Vào thời điểm trước khi chiến dịch Linebacker II được phát động, B-52 và các biến thể của nó được coi là loại pháo đài bay bất khả xâm phạm. Trần bay lớn, cùng việc sở hữu 4 cặp động cơ phản lực mạnh khiến chiếc phi cơ tải trọng hàng trăm tấn thoải mái chao lượn trên bầu trời mà không sợ bất kể loại vũ khí nào bắn hạ vào thời điểm bấy giờ.
Xác máy bay B-52 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Một phần nữa trong chiến dịch hoạt động của phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 là đội phi cơ phản lực hộ tống đông đảo, có chức năng gây nhiễu trên diện rộng, giúp những chiếc B-52 tránh khỏi tầm ngắm bắn của các hệ thống tên lửa phòng không đối phương. Được giới thiệu lần đầu năm 1955, B-52 Mỹ hoàn toàn làm chủ bầu trời.
Đoán trước được ý đồ ném bom miền Bắc của Đế quốc Mỹ, quân và dân Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng những loại vũ khí chiến lược, đủ sức biến phi đội B-52 Mỹ hoạt động trên bầu trời Việt Nam trở thành đống phế liệu.
Chiến đấu cơ phản lực MiG 17
Mikoyan-Gurevich MiG-17 là loại máy bay phản lực chiến đấu, có khả năng đạt đến vận tốc siêu cận âm, do Liên Xô cũ nghiên cứu, chế tạo và đưa vào hoạt động từ năm 1952. Trong suốt quá trình sản xuất và sử dụng, MiG 17 được cải tiến và nâng cấp nhiều lần, giúp nó đạt đến độ hoàn hảo của máy bay chiến đấu phản lực thời kỳ đầu.
Chiếc MiG-17 số hiệu 2047 của Không quân Việt Nam được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự.
Sở hữu tốc độ bay nhanh cùng thân hình nhỏ gọn và linh hoạt, tiêm kích MiG-17 được đưa vào biên chế trong các đơn vị không quân được giao nhiệm vụ bắn hạ các loại máy bay ném bom chiến lược của Mỹ. Sở hữu tốc độ Mach 0.93 (hơn 1.000km/h), MiG-17 dễ dàng giành phần thắng trong các cuộc đối đầu với máy bay tiêm kích-ném bom nặng nề, bay chậm của Mỹ.
Khi bắn đầu được đưa vào biên chế, MiG-17 được coi là khắc tinh của các loại máy bay ném bom chiến lược của Mỹ bao gồm B-36 hay thậm chí là B-50. Dù khi máy bay Mỹ nhận được cảnh báo từ xa sự xuất hiện của MiG-17, chúng cũng thể chạy trốn hay có phương án đáp trả hợp lý ngoài việc trút toàn bộ lượng bom đang mang trên mình để dễ dàng tẩu thoát.
Nhiều chiến đấu cơ phản lực tối tân của Mỹ bị MiG-17 Việt Nam bắn hạ.
Ra đời cùng thời điểm với MiG-17, pháo đài bay B-52 của Mỹ cũng chỉ có thể đạt được tới vận tốc hơn 1.000km/h, khiến nó trở thành một trong những mục tiêu có thể bị bắn hạ của MiG-17. Dù không thể đuổi theo B-52 nếu ở khoảng cách quá xa nhưng việc phát hiện hành trình di chuyển của pháo đài bay này có thể khiến nó bị MiG-17 tiêu diệt.
Theo thời gian, Mỹ đưa vào biên chế các loại máy bay ném bom chiến lược khác siêu âm như B-58 và FB-111 khiến MiG-17 trở nên lỗi thời nhưng vai trò của nó vẫn rất cao. Sở hữu 3 pháo ở phần mũi máy bay bao gồm 1 Nudelman N-37 cỡ nòng 37mm với cơ số đạn 40 viên cùng 2 pháo Nudelman-Rikhter NR-23 23mm cơ số đạn 80 viên/súng giúp nó làm phân tán hoặc tiêu diệt đội máy bay chiến thuật hộ tống máy bay ném bom chiến lược của Mỹ.
Chiến đấu cơ phản lực MiG-21
Máy bay MiG-21 số hiệu 4324 của Trung đoàn 921, sư đoàn không quân 371 do 9 phi công lần lượt điều khiển, bắn rơi 14 máy bay Mỹ từ tháng 1/1967 – 5/1969.
Mikoyan-Gurevich MiG-21 là tiêm kích phản lực được sử dụng rộng nhất, sản xuất nhiều nhất và có thời hạn sử dụng dài nhất trong lịch sử hàng không thế giới kể từ sau thế chiến thứ 2. Được giới thiệu năm 1959, những chiếc MiG-21 thực sự là bước đột phá về công nghệ khi vận tốc bay của loại phi cơ phản lực này lên tới Mach 2, nhanh gấp đôi vận tốc âm thanh.
Thừa hưởng những bước tiến dài về công nghệ dựa vào những đột phá của MiG-15, MiG-17 và MiG-19 biến MiG-21 thành máy bay tiêm kích đáng sợ nhất thời điểm đó. Dù thua kém về radar tầm xa, tên lửa và khả năng mang bom hạng nặng so với các chiến đấu cơ đa nhiệm Mỹ nhưng MiG-21 lại là kẻ chiếm được lợi thế không chiến nhờ khả năng bay linh hoạt.
Chiếc MiG-21 số hiệu 5121 từng lập nhiều chiến công trong Kháng chiến chống Mỹ.
Trên thực tế, tên tuổi MiG-21 chỉ nổi khắp toàn cầu trong Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Nhờ khả năng tác chiến bài bản dưới sự điều khiển của các phi công gan dạ, MiG-21 của không quân Việt Nam nhiều lần bắn rơi pháo đài bay B-52 và chiến đấu cơ cường kích F-105 Thunderchief.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kéo dài 12 ngày đêm trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, các phi công Việt Nam lần đầu điều khiển MiG-21 bắn hạ pháo đài bay B-52 của Mỹ. Tính đến thời điểm này, không quân Việt Nam là lực lượng duy nhất trên thế giới sử dụng tiêm kích phản lực bắn hạ pháo đài bay B-52 của Mỹ.
Tên lửa và bom gắn dưới thân MiG-21.
Theo các dữ liệu lịch sử công bố, trường hợp đầu tiên là phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng B-52 ngày 20/11/1971. Chiếc B-52 bị hư hỏng nặng, phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhom-Phanom, Thái Lan. Trường hợp thứ hai là do phi công Phạm Tuân lái chiếc MiG-21MF bắn rơi B-52 tại chỗ vào ngày 27/12/1972. Trường hợp thứ ba diễn ra ngay vào ngày hôm sau, 28/12/1972, được ghi nhận do phi công Vũ Xuân Thiều, sau khi đã bắn hết tên lửa, anh lao thẳng máy bay vào chiếc B-52.
Tổ hợp tên lửa SAM-2
Theo cách gọi của nhà sản xuất, tên chính thức của SAM-2 là Lavochkin OKB S-75 do Liên Xô nghiên cứu chế tạo. Đây là tổ hợp tên lửa đất đối không (SAM) tầm cao, được điều khiển bởi hệ thống radar. Kể từ khi được chế tạo năm 1957, SAM-2 nhanh chóng trở thành loại tên lửa phòng không được phổ dụng nhiều nhất trong lịch sử.
Bệ phóng và tên lửa của tổ hợp SAM-2 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Trên thực tế, SAM-2 nổi tiếng khắp toàn cầu khi nó bắn hạ một chiếc máy bay do thám U-2 của quân đội Mỹ xâm phạm không phận Liên Xô vào năm 1960. Tuy có nhiều ý kiến trái chiều về vụ bắn hạ chiếc do thám tầm cực cao U-2 nhưng rõ ràng, quả tên lửa SAM-2 hạ gục chiếc máy bay là điều hoàn toàn không thể chối cãi.
Có mặt tại Việt Nam năm 1965 sau hiệp định viện trợ quân sự với Liên Xô, SAM-2 trở thành phần không thể thiếu trong sách lược phòng không chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Được lắp đặt để bảo vệ những thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Hải Phòng và một số khu vực trọng yếu khác, SAM-2 lập lên hàng loạt chiến công vang dội trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không kéo dài 12 ngày đêm trên bầu trời miền Bắc, SAM-2 là thứ vũ khí vũ khí then chốt, bắn hạ hàng loạt pháo đài bay B-52. Tổng số, SAM-2 đã bắn hạ 43 máy bay ném bom chiến lược B-52 cùng hàng loạt các máy bay chiến đấu khác của quân đội Mỹ.
Radar cảnh báo sớm Spoon Rest tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.
Giống với MiG-21, Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới sử dụng loại tên lửa SAM-2 để tiêu diệt máy bay ném bom chiến lược được mệnh danh là bất khả xâm phạm B-52 của Mỹ. Chỉ tính riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, các tiểu đoàn tên lửa SAM-2 đã bắn rơi tổng số 27 máy bay B-52 , gây tổn thất nặng nề cho phía Mỹ, buộc Hoa Kỳ phải ngồi vào bàn đàm phán.
Ngoài tên lửa, tổ hợp SAM-2 còn bao gồm radar cảnh báo sớm Spoon Rest với tầm hoạt động khoảng 275km. Nó cung cấp thông tin về cho radar thu nhận Fan Song với phạm vi hoạt động đạt 65km. Kết hợp hàng loạt các thông tin do hệ thống radar thu thập được giúp trung tâm điều khiển chỉnh hướng để tên lửa hạ gục mục tiêu.
Radar 'Fan Song' tại Bảo tàng Chiến thắng B-52.
Nhằm tránh khả năng gây nhiễu của chiến đấu cơ Mỹ, tổ hợp SAM-2 liên tục được nâng cấp và cải tiến, nhằm hoàn thiện tối đa khả năng tiêu diệt mục tiêu. Sau khi được phóng đi, SAM-2 vẫn có thể thay đổi quỹ đạo bay để bám sát mục tiêu nhờ hệ thống điều khiển bằng sóng radio, dựa vào những thông tin được radar dưới mặt đất thu thập.
Tên lửa của SAM-2 có khả năng hoạt động trong phạm vi 45km, với trần bay tối đa đạt 25km. Để nâng cao tầm bắn của tên lửa SAM-2, nó được trang bị thêm động cơ phụ, cho phép tên lửa bay cao hơn. Tên lửa của SAM-2 cũng khá đặc biệt khi sử dụng song song cả nhiên liệu rắn và nhiên liệu lỏng.