Israel mặc dù là một quốc gia nhỏ bé nhưng lại có nền Công nghiệp quốc phòng (CNQP) phát triển hàng đầu thế giới với Tập đoàn Công nghiệp quốc phòng IMI (Israel Military Industries) hùng mạnh.
Israel cũng là quốc gia xếp vào hàng "Top" trong việc phát triển các phương tiện chiến đấu mặt đất, xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava-IV của họ được xem là chiếc tăng có khả năng bảo vệ tốt nhất thế giới. Đặc biệt, Israel cùng với Mỹ là hai quốc gia dẫn đầu về phát triển các phương tiện bay không người lái.
Tuy nhiên, ít ai biết rằng nếu không chịu áp lực từ phía Washington, CNQP Israel có thể còn phát triển mạnh hơn những gì họ đang có. Ít nhất 2 sản phẩm quốc phòng công nghệ cao của Israel đã bị Mỹ "bức tử" để nhường chỗ cho vũ khí của mình gồm:
Đây là chương trình vũ khí công nghệ cao lớn nhất của Israel bị Mỹ "bức tử". Đầu những năm 1980, Israel đã xúc tiến chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 4. Tiêm kích mới được đặt tên IAI Lavi do tập đoàn hàng không vũ trụ Israel Aerospace Industries (IAI) phát triển.
Tiêm kích Lavi được dự định sẽ trở thành trụ cột của Không quân Israel và sẽ là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của quốc gia này. Lavi có thiết kế khí động học khá độc đáo với đôi cánh tam giác kết hợp với 2 cánh mũi nhằm tăng khả năng cơ động.
Lavi được xem là tiêm kích đầu tiên trên thế giới thiết kế với cấu hình khí động học “bất ổn định”. Để khắc phục vấn đề trên, Lavi được trang bị phần mềm điều khiển bay “fly-by-wire” phức tạp cho phép hạn chế nhược điểm và tăng khả năng cơ động.
Thiết kế này của Lavi sau đó đã trở thành tiêu chuẩn cho các máy bay cánh tam giác khác trên thế giới. Lavi thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào ngày 31/12/1986, tính đến tháng 08/1987 đã có tổng cộng 82 phi vụ được tiến hành trên 2 mẫu thử.
Từ khi bắt đầu chương trình phát triển tiêm kích Lavi đã xuất hiện 2 luồng ý kiến khác nhau trong giới chức quân đội và chính phủ Israel. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Arens ủng hộ chương trình Lavi và cho rằng đây là một dự án có uy tín cao, khẳng định khả năng công nghệ của Israel và đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Phía phản đối thì lại cho rằng nó là chương trình quá tốn kém có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Israel, họ cho rằng mua F-16 của Mỹ sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn. Washington là một đối tác của chương trình tất nhiên hoàn toàn không ủng hộ nó. Người Mỹ đã nhìn thấy Lavi là một mối đe dọa đối với F-16 trên thị trường xuất khẩu khi có khá nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến loại máy bay này ngay khi nó mới bắt đầu giai đoạn phát triển.
Do đó, Washington đã tiến hành một chiến dịch vận động hành lang gây sức ép với nội các Israel để dẫn đến một cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục về việc có nên tiếp tục chương trình Lavi hay không, bởi kết quả chắc chắn đã có từ trước.
Không lâu sau cuộc bỏ phiếu, nội các Israel đã phê duyệt quyết định mua 90 tiêm kích F-16C từ Mỹ. Mặc dù chương trình Lavi bị hủy bỏ nhưng nó đã chứng minh được tiềm lực công nghệ của Israel trong lĩnh vực hàng không vũ trụ. Các sản phẩm đi kèm chương trình này như radar EL/M-2032 sau đó đã được xuất khẩu cho một số quốc gia để sử dụng trên một loạt các máy bay chiến đấu khác nhau.
Đến đầu những năm 1990, đã có thông tin cho rằng Israel bí mật bán bản vẽ thiết kế Lavi cho Trung Quốc để họ phát triển thành tiêm kích J-10. Thực tế thì J-10 có thiết kế khí động học hoàn toàn giống với Lavi, tuy nhiên cả hai bên đều từ chối thông tin này.
Đây cũng là một chương trình vũ khí công nghệ cao khác của Israel bị Washington "bức tử". Lựu pháo tự hành Sholef (phiên âm tiếng do Thái Slammer có nghĩa là “Súng chiến đấu”) được phát triển trên khung gầm xe tăng chủ lực Merkava-III. Dự án được triển khai vào đầu những năm 1970.
Lựu pháo tự hành Sholef cũng bị "bức tử" để nhường vị trí cho pháo tự hành M-109 của Mỹ.
Dự án lựu pháo tự hành Sholef lúc đó được xem là một chương trình phát triển ưu tiên cấp quốc gia. Nó áp dụng khá nhiều công nghệ mới như: Khả năng cập nhật phần tử mục tiêu qua hệ thống định vị toàn cầu GPS, chế độ bắn loạt 3 viên/15 giây, khả năng bắn trong khi đang di chuyển.
Hai mẫu thử nghiệm đã được hoàn thành vào năm 1984 và 1986. Các thử nghiệm trên thao trường cho thấy Sholef tỏ ra vượt trội so với pháo tự hành số 1 của Mỹ lúc đó là M-109 Paladin đang hoạt động trong biên chế lực lượng mặt đất Israel.
Khi nhận thấy Sholef sẽ trở thành một mối “hiểm họa” đối với M-109 Paladin, Washington lập tức đã gây sức ép với giới chức quân đội Israel để họ lựa chọn biến thể nâng cấp của M-109 và hủy bỏ việc đưa vào sản xuất hàng loạt pháo tự hành Sholef.
Không chỉ "bức tử" các sản phẩm quốc phòng công nghệ cao, một số vũ khí thông thường của Israel cũng phải “nhường” vị trí chính thức trong quân đội nước này cho các vũ khí Mỹ, điển hình là súng trường tấn công IMI Galil đã phải nhường vị trí chính thức cho M-16.
Một số hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn của Israel cũng đã buộc phải hủy bỏ dưới áp lực của Mỹ như thương vụ bán hệ thống radar cảnh báo sớm đường không Phalcon cho Trung Quốc. Gần đây nhất Israel cũng phải chịu thiệt hại hơn 1 tỷ USD trong việc giới hạn các sản phẩm quốc phòng công nghệ cao xuất khẩu cho Nga.
Nói chung, CNQP Israel có đủ tiềm lực về công nghệ nhưng thiếu tiềm lực tài chính và sức mạnh chính trị. Họ bị phụ thuộc vào Mỹ trong khá nhiều vấn đề, những chương trình phát triển vũ khí lớn của Israel khó lòng thực hiện được nếu không có hỗ trợ từ phía Washington.
Do đó không có gì khó hiểu khi một số chương trình vũ khí Israel có thể đe dọa vị thế của Mỹ đã buộc phải hủy bỏ. Tiềm lực khoa học công nghệ của Israel là rất lớn nên Mỹ luôn tìm cách để kiểm soát sự phát triển của nền CNQP nước này, đặc biệt là những vụ “đi đêm” với các quốc gia mới nổi như Trung Quốc.
Tiêm kích Lavi của Israel
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA