Những sát thủ diệt tăng của phương Tây

ĐTN |

Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của trực thăng tấn công được cho là không thể thay thế.

Lịch sử phát triển một số dòng trực thăng quân sự của phương Tây

Khái niệm về việc dùng máy bay bay chậm diệt tăng

Trong chiến tranh thế giới thứ 2, điển hình là chiến dịch Overlord, một số máy bay cánh bằng trinh sát pháo binh như Piper J-3 Cub hay L-4 Grasshopper đã được gắn thêm 2 hoặc 4 ống Bazooka dưới cánh để tấn công đoàn xe bọc thép của quân Đức.

Piper J-3 Cub với 4 ống Bazooka

Đặc biệt vào ngày 20/11/1944, trong trận Arracourt, thiếu tá Charles Carpenter thuộc quân đội Mỹ đã gắn 6 ống Bazooka dưới cánh chiếc L-4 có tên “Rosie the Rocketeer” và loại khỏi vòng chiến 4 xe bọc thép của Đức.

Thiếu tá Charles Carpenter đang lắp đạn cho 6 khẩu Bazooka trên chiếc “Rosie the Rocketeer” của ông

Dùng máy bay bay chậm diệt tăng đã trở thành ý tưởng tiên phong cho việc thiết kế trực thăng tấn công sau này.

Lịch sử phát triển

Những năm đầu thập niên 1950, khi trực thăng dần hoàn thiện, đã có khá nhiều nước trên thế giới bắt tay vào nghiên cứu chế tạo nhưng đa số trực thăng chỉ làm nhiệm vụ vận tải, trinh sát, sơ tán cứu thương.

Sau đó, quân đội Mỹ muốn một trực thăng có khả năng vũ trang, hỗ trợ bộ binh đổ bộ từ trên không, vì vậy họ đã thử nghiệm một số loại trực thăng mang thêm súng máy và rocket như Bell-47, OH-13, Sikorsky S-51 H-19 và Piasecki H-21.

Sikorsky H-19 trang bị 2 bộ lắp ráp vũ khí: hình trái là bộ vũ khí “R” với 32 rocket 1,5 inch NAKA và 2 súng máy 7,62mm AN-N2; hình phải là bộ vũ khí “S” với 12 giàn phóng rocket 2,75 inch FFAR (Folding Fin Aerial Rocket) và 2 súng máy 7,62mm AN-N2

Năm 1954, Pháp đã dùng một chiếc trực thăng Sud-Ouest SO.1221 Djinn thử nghiệm bắn tên lửa chống tăng Nord SS.10, đây là chiếc trực thăng bắn được tên lửa có điều khiển đầu tiên trên thế giới.

Sud-Ouest SO.1221 Djinn thử nghiệm bắn tên lửa chống tăng Nord SS.10

Đầu những năm 1960, Pháp đã trang bị súng máy, rocket cho trực thăng Piasecki H-21 tham gia chiến trường Algeria. Nhưng Mỹ mới là nước đã “cách mạng hóa” việc phát triển vũ khí hỗ trợ hỏa lực cho lực lượng đổ bộ từ trực thăng vận tải.

Với sự ra đời của động cơ turbine phản lực, trực thăng có thể bay nhanh hơn và mang nặng hơn. Chiếc Bell 204 Huey (hay còn gọi là UH-1 Iroquois/ Huey) được Mỹ “vũ trang hạng nặng” bằng các loại súng máy, rocket, thậm chí là bom.

Một chiếc UH-1D “Huey Gunship” sử dụng trong chiến tranh Việt Nam với trang bị gồm 14 ống phóng rocket (7 ống mỗi bên), 2 khẩu minigun 7,62mm và 4 khẩu M60 7,62mm.

Tuy nhiên, quân đội Mỹ lại muốn có một trực thăng hỗ trợ hoả lực kiểu mới, với khả năng tấn công tất cả các loại mục tiêu dưới mặt đất như xe tăng, xe bọc thép, lô cốt, bộ binh… thậm chí cả mục tiêu trên không.

Loại trực thăng này phải nhanh nhẹn, được trang bị tốt và khả năng sống sót trên chiến trường cao. Vì thế năm 1964, Mỹ cho ra đời chương trình AFSS (Advanced Fire Support System/ Hệ thống Hỗ trợ Hỏa lực Tiên tiến) với sự tham gia của 3 công ty.

Đó là Bell Helicopter với Bell D-262, Sikorsky với Sikorsky S-66 và Lockheed với CL-840. Cuối cùng, Lockheed là công ty thắng cuộc và CL-840 được đổi tên thành AH-56 Cheyenne.

Lockheed AH-56 Cheyenne

Trong khi AH-56 Cheyenne đang phát triển sau khi thắng cuộc trong chương trình AFSS thì chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn leo thang, vì vậy Mỹ muốn có một chiếc trực thăng hỗ trợ hỏa lực tạm thời phục vụ chiến trường.

Bell Helicopter đã cho ra đời một loại trực thăng hỗ trợ hỏa lực mới và cũng là trực thăng tấn công đầu tiên trên thế giới, Bell 209 Cobra (sau này là AH-1 Cobra).

Bay nhanh, khả năng sống sót cao trên chiến trường, nhỏ gọn, mang nhiều vũ khí nhằm hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh gồm 2 khẩu súng máy nòng xoay 7,62 mm, 4 giàn phóng rocket 70 mm Hydra. Sau này được trang bị thêm 8 tên lửa chống tăng có điều khiển BGM-71 TOW để diệt tăng, công sự.

Quân đội Mỹ đã lựa chọn hẳn AH-1 Cobra làm trực thăng hỗ trợ hỏa lực và hủy dự án AH-56 Cheyenne vì có quá nhiều lỗi phát sinh và chi phí phát triển bị tăng cao.

AH-1G trong chiến tranh Việt Nam

Sau AH-1 Cobra và dự án chết yểu AH-56 Cheyenne, quân đội Mỹ muốn một loại trực thăng mạnh hơn AH-1 về khả năng mang vũ khí và tầm hoạt động, đủ khả năng đánh bại các trung đoàn tăng-thiết giáp của Liên Xô.

Vì vậy, năm 1972, Mỹ đã ra chương trình AAH (Advanced Attack Helicopter) với 2 công ty đấu thầu chính là Hughes với mẫu YAH-64 và Bell Helicopter với mẫu YAH-63.

Nguyên mẫu đầu tiên của YAH-64

Bell Helicopter đã bị Hughes hạ bệ và chiếc YAH-64 giành được chiến thắng, sau này đổi tên thành AH-64 Apache, một trong những trực thăng tấn công nổi tiếng nhất thế giới hiện nay.

Trực thăng tấn công AH-64D Apache Longbow

Từ những năm 1980, các nước phương Tây khác cũng bắt đầu nghiên cứu và chế tạo trực thăng tấn công. Hãng Agusta của Ý đã cho ra mắt chiếc A.129 Mangusta; Pháp, Đức, Tây Ban Nha hợp tác chế tạo Eurocopter Tiger, Nam Phi thì cho ra đời AH-2 Rooivalk.

A.129 Mangusta của Ý
AH-2 Rooivalk của Nam Phi

Vai trò của trực thăng tấn công trong chiến tranh hiện đại

Ngày nay, trong các cuộc đụng độ quân sự, trực thăng tấn công đóng vai trò như người lính tiên phong, tiêu diệt các đoàn xe tăng, xe bọc thép, các trạm radar, hệ thống tên lửa phòng không, hỗ trợ cận chiến cho bộ binh…

Điển hình như Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, các trực thăng AH-64 Apache của Mỹ đã tiêu diệt nhiều xe tăng T-72 và xe bọc thép của Iraq, cũng như các trạm radar, trận địa tên lửa phòng không.

Cuộc chiến ở Lybia năm 2011, trực thăng Tiger của Pháp cũng nhiều lần tiêu diệt pháo, xe tăng, xe quân sự của lực lượng của Gaddafi…

Trong chiến tranh hiện đại, vai trò của trực thăng tấn công được cho là không thể thay thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại