Những “cụ ông” chưa được về hưu
Thông thường, các trạm radar cảnh giới nhìn vòng và dẫn đường của bộ đội Phòng không - Không quân Việt Nam được biên chế “cặp bài trùng” là P-18 băng sóng mét và P-35/37 băng sóng dm.
Do đây đều là đài cảnh giới 2 tham số (cự ly, phương vị) nên thường được bổ sung thêm đài đo cao PRV-11/16.
Hiện nay P-18 đã được nâng cấp hàng loạt với 2 dự án chính là: Dự án cải tiến radar theo chuẩn P-18M của hãng RETIA (Cộng hòa Séc) và Dự án cải tiến radar P-18 của Tập đoàn Viettel.
Như vậy, tương lai của P-18 đã được xác định và đảm bảo tiếp tục giữ vai trò xương sống của hệ thống tình báo trên không thêm một thời gian dài nữa.
Tuy nhiên, bạn đồng hành của P-18 là P-35/37 thì không may mắn như vậy, trong tương lai gần chúng sẽ buộc phải về hưu do:
- Quá cũ vì đã qua sử dụng nhiều năm, thậm chí nhiều đài vượt quá cả tuổi thọ thiết kế nên rất khó khăn trong công tác bảo đảm kỹ thuật: độ ổn định kém, thường xuyên hỏng hóc.
- Không đáp ứng được yêu cầu của chiến tranh hiện đại do ra đời từ cuối những năm 1950, cự ly phát hiện giảm và các tham số đo sai lệch quá lớn, dễ bị gây nhiễu, thời gian triển khai, thu hồi lâu.
Gần đây một số đài P-35/37 đã nghỉ hưu do được thay bởi các radar thế hệ mới như 36D6M1-2 hay ELM-2288ER. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều đài phải tiếp tục cống hiến mặc dù “thị lực” đã suy giảm ít nhiều.
Như vậy, nhu cầu thay thế radar P-35/37 với số lượng lớn là tất yếu. Vậy đâu là ứng viên thích hợp?
Đài radar cơ động kỹ thuật số 80K6M
Giống như 36D6M1-2, 80K6M cùng được phát triển và sản xuất bởi Tổ hợp ISKRA (Ukraine), là phiên bản radar cơ động băng sóng S với nhiều tính năng ưu việt như:
- Phát hiện, bám sát và cung cấp 3 tham số của các mục tiêu bay (phương vị, cự ly, độ cao) tới các sở chỉ huy phòng không - không quân cũng như các đơn vị hỏa lực.
- Phát xung điều chế kỹ thuật số điều pha cùng máy tính trung tâm mạnh, cho phép phát hiện chính xác tọa độ và xử lý cùng lúc nhiều mục tiêu.
- Được trang bị hệ thống máy hỏi nhận diện địch - ta.
- Xác địch được nguồn nhiễu tích cực (máy bay gây nhiễu chuyên nhiệm hoặc khí tài bay mang máy gây nhiễu) với 2 tham số góc tà và phương vị.
- Góc nhìn rộng, cho phép phát hiện được các mục tiêu bay quỹ đạo.
- Toàn bộ đài radar và trung tâm xử lý, điều khiển được đặt trên 1 khung gầm xe tải việt dã bánh lốp 8 x 8, cho phép cơ động trên mọi địa hình, triển khai tại các trận địa không cần chuẩn bị trước.
Theo Phó giám đốc ISKRA, tính năng kỹ chiến thuật của 80K6M tương đương các đài radar hàng đầu thế giới như AN/TPS-78 (Mỹ) và GM-400 (Pháp) nhưng trội hơn ở khả năng cơ động và nhất là giá thành do sử dụng rộng rãi các linh kiện sản xuất trong nước.
Radar 80K6M do ISKRA phát triển
Tính năng cơ bản của tổ hợp radar 80K6M
Băng sóng: S; Cự ly hoạt động (km): 400; Thời gian quét mỗi vòng (giây): 5 hoặc 10; Khả năng triệt nhiễu (dB): > 50.
Cự ly phát hiện mục tiêu dạng máy bay chiến đấu có diện tích phản xạ radar từ 3 - 5 m2 với xác suất phát hiện là 0,8 (km): Ở độ cao 100 m: 40; Ở độ cao 10.000 m: không dưới 200.
Sai số định vị tọa độ mục tiêu trong điều kiện không nhiễu: Cự ly (m): 100; Góc phương vị (phút góc): 20.
Thời gian triển khai (phút): 6; Dải nhiệt độ hoạt động (0C): -40 - +50; Số xe vận chuyển (xe): 1
Đài radar cơ động kỹ thuật số Vostock-3S
Cùng được thiết kế và sản xuất bởi Tổ hợp KBradar (Belarusia) như radar RV-01/02 mà Việt Nam đã được chuyển giao công nghệ.
Vostock-3S là thế hệ radar hoàn toàn mới được thiết kế để phát hiện các mục tiêu bay, cung cấp tham số (phương vị, cự ly và độ cao), có khả năng bám sát, phân loại và truyền tham số tự động tới các hệ thống chỉ huy tích hợp.
Vostock-3S có tính năng kỹ chiến thuật tương đương với các loại radar hiện đại nhất thế giới hiện nay như AN-FPS-117 (Mỹ), Protivnik-GE (Nga) hay 80K6M (Ukraine).
Thậm chí nó còn vượt trội hơn các loại radar kể trên ở khả năng cơ động, độ chính xác, khả năng kháng nhiễu nhờ sử dụng những giải pháp kỹ thuật và thiết kế tiên tiến nhất.
Cấu hình của Vostock-3S gồm có xe đài ăng ten, xe xử lý/ điều khiển có thể ghép nối từ xa và hệ thống máy phát điện cơ hữu
Vostock-3S có các đặc điểm vượt trội như: Cự ly phát hiện xa và độ chính xác cao, cơ động nhanh, kháng nhiễu tốt, xử lý tín hiệu số với các thuật toán hiện đại và tối ưu.
Ngoài ra, radar còn có chế độ hoàn toàn tự động, bao gồm phát hiện bám sát các loại mục tiêu bay và kiểm tra tính năng của tất cả các thiết bị.
Tính năng cơ bản của tổ hợp radar Vostock-3S
Băng sóng: S; Cự ly hoạt động (km): 360; Khả năng triệt nhiễu (dB): > 40.
Cự ly phát hiện mục tiêu bay ở độ cao 10.000 m với xác suất phát hiện là 0,5 trong điều kiện không nhiễu (km): máy bay ném bom chiến lược B-52: 360; máy bay chiến đấu: 310.
Cự ly phát hiện mục tiêu bay ở độ cao 10.000 m với xác suất phát hiện là 0,5 trong điều kiện cường độ nhiễu chặn tích cực ở mức 200 W/MHz (km): máy bay ném bom chiến lược B-52: 220; máy bay chiến đấu: 150.
Sai số định vị tọa độ mục tiêu: Cự ly (m): 200; Góc phương vị (độ): 1,8; Góc tà (độ): 1,2; Thời gian triển khai (phút): 8.
Khả năng xử lý tình báo (Số lượng mục tiêu được xử lý trong một vòng quét 10 giây): tới 250 (bám sát tự động); Kiểu mục tiêu nhận dạng (loại): 5.
Thời gian giữa 2 lần phát sinh sự cố (giờ): 900; Vòng đời sử dụng: Không dưới 25 năm (hoặc 32.000 giờ).
Đánh giá chung
Cả 2 loại radar trên đều đáp ứng được các tiêu chí như tầm quét xa, kháng nhiễu tốt, cơ động nhanh và nhất là giá cả hợp lý.
Về tính năng cơ bản thì 80K6M nhỉnh hơn một chút so với Vostock-3S. Tuy nhiên, đài radar có xuất xứ từ Belarusia lợi thế hơn nhờ khả năng chuyển giao sâu giống như tổ hợp radar băng sóng mét RV-02.
Điều này giúp giảm giá thành và đáp ứng yêu cầu về làm chủ công nghệ sản xuất của Việt Nam.
Do vậy, trong tương lai, bên cạnh các loại radar hiện đại như 36D6M1-2 và ELM-2288ER đã có trong biên chế, Việt Nam hoàn toàn có thể cân nhắc lựa chọn thêm từ các ứng viên kể trên.