Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được thành lập ngày 4/4/1949, là một liên minh chính trị - quân sự được hình thành do những căng thẳng Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ - Tây Âu và Liên Xô.
Để tăng tính đồng bộ trong tổ chức, NATO đã tìm cách chuẩn hóa nhiều loại thiết bị quân sự, như kích cỡ các loại đạn xe tăng, đạn súng máy, đạn pháo và đạn cối…
Dưới đây là 5 hệ thống vũ khí uy lực nhất của tổ chức liên minh này. Mỗi loại vũ khí đều được ít nhất 2 thành viên trong NATO sử dụng.
1. Máy bay chiến đấu F-16
F-16 hiện đang có mặt trong biên chế nhiều quốc gia NATO như Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Ban đầu, F-16 được thiết kế là máy bay chiến đấu hạng nhẹ với tiềm năng xuất khẩu lớn. Dần về sau, nó được phát triển thành máy bay chiến đấu đa nhiệm.
Trong thời gian dài phục vụ NATO, F-16 đã giành nhiều chiến công như F-16 của Hà Lan từng bắn rơi tiêm kích MiG-29 của Serbia trong cuộc chiến vùng Balkan.
Các tiêm kích F-16 của Hà Lan, Bỉ, Đan Mạch, Na Uy cũng từng tham gia ném bom các mục tiêu ở Balkan, Afghanistan và Libya.
Trong tương lai, phần lớn các phi đoàn F-16 của NATO sẽ được thay thế bằng tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35.
2. Pháo tự hành PzH2000
Pháo tự hành Panzerhaubitze (PzH2000) do hãng Krauss Maffei Wegmann của Đức sản xuất. Đây là một trong những hệ thống pháo hiện đại nhất mà NATO triển khai.
Ban đầu, nó được phát triển để thay thế hệ thống pháo M109 do Mỹ sản xuất trong biên chế quân đội Đức. Tới nay, PzH2000 đang được 3 nước khác ngoài Đức triển khai, đó là Hy Lạp, Italia và Hà Lan.
Pháo tự hành PzH 2000 có khối lượng 57 tấn, kíp xe gồm 5 người và có khả năng mang theo 60 đạn cùng 288 liều phóng rời.
PzH2000 sử dụng pháo chính L52 155mm, với chiều dài nòng là 8,06m.
Hệ thống nạp đạn tự động, hệ thống định vị và máy tính kiểm soát hỏa lực giúp pháo có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên đến 56km với tốc độ bắn từ 8-10 phát/1 phút.
Pháo PzH 2000 còn được tích hợp hệ thống BITE và có thể bắn ở chế độ nhiều viên đạn đánh 1 mục tiêu. Hệ thống PzH 2000 có tầm hoạt động 420km.
3. Tàu ngầm Type 212
Là tàu ngầm diesel-điện tiên tiến nhất của NATO, Type 212 (do Đức sản xuất) có khả năng hoạt động siêu êm để thực hiện các chuyến tuần tra trển biển Baltic và Địa Trung Hải.
Động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) cho phép Type 212 hoạt động dưới mặt nước liên tục trong 3 tuần.
Type 212 là tàu ngầm cỡ nhỏ, có lượng giãn nước 1.450 tấn khi nổi với thủy thủ đoàn dưới 30 người.
Tuy vậy, loại tàu này có khả năng tuần tra tầm xa, ở phạm vi lên tới 15.000 km khi nổi, hoặc 780 đến 3.000 km khi lặn, tùy vào tốc độ.
Tàu ngầm Type 212 của Đức được trang bị ngư lôi hạng nặng DM2A4, trong khi tàu của Italia trang bị ngư lôi Black Shark.
Hải quân Đức đang tiếp nhận ít nhất 6 chiếc Type 212, trong khi Hải quân Italia sẽ nhận 4 tàu.
4. Súng trường tấn công C7A1
Hãng Colt Canada là nơi chuyên sản xuất các loại vũ khí cỡ nhỏ dựa trên nguyên mẫu của khẩu M-16. Đây là một chi nhánh thuộc công ty sản xuất Colt (Mỹ).
Các nước thành viên NATO như Anh, Hà Lan, Đan Mạch và Canada đều sử dụng súng trường của Colt Canada.
C7A1 là biến thể của súng M16A3, nó có cùng độ dài nòng với khẩu M16A3 là 50,8 cm và có các chế độ bắn tự động, bán tự động.
C7A1 có thể bắn 750 đến 950 phát mỗi phút và có thể sử dụng băng đạn 30 viên tiêu chuẩn của NATO.
5. Súng máy FN MAG
Súng máy FN MAG do hãng sản xuất quốc gia Bỉ (FNB) phát triển và chế tạo từ đầu những năm 1950.
Hầu hết các quốc gia thành viên NATO như Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và cả Mỹ đều sử dụng loại súng này.
FN MAG nặng khoảng 11,8 kg, bắn đạn 7,62 mm, có thể bắn 650 đến 950 viên/phút và có thể nhanh chóng thay thế nòng mới khi nòng súng quá nóng.
Súng có thể bắn từ các tư thế nằm, đeo hông, dùng giá 3 chân hoặc lắp đặt trên trực thăng và xe bọc thép.
Dù đã ra đời được gần 70 năm nhưng FN MAG hiện vẫn được sản xuất và không hề có dấu hiệu lỗi thời, nó chỉ được cải tiến để giảm khối lượng.