiến chỉ có một số ít máy bay được chuyển giao.

Cho tới khi Trung Quốc giải quyết được tình trạng thiếu máy bay tiếp dầu, khả năng triển khai lực lượng đông đảo của Không quân Trung Quốc trong một cuộc xung đột với Nhật Bản sẽ rất hạn chế.

Trong trường hợp chiến tranh, nếu các máy bay tiếp dầu của Trung Quốc bị bắn hạ, phạm vi tiếp cận của Không quân nước này sẽ giảm mạnh, làm giảm khả năng tiếp tục cuộc chiến.

Vì vậy, các máy bay tiếp dầu của Trung Quốc sẽ là những mục tiêu chính cho lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Kyle Mizokami, người từng cộng tác với nhiều tờ báo nổi tiếng như tạp chí Diplomat, Foreign Policy, The Daily Beast.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại