Quân đội Triều Tiên có rất nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, không loại trừ có cả tên lửa đạn đạo liên lục địa. Mặc dù các loại tên lửa này có công nghệ lạc hậu và không tinh vi nhưng hoàn toàn có thể đe dọa lực lượng quân sự Mỹ không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở một phần của lãnh thổ Mỹ.
Tên lửa tầm ngắn Frog-7 tầm bắn 70 km được Liên Xô chuyển giao vào những năm 1960. Đây là một loại pháo phản lực nó có thể sử dụng đầu đạn liều nổ cao hoặc đầu đạn hóa học thậm chí cả đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Lực lượng tên lửa Triều Tiên có khoảng 24 bệ phóng loại này.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến thuật Hwasong-5. Đây là một biến thể của Scud-B do Triều Tiên sản xuất vào những năm 1980. Loại tên lửa này có tầm bắn 320 km, hiện tại Triều Tiên sở hữu khoảng 180 tên lửa loại này.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong-1, tầm bắn khoảng 900-1300 km, tầm bắn này đủ sức bao phủ toàn bộ bán đảo Triều Tiên. Loại tên lửa này được sản xuất vào những năm 1990 khoảng 50-100 tên lửa đã được đưa vào sử dụng. Triều Tiên cũng đã xuất khẩu công nghệ tên lửa này cho Iran để họ phát triển thành Shahab-3.
Tên lửa đạn đạo tầm trung Taepedong-1 tầm bắn 2.500 km đủ sức bao phủ toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản. Loại tên lửa này được phát triển vào những năm 2000, về mặt lý thuyết Taepedong-1 có thể chạm tới khu vực Alaska của Mỹ.
Tên lửa đạn đạo tầm trung di động BM-25 Musudan tầm bắn từ 2500-4000 km. Đây là loại tên lửa đạn đạo di động mới nhất trong kho tên lửa của Triều Tiên. Loại tên lửa này đã được thử nghiệm thành công trong năm 2009 và đây được xem là một bước đột phá lớn trong công nghệ tên lửa của Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn chiến thuật Hwasong-6, NATO thường gọi là Scud-C/D. Đây là biến thể nâng cấp của Hwasong-5, có tầm bắn 500 km và được sản xuất với quy mô nhỏ vào khoảng năm 1990, hiện tại có khoảng 300-600 tên lửa trong biên chế.
Tên lửa đạn đạo liện lục địa Taepedong-2 tầm bắn 6.000 km đang được nâng cấp lên 10.000 km. Nếu thành công loại tên lửa này đủ sức chạm tới lãnh thổ nước Mỹ, loại tên lửa này đang được thử nghiệm qua các thử nghiệm phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Taepedong-2 được đánh giá là "mối đe dọa" với nước Mỹ.
Về mặt lý thuyết, lực lượng tên lửa Triều Tiên hoàn toàn có khả năng tấn công và gây thiệt hại cho các đơn vị quân đội Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và cả một phần lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, các loại tên lửa của Triều Tiên có công nghệ dẫn đường khá lạc hậu, độ chính xác kém, thời gian triển khai sẵn sàng chiến đấu tương đối chậm nhất là đối với Taepedong-1/2.
Với các phương tiện trinh sát tối tân không ngừng theo dõi "nhất cử nhất động" của Triều Tiên, Mỹ hoàn toàn có thể tung đòn phủ đầu trước khi các loại tên lửa này có thể rời bệ phóng.