Phần 1: Những tàu ngầm tồi tệ nhất mọi thời đại
Tàu ngầm K- class
Khi những chiếc tàu ngầm mới xuất hiện, các lực lượng hải quân thường có thói quen triển khai chúng như là sự bổ trợ cho các hạm đội tàu chiến trên mặt nước và tàu ngầm lớp K của Hải quân Hoàng gia Anh cũng không là ngoại lệ. Tàu ngầm lớp K được thiết kế vào năm 1913, được Hải quân Hoàng gia Anh sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Dự tính ban đầu chế tạo những tàu ngầm này là để nó tuần tra trước hạm đội mặt nước, bảo vệ hạm đội tránh bị tàu chiến, ngư lôi đối phương tấn công, hoặc đưa vào chiến đấu trước để quấy rối tàu địch.
Tuy nhiên, đây lại là một trường hợp thất bại điển hình trong chiến thuật trên. Đã là đi cùng hạm đội chủ lực và tham chiến trước thì phải có tốc độ nhanh hơn hạm đội chủ lực. Nghĩa là cần phải cơ động với tốc độ khoảng 40km/giờ trên mặt nước. Động cơ dầu diesel sẽ không cho phép tàu này có tốc độ nhanh như vậy, vì thế cần sử dụng động cơ hơi nước. Nhưng, trang bị động cơ hơi nước cho tàu ngầm lớp K là một ý tưởng tồi. Bởi vì, bất kỳ một kỹ sư hàng hải nào cũng đều biết động cơ hơi nước sẽ hút không khí và tạo ra một lượng nhiệt khổng lồ cùng với lượng khí thải lớn, dẫn đến việc ống xả khói phá hoại kết cấu chịu áp của tàu. Kết quả là, tàu ngầm lớp K khi hoạt động bị rò rỉ, cuối cùng bị chìm. 18 tàu ngầm lớp K không có chiếc nào tổn thất vì bị đối phương tấn công, nhưng lại có 6 chiếc thiệt hại vì sự cố.
Tàu ngầm K-219
Tàu ngầm K-219 lớp Yankee của Liên Xô đã phát nổ và bốc cháy trong khi tuần tra ở khu vực cách Bermuda- một lãnh thổ hải ngoại của Anh nằm trong bắc Đại Tây Dương hay còn gọi là Tam Giác Quỷ - hơn 1.000km về phía đông. Nguyên nhân chiếc tàu này xếp thứ 2 trong danh sách 5 chiếc tàu ngầm tồi tệ nhất mọi thời đại là ở chỗ, vụ tai nạn của một chiếc tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo đã gây ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của Hải quân Liên Xô. Ngoài ra, tai nạn này vốn có thể tránh được. Trách nhiệm thuộc về sự chậm chạp và khó hiểu của lãnh đạo cấp cao Liên Xô lúc bấy giờ.
Các chuyên gia Igor Kurdin và Wayne Grasdock đã giải thích nguyên nhân của vụ việc này như sau: Trước hết, giới lãnh đạo Liên Xô đã giao thêm nhiệm vụ tuần tra cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân trên nhằm sẵn sàng đáp trả sau khi Mỹ triển khai tên lửa Pershing II và một số tên lửa hành trình ở châu Âu. Nhiệm vụ này khiến nó trở nên "lúng túng" vì việc huấn luyện và tuần tra răn đe của tàu ngầm này đã tăng lên 2 -3 lần/năm so với tần suất bình thường trước đó. Thứ hai, vấn đề an toàn không được Hải quân Liên Xô thực sự coi trọng như Hải quân Mỹ. Theo hai nhà bình luận trên, vụ tai nạn có thể không xảy ra "nếu có thêm một thủy thủ nữa kiểm tra lại ống phóng tên lửa số 6".
Lực lượng tàu ngầm Hải quân Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới Thứ II
Có vẻ như là không công bằng khi xếp lực lượng tàu ngầm của Đế quốc Nhật ở vị trí số 1 trong danh sách này. Nhưng trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II, Hải quân Nhật Bản thể hiện năng lực rất bình thường trong các cuộc đối đầu với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ. Sự thể hiện không tốt này không phải là do Hải quân Nhật Bản thiếu những chiếc tàu ngầm có tính năng cao hoặc thủy thủ thành thạo kỹ thuật và ý chí kiên định, mà là do thiếu linh hoạt và kỹ năng chỉ huy tác chiến của sĩ quan chỉ huy cấp cao.
Như đã nói ở trên, vào thời điểm này, những chiếc tàu ngầm chỉ thực hiện nhiệm vụ bổ trợ cho các tàu chiến trên mặt nước. Ngoài việc để tàu ngầm cung cấp hỗ trợ cho tàu chiến mặt nước, lực lượng hải quân Nhật Bản lúc bấy giờ không biết phát huy những tính năng khác của nó. Kết quả, một lực lượng tàu ngầm mạnh chẳng có ý nghĩa đối với cuộc chiến là bao trong khi lại lãng phí nguồn lực to lớn.
Mặc dù Hải quân đế quốc Nhật Bản khá mạnh và các tàu ngầm của họ cũng có thể sánh ngang với tàu ngầm lớp Gato của Mỹ vào thời điểm đó, nhưng với tính bảo thủ của chỉ huy cấp cao: chỉ tập trung vào các tàu chiến nổi với khẩu pháo cỡ lớn, Hải quân Mỹ lúc bấy giờ đã may mắn khi đụng độ với các các tàu ngầm tổi tệ nhất trong lịch sử ở mặt trận Thái Bình Dương.