Những "Quái vật biển Caspian" đáng sợ nhất của Hải quân Liên Xô

Hải Dương |

Ekranoplan là một loại phương tiện kết hợp độc đáo giữa tàu thủy và máy bay, với việc sử dụng hiệu ứng lướt gần mặt đất để di chuyển.

Hiệu ứng lướt gần mặt đất xuất hiện mạnh nhất khi máy bay hạ cánh, nó được các phi công mô tả là "Máy bay giống như từ chối hạ cánh trên đường băng".

Đã có khá nhiều mẫu Ekranoplan được nghiên cứu để đưa vào sử dụng trong cả mục đích quân sự lẫn dân sự, tuy nhiên các loại Ekranoplan lớn và nổi tiếng nhất đều do Liên Xô chế tạo, chúng được phương Tây gọi bằng biệt danh "Quái vật biển Caspian".

Dưới đây là hai con "Quái vật biển Caspian" đáng sợ nhất của Hải quân Liên Xô.

Ekranoplan vận tải lớp KM

Ekranoplan lớp KM
Ekranoplan lớp KM

Ekranoplan lớp KM được thiết kế trong giai đoạn 1964 - 1965 bởi công trình sư Rostislav Evgenievich Alexeyev và kỹ sư trưởng là ông V. Efimov.

Phương Tây biết đến loại phương tiện đặc biệt này thông qua những tấm ảnh do vệ tinh gián điệp của Mỹ thu được. Các bức ảnh cho thấy một chiếc máy bay lạ sơn chữ KM trên thân, do có hình dáng kỳ lạ, CIA đã gọi nó là "Quái vật biển Caspian".

Thực chất chữ KM trên là viết tắt của cụm từ "Korabl Maket", trong tiếng Nga có nghĩa là "Nguyên mẫu tàu thử nghiệm".

Chiếc Ekranoplan này có chiều dài 92 m; sải cánh 37,6 m; chiều cao 21,8 m; trọng lượng rỗng 240.000 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 544.000 kg. Cho đến khi An-225 ra đời, đây có thể coi là chiếc máy bay lớn nhất thế giới mặc dù nó chỉ bay cách mặt biển 5 - 10 m.

Với 10 động cơ phản lực Dobrynin VD-7 công suất 127,53 kN mỗi chiếc, Ekranoplan lớp KM có thể di chuyển với vận tốc tối đa 500 km/h (lý thuyết là 650 km/h), tốc độ hành trình 430 km/h, tầm bay 1.500 km, độ cao hoạt động 4 - 14 m (tối thiểu 1,2 m).

KM thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1966 tại biển Caspian, gần Kaspiysk (Dagestan) và được thử nghiệm cho tới năm 1980 với vai trò như một phương tiện vận chuyển đặc biệt của quân đội cũng như lực lượng cứu hộ.

Do giống với một tàu đệm khí hơn là máy bay nên KM đã được biên chế cho hải quân, nhưng phi công thử nghiệm nó lại là người của không quân.

Thiết kế khác lạ của KM gây ra rất nhiều khó khăn cho việc điều khiển, thậm chí điều không may đã xảy ra với nó ngay trước chuyến bay đầu tiên, khi một chai champagne đã đập vào làm vỡ mũi chiếc Ekranoplan này.

Vào năm 1980, do sai sót của phi công điều khiển mà KM đã phải tai nạn nghiêm trọng và bị chìm, do trọng lượng quá nặng, nó không thể được trục vớt lên.

Ekranoplan vũ trang lớp Lun

Ekranoplan lớp Lun
Ekranoplan lớp Lun

Ekranoplan lớp Lun (NATO gọi bằng biệt danh Duck) cũng do Rostislav Evgenievich Alexeyev thiết kế và được sử dụng trong Hải quân Liên Xô cũng như Hải quân Nga từ năm 1987 cho tới cuối thập niên 1990. Chữ "Lun" trong tiếng Nga tương đương với "Harrier" trong tiếng Anh.

So với KM thì Lun có kích thước nhỏ hơn với chiều dài 73,8 m; sải cánh 44 m; chiều cao 19,2 m; mớn nước 2,5 m; trọng lượng rỗng 286.000 kg; trọng lượng cất cánh tối đa 380.000 kg; phi hành đoàn 15 người trong đó có 6 sĩ quan.

Nhờ 8 động cơ phản lực cánh quạt Kuznetsov NK-87 công suất 127,4 kN mỗi chiếc, con quái vật này di chuyển được ở tốc độ tối đa 550 km/h, vận tốc hành trình 450 km/h, tầm hoạt động 2.000 km.

Ekranoplan lớp Lun có thể bay lên tới độ cao 7.500 m như một thủy phi cơ đúng nghĩa, mặc dù hầu như nó chỉ di chuyển cách mặt nước 5 m nhờ hiệu ứng bề mặt.

Được thiết kế cho nhiệm vụ chống tàu mặt nước, Lun mang theo 6 tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-270 Moskit gắn thành 3 cặp trên lưng với hệ thống theo dõi và dẫn đường tiên tiến bố trí ở lưng và mũi. Vũ khí phụ gồm 2 pháo PI-23 cỡ 23 mm nòng đôi với 2.400 viên đạn.

Tương tự như KM, chỉ có duy nhất một nguyên mẫu Lun được hoàn thành, nó phục vụ trong thành phần Hạm đội Biển Đen cho tới lúc nghỉ hưu và hiện đang nằm tại trạm hải quân ở Kaspiysk.

Ngoài ra, một phiên bản khác của Lun cũng được chế tạo để đảm nhiệm chức năng bệnh viện dã chiến, có thể triển khai nhanh chóng đến bất kỳ đại dương hay bờ biển nào. Chiếc Ekranoplan này có tên gọi Spasatel.

Nhưng rất tiếc do gặp phải những khó khăn về kinh tế mà dự án chế tạo Spasatel đã bị chấm dứt khi 90% khối lượng công việc đã hoàn thành.

Trong năm 2014, Nga đã thảo luận về tính khả thi của việc khôi phục chương trình WIG (thủy phi cơ lai tàu đệm khí) cũng như triển vọng của việc sử dụng loại phương tiện này trong tương lai, điều đó làm xuất hiện dự đoán rằng những con "Quái vật biển Caspian" có thể sẽ sớm được hồi sinh.

Những "Quái vật biển Caspian" đáng sợ nhất của Hải quân Liên Xô

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại