Những vũ khí Liên Xô được Mỹ đánh giá là đáng gờm nhất

Hải Vy |

Liên Xô luôn coi trọng phát triển khoa học, công nghệ và sản xuất công nghiệp. Vì vậy, họ đã cho ra đời nhiều loại vũ khí tiên tiến nhất vào thời bây giờ, với số lượng vô cùng lớn.

Hàng triệu đơn vị vũ khí ấy vẫn còn tiếp tục phục vụ trong biên chế quân đội nhiều nước cho tới ngày nay.

Dưới đây là 5 loại vũ khí đáng gờm nhất của Liên Xô do tạp chí The National Interest (Mỹ) đưa ra:

1. AK-47

AK-47, tên viết tắt của "Avtomat Kalashnikova mẫu năm 1947", là một loại vũ khí bộ binh đơn giản nhưng lại có thành tích tác chiến đáng nể.

Với băng đạn có hình dạng cong đặc trưng, AK-47 là mẫu súng trường nổi tiếng và dễ nhận biết nhất trong thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ 2. Khoảng 75 triệu khẩu AK-47 đã được chế tạo.

AK-47 tham khảo ý tưởng thiết kế từ nhiều mẫu súng khác nhau, đặc biệt là Sturmgewehr StG-44 (Đức) - khẩu súng trường tấn công đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới và súng trường M-1 Garand (Mỹ).

Ưu điểm của nó là trọng lượng nhẹ, dễ tháo lắp và dễ sử dụng.

Những thuộc tính này khiến nó trở thành loại vũ khí tuyệt vời cho các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.

Ngoài trang bị cho Hồng quân và các nước thuộc khối Vác-sa-va, AK-47 còn được cung cấp cho các nhóm đồng minh của Liên Xô.

Ngày nay, hàng triệu khẩu AK-47 vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội và nhiều tổ chức vũ trang trên thế giới.

2. Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Typhoon

Đây là lớp tàu ngầm lớn nhất từng được chế tạo trên thế giới và đã đóng vai trò lớn trong lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Nga.

Những con tàu 24.000 tấn, dài 175m này có lượng giãn nước gấp hơn 3 lần các tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles của Mỹ và hơn gần 10.000 tấn so với các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio.

Các tàu ngầm lớp Typhoon có thiết kế sáng tạo, trang bị 20 tên lửa phóng từ tàu ngầm SS-N-20 Sturgeon. Mỗi tên lửa SS-N-20 có thể mang 10 đầu đạn.

Typhoon class

Đã có 6 tàu ngầm lớp Typhoon được chế tạo, một số chiếc tiếp tục phục vụ trong Hải quân Nga cho tới ngày nay.

Trong đó, có một chiếc được sử dụng làm tàu thử nghiệm các tên lửa Bulava.

Tàu ngầm lớp Typhoon là nguồn cảm hứng cho chiếc tàu ngầm “Red October” trong cuốn tiểu thuyêt “The Hunt for Red October”.

3. Xe tăng chiến đấu chủ lực T-55

Được giới thiệu vào cuối Thế chiến 2, xe tăng hạng trung T-54 là mẫu đầu tiên trong dòng xe tăng chiến đấu chủ lực hoàn toàn mới của Liên Xô.

Nó nổi bật với thiết kế thân, hệ thống giảm xóc cùng tháp pháo mới và được trang bị pháo chính 100mm.

T-54 là sự kết hợp tuyệt vời giữa hỏa lực, khỏa năng bảo vệ và cơ động.

Sau đó, một loạt những thay đổi, trong đó có khả năng tác chiến trong môi trường chiến tranh hạt nhân, đã cho ra đời mẫu T-55.

T54/55 đã trở thành trụ cột của Lục quân Liên Xô từ cuối Thế chiến II cho tới khi “hậu duệ” T-62 của chúng ra đời.

Ngoài T-62, các mẫu xe tăng T-64, T-72, T-80 và T-90 đều là các hậu duệ của T-55.

Đã có khoảng 42.000 – 100.000 chiếc T-55 được Liên Xô, khối Vác-sa-va và Trung Quốc chế tạo.

T-55 cũng được xuất khẩu rộng rãi tới các quốc gia khách hàng của Liên Xô, trong đó có Việt Nam, các nước khối Vác-sa-va, Cuba, Syria, Ai Cập, Angola và nhiều nước khác.

Dù đã lỗi thời nhưng với giá thành rẻ và dễ bảo trì, T-55 vẫn còn phục vụ trong biên chế nhiều nước khắp châu Phi.

4. Máy bay ném bom chiến lược Tu-160

Mang biệt danh "Thiên nga trắng", Tu-160 là mẫu máy bay ném bom chiến lược cuối cùng do Liên Xô chế tạo.

Với thiết kế cánh cụp cánh xòe, màu sơn trắng và phần mũi có hình dạng giống mỏ chim, không khó hiểu tại sao Tu-160 lại được đặt cho biệt danh như vậy.

Tu-160 được thiết kế để trở thành máy bay ném bom tàng hình, có khả năng hoạt động và ban đêm và trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Giống như "đàn anh" Tu-22M, Tu-160 có thể sử dụng khả năng tàng hình, bay thấp để thâm nhập vào không phận Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ và phóng tên lửa hành trình hạt nhân.

Sau thời gian dài phát triển, Tu-160 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 18/12/1981.

Tu-160 có thể mang 22 tấn bom đạn trong khoang vũ khí, trong đó có tên lửa hành trình hạt nhân Kh-55/AS-15 “Kent”.

Tương tự như tên lửa hành trình phóng từ trên không của Mỹ, AS-15 là tên lửa hành trình nhỏ, siêu thanh, có thể mang đầu đạn hạt nhân 200 kiloton.

Mỗi chiếc Tu-160 có thể mang theo 12 tên lửa loại này.

5. Pháo 122mm M1938

Liên Xô phụ thuộc rất lớn vào pháo binh trong Thế chiến II, bởi các loại pháo kéo, đặc biệt là pháo cối, có chi phí không mấy đắt đỏ mà lại rất dễ sản xuất và mang lại hiệu quả lớn trên chiến trường.

M30 howitzer nn 1.jpg

M1938 là mẫu pháo hạng nặng phổ biến nhất trong quân đội Liên Xô, với tầm bắn 11,8 km và có thể bắn đạn HE nặng 21kg, tốc độ bắn 5-6 phát/phút.

Trong thời chiến, mỗi sư đoàn bộ binh Liên Xô được biên chế tới 32 khẩu pháo loại này, tức là trung bình mỗi sư đoàn có thể bắn ra 4,032 kg đạn HE trong 1 phút.

Giống như các loại vũ khí khác của Liên Xô, M1938 có thể được dùng làm vũ khí chống tăng. Tổng cộng 19.266 khẩu M1938 đã được sản xuất, hầu hết là trong thời chiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại