Những vũ khí Đài Loan có thể khiến quân đội Trung Quốc suy yếu

Bảo An |

(Soha.vn) - Trong bài viết trên tạp chí National Interest (Mỹ), chuyên gia J. Michael Cole đã liệt kê một số loại vũ khí mà Đài Loan có thể khiến TQ lo ngại nếu xảy ra chiến tranh.

Dưới đây là nội dung bài viết trên tạp chí National Interest:

1. Máy bay không người lái vũ trang tầm xa

Lực lượng máy bay chiến đấu truyền thống của Đài Loan luôn bị đe dọa bởi các sân bay và nhà chứa máy bay của Đài Loan rất dễ bị tên lửa đạn đạo từ Quân đoàn pháo binh số 2 Trung Quốc tấn công. Diện tích nhỏ và khoảng cách gần của hòn đảo này so với Trung Quốc đã để lộ những hạn chế về vị trí đồn trú của các máy bay chiến đấu, khiến khả năng phân tán lực lượng trở thành một thách thức ghê gớm với Đài Loan.

Một giải pháp cho Đài Loan là mua hay phát triển các máy bay không người lái (UAV) có cánh cố định, được trang bị các tên lửa không đối đất và có tầm hoạt động đủ xa để xâm nhập sâu vào không phận Trung Quốc. Sử dụng các UAV với kích cỡ tương đối nhỏ như MQ-9 Reaper sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng phân tán lực lượng của Đài Loan (Các UAV có thể được triển khai tại các hòn đảo xa trung tâm, nơi các sân bay dễ bị tấn công hay trên tàu hải quân) và vì vậy đảm bảo sống sót trong một cuộc tấn công phủ đầu từ Trung Quốc.

Đài Loan phát triển UAV tấn công dựa trên mô hình của MQ-9 “Reaper”.

Máy bay không người lái MQ-9 “Reaper”.

Với kích cỡ nhỏ, linh hoạt và không dễ bị phát hiện, các UAV của Đài Loan đủ khả năng khai thác những điểm yếu hay “điểm mù” trong cấu trúc phòng không của Trung Quốc. Chúng có thể xâm nhập không phận Trung Quốc và thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm phá hủy các sân bay, trạm radar, trung tâm chỉ huy, căn cứ hải quân, căn cứ của Quân đoàn pháo binh số 2 và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác.

Được trang bị các tên lửa không đối đất như Vạn Kiếm (do Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Trung Sơn, Đài Loan, phát triển), UAV Đài Loan có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các sân bay của Không quân Trung Quốc và làm suy yếu khả năng của lực lượng này trong việc duy trì các hoạt động tác chiến đường không qua eo biển Đài Loan. Những loại vũ khí khác bao gồm tên lửa chống radar có thể vô hiệu hóa các hệ thống radar của Trung Quốc nhằm "dọn đường" cho các đợt ném bom được thực hiện bởi máy bay chiến đấu thông thường hay các UAV khác. Một lựa chọn khác nữa là sử dụng các UAV “tự sát”, giống như các UAV Harpy của Israel, để thực hiện các vụ tấn công làm tê liệt hệ thống radar của quân đội Trung Quốc.

Một chương trình UAV tấn công quy mô lớn chắc chắn sẽ có chi phí thấp hơn nhiều so với mua hay phát triển các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và vì vậy, cho phép đưa vào hoạt động nhanh chóng trong Không quân Đài Loan. Ngoài ra, thiệt hại khi sử dụng UAV tấn công vào Trung Quốc sẽ ở mức vừa phải cả về chi phí và tính mạng của các phi công chiến đấu.

2. Tiêm kích đa nhiệm cất/hạ cánh trên đường băng ngắn

Đài Loan không thể từ bỏ quyền kiểm soát không phận cho Không quân Trung Quốc, vì làm như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các hệ thống quan trọng dưới mặt đất, trong đó có các trực thăng tấn công AH-64E Apache. Hệ thống vũ khí này là mục tiêu dễ bị tổn thương nếu Đài Loan mất kiểm soát không phận.

Khả năng Trung Quốc tấn công các sân bay bằng tên lửa là một thách thức nghiêm trọng đối với các máy bay đòi hỏi đường băng dài của Đài Loan. Trong một viễn cảnh như vậy, nhiều ý kiến tranh luận đã phản đối Đài Loan mua các chiến đấu cơ F-16C/D từ Mỹ. Một giải pháp cho thách thức này là mua hoặc tự phát triển các máy bay chiến đấu cất/hạ cánh trên đường băng ngắn hay theo phương thẳng đứng. Điều này giúp giảm đe dọa từ Quân đoàn pháo binh số 2 của quân đội Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan.
Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan.

Thực tế, Đài Loan đã bày tỏ “quan tâm” muốn mua các tiêm kích F-35B từ Mỹ nhưng các lý do về chính trị và ngân sách khiến Washington chưa thể bán loại máy bay này cho Đài Loan. Mặc dù vậy, Đài Loan vẫn có những lựa chọn khác như mua tiêm kích đa nhiệm JAS 39 Gripen do tập đoàn SAAB của Thụy Điển sản xuất hoặc tự phát triển một loại máy bay tương tự.

Trong khi nhiều phi công Đài Loan được đào tạo tại Mỹ và có chất lượng vượt trội so với các phi công của Không quân Trung Quốc, khoảng cách này đang dần được thu hẹp khi Trung Quốc mua và phát triển các máy bay chiến đấu thế hệ 4++ và thế hệ 5, đồng thời có thể có kinh nghiệm chiến đấu thực tế trong tương lại không xa. Bằng cách đầu tư vào các máy bay chiến đấu hiện đại, Đài Loan sẽ làm suy yếu khả năng giành quyền kiểm soát không phận của Không quân Trung Quốc trên eo biển Đài Loan.

Bên cạnh khả năng chiếm ưu thế trên không, một tiêm kích đa nhiệm hiện đại với độ bộc lộ radar thấp và tầm tác chiến xa hơn chiến đấu cơ F-16A/B hiện tại sẽ là một cú hích giúp Không quân Đài Loan có thể tấn công lãnh thổ Trung Quốc như một phần trong chiến lược tấn công đa tầng, bao gồm chiến tranh điện tử, tên lửa hành trình và UAV tấn công tầm xa.

3. Tên lửa hành trình tấn công mặt đất tầm trung/xa

Đài Loan tiếp tục phát triển gia đình tên lửa hành trình Hsiung Feng (Hùng Phong) như HF-2E, giúp quân đội Đài Loan có thêm các lựa chọn chống hạm và tấn công mặt đất. Được phát triển bởi Viện nghiên cứu khoa học và công nghệ Trung Sơn (CSIST), chương trình tên lửa Hsiung Feng trong những năm gần đây nhận được một lượng lớn kinh phí từ ngân sách quốc phòng cho quá trình nghiên cứu, phát triển và sản xuất. Theo các báo cáo, CSIST có thể đang trong quá trình phát triển một loại tên lửa hành trình đất đối đất với tầm bắn khoảng 1.200km.

Tên lửa hành trình siêu thanh HF-3.

Tên lửa hành trình siêu thanh HF-3.

Việc phát triển tên hành trình tầm trung/xa sẽ bổ sung cho các tên lửa HF-2E (có tầm bắn khoảng 650 km) và giúp quân đội Đài Loan có thể tấn công các mục tiêu như hệ thống C4ISR (hệ thống chỉ huy, kiểm soát, máy tính, tình báo, trinh sát, giám sát và thông tin liên lạc), radar, các hệ thống phóng tên lửa Dong Feng-15, sân bay và các thành phố quan trọng khác nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc. Được trang bị các đầu đạn thông thường hay chống bức xạ, các tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hsiung Feng tầm mở rộng có thể khai thác các điểm yếu trong Quân đoàn pháo binh số 2 của Trung Quốc và vô hiệu quả khả năng đơn vị này thực hiện các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào Đài Loan. Sử dụng các nguồn tình báo tin cậy, Đài Loan cũng có thể đe dọa làm tê liệt khả năng tấn công hạt nhân của Trung Quốc bằng cách tấn công vào các trung tâm chỉ huy.

Bằng cách kết hợp các hệ thống phóng cố định và di động, Đài Loan có thể đảm bảo an toàn cho các bãi phóng để duy trì khả năng tấn công các mục tiêu trọng yếu trên lãnh thổ Trung Quốc.

Mặc dù Washington tuyên bố chỉ ủng hộ Đài Loan mở rộng tầm bắn của các vũ khí tấn công theo Chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), nhưng tình hình khu vực thay đổi bởi sự hiếu chiến của Trung Quốc và mong muốn biến Đài Loan thành một đối tác an ninh trong khu vực có thể thuyết phục chính phủ Mỹ hỗ trợ chương trình tên lửa của Đài Loan thông qua hợp tác và nới lỏng các quy định chuyển giao các công nghệ quan trọng.

4. Tàu ngầm diesel-điện

Kế hoạch mua các tàu ngầm diesel-điện để tăng cường cho Hải quân Đài Loan (hiện chỉ có 2 trong 4 tàu ngầm đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu) sẽ khiến Bắc Kinh đau đầu, bởi vì khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Trung Quốc vẫn hạn chế. Bất cứ phương tiện nào có khả năng tàng hình và có thể đe dọa các phương tiện của Hải quân Trung Quốc tại eo biển Đài Loan hay Tây Thái Bình Dương sẽ khiến Bắc Kinh bế tắc.

Một số kế hoạch đã được đưa ra cho chương trình tàu ngầm của Đài Loan. Hải quân Mỹ không có ý định đóng tàu ngầm diesel-điện, nhưng một số nước châu Âu vẫn tiếp tục phát triển loại tàu ngầm này và có thể cung cấp những kiến thức hữu ích giúp Đài Loan phát triển các tàu ngầm diesel-điện có lượng giãn nước trung bình.

Một tàu ngầm lớp Tench đang hoạt động trong Hải quân Đài Loan.
Một tàu ngầm lớp Tench đang hoạt động trong Hải quân Đài Loan.

Đài Loan có thể tìm kiếm sự hỗ trợ công nghệ từ phía Nhật Bản. Một lựa chọn khác cho Đài Loan là mua các tàu ngầm cũ của Nhật Bản, thường nghỉ hưu chỉ sau 18 năm hoạt động. Các nhà thầu quốc phòng Mỹ cho biết chính phủ Mỹ cũng ủng hộ lựa chọn này vì nó dễ dàng cho việc tích hợp thiết bị cảm biến và hệ thống vũ khí.

Các tàu ngầm được trang bị ngư lôi và có thể cả tên lửa hành trình (chẳng hạn như HF-3) sẽ là một bước tiến dài trong những nỗ lực ngăn chặn Hải quân Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan hay tấn công Đài Bắc từ Tây Thái Bình Dương. Các tàu ngầm mới cũng giúp bảo vệ các tuyến đường liên lạc, vận tải của Đài Loan.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả J. Michael Cole, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Trung Quốc - Đại học Nottingham, cựu chuyên gia phân tích tại Cục tình báo an ninh Canada.

Tên lửa Hùng Phong 2 Đài Loan

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại