Những sự thật vũ khí: Mỹ vẫn nhất, F-35 đắt hàng

Bảo Tiến |

Trung Quốc tăng gấp đôi xuất khẩu vũ khí song vẫn thua xa Mỹ và Nga, đồng thời tiếp tục phụ thuộc vào Nga về các loại vũ khí chiến lược.

Vượt Pháp và Đức

Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) ngày 22/2 cho biết Trung Quốc đã tăng gấp đôi lượng vũ khí xuất khẩu trong vòng 5 năm qua.

Trung Quốc đã vượt qua Pháp và Đức để trở thành nước xuất khẩu vũ khí nhiều thứ ba trên thế giới, với tốc độ tăng 88% từ năm 2011 - 2015 so với 5 năm trước đó.

Các khách hàng chủ yếu mua vũ khí Trung Quốc là những nước châu Á và châu Đại Dương, trong đó Pakistan chiếm 35%, tiếp sau là Bangladesh và Myanmar.


Máy bay chiến đấu JH-7A cùng các loại tên lửa được Trung Quốc trưng bày tại Triển Lãm Chu Hải 2014

Máy bay chiến đấu JH-7A cùng các loại tên lửa được Trung Quốc trưng bày tại Triển Lãm Chu Hải 2014

Tuy nhiên, vũ khí xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 5,9% kim ngạch buôn bán vũ khí toàn cầu, kém xa Nga và Mỹ.

Theo SIPRI, lượng vũ khí nhập khẩu của Trung Quốc trong giai đoạn 2011 - 2015 giảm 25% so với thời kỳ 5 năm trước dù còn những điểm yếu ở một số lĩnh vực chủ chốt.

Những năm qua, Bắc Kinh đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước nhằm hỗ trợ các tham vọng hàng hải ngày càng gia tăng của nước này tại Biển Đông và Ấn Độ Dương.

Bất chấp mọi nỗ lực, Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu nhiều loại vũ khí, bao gồm máy bay vận tải nặng, máy bay trực thăng, động cơ máy bay và nhiều mẫu khác.

Điển hình là việc Trung Quốc vẫn phải nhập các hệ thống phòng không tiến tiến S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.

Mỹ vẫn dẫn đầu

Trong khi đó, Mỹ đang ngày càng chiếm vai trò chi phối trên thị trường vũ khí thế giới trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu vũ khí của các khách hàng châu Á, Trung Đông và châu Phi ngày một lớn. Mỹ đã bán hoặc viện trợ vũ khí tới 96 nước trên thế giới.

Theo SIPRI, số lượng các vụ chuyển giao vũ khí lớn, bao gồm cả hoạt động mua bán và viện trợ, đã tăng 14% trong giai đoạn 2011 - 2015 so với 5 năm trước đó, trong đó Mỹ và Nga tiếp tục là những nhà xuất khẩu nhiều nhất (tăng lần lượt 27% và 28%).


Phi đội tiêm kích F-16 của UAE

Phi đội tiêm kích F-16 của UAE

Các nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất là Ấn Độ, Saudi Arabia, Trung Quốc và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE).

Chuyên gia của SIPRI cho rằng các cuộc xung đột trong khu vực và căng thẳng giữa các quốc gia là nguyên nhân dẫn tới việc Mỹ tiếp tục là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới.

Mỹ xuất khẩu vũ khí nhiều nhất cho các khách hàng châu Á trong 5 năm qua, trong đó 41% là xuất cho Saudi Arabia và các nước Trung Đông.

Ngoài ra, ngành công nghiệp vũ khí nước này hiện vẫn còn một số lượng lớn đơn đặt hàng, trong đó có hơn 600 máy bay tiêm kích đa năng F-35.


F-35 dù gặp nhiều trục trặc song vẫn đắt hàng

F-35 dù gặp nhiều trục trặc song vẫn đắt hàng

Nga tiếp tục là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới và Ấn Độ tiếp tục là khách hàng mua vũ khí hàng đầu của Nga.

Theo SIPRI, hiện Ấn Độ vẫn là nước nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới, chiếm 14% tổng khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trên toàn cầu, cao gấp đôi Saudi Arabia (nước chiếm vị trí thứ hai) và gấp ba lần Trung Quốc.

Trong khi khối lượng vũ khí nhập khẩu vào châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và khu vực Trung Đông liên tục tăng từ giai đoạn 2006-2010 đến 2011 - 2015, châu Âu lại giảm mạnh nhập khẩu vũ khí.

Trung Quốc mạnh tay chi tiền

Liên quan chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, nước này có thể sẽ công bố tăng chi tiêu quốc phòng lớn vào tháng 3 tới, vốn tăng tới hơn 10% trong năm 2015.

Theo hãng tin Reuters, việc tăng 30% chi tiêu quốc phòng năm 2016 đã được giới quân sự đề xuất, mặc dù con số thực tế không thể cao đến vậy.

Thông tin về việc tăng ngân sách quốc phòng được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh cải cách quân đội, đặc biệt là kế hoạch cắt giảm tới 300.000 quân.

Động thái này được cho là có thể gây tâm lý bất mãn trong quân đội Trung Quốc do lo ngại mất việc làm.

Binh sĩ Trung Quốc tham gia duyệt binh hồi tháng 9/2015 tại Bắc Kinh
Binh sĩ Trung Quốc tham gia duyệt binh hồi tháng 9/2015 tại Bắc Kinh

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2016 là 886,9 tỷ Nhân dân tệ (136,4 tỷ USD), chỉ bằng 1/4 ngân sách quốc phòng của Mỹ.

Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc đang hiện đại hóa nhanh chóng sau gần hai thập kỷ liên tục gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức hai con số.

Giới chuyên gia Trung Quốc cũng mở đường dư luận khi dựa báo chắc chắn sẽ có một đợt tăng ngân sách quốc phòng lớn nữa để tiến hành các cuộc tập trận quân sự, cải cách, thúc đẩy sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc thậm chí còn viện dẫn cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Mỹ hồi tháng trước để khẳng định Bắc Kinh cần phải duy trì mức tăng chi tiêu quốc phòng lớn bất chấp xu hướng đi xuống của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tờ báo cho rằng Trung Quốc cần phải đẩy nhanh tốc độ phát triển các vũ khí tấn công chiến lược, bao gồm cả vũ khí hạt nhân đáp trả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại