Đúng 11 giờ trưa 30 Tết Giáp Ngọ (30/1/2014), một chiếc trực thăng Mi-171 sơn vàng xanh hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM.
Trên máy bay chở một bệnh nhân đặc biệt: trung úy hải quân Nguyễn Mạnh Trường, công tác tại Vùng 5 Hải quân đóng quân tại đảo Phú Quốc, bị chảy máu não khi đang làm nhiệm vụ.
Dù ngày Tết, trên sân bay có mặt đông đủ sĩ quan chỉ huy Sư đoàn Không quân 370, Trung đoàn Không quân 917, Bệnh viện Quân y 175 và dĩ nhiên cả những người lính kỹ thuật thuộc Tiểu đoàn đảm bảo kỹ thuật.
Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Sơn, phân đội trưởng ngành máy bay, động cơ, cho biết, quy trình đảm bảo trực thăng cất cánh rất nghiêm ngặt, bao gồm chuẩn bị trước ngày bay, trước khi bay, giữa hai chuyến bay và sau khi bay.
Trước ngày bay, những người lính kỹ thuật (lính thợ) các chuyên ngành máy bay động cơ, thiết bị hàng không, vô tuyến điện tử phải cùng nhau tổng kiểm tra toàn bộ máy bay.
Nếu là chuyến bay bắn ném đạn thật thì có sự tham gia của chuyên ngành vũ khí hàng không.
Máy bay được mở ra, nổ máy, bật thiết bị, kiểm tra động cơ, dầu nhớt, hệ thống thông tin, điện tử… Sau đó bàn giao cho tổ bay để phi công tự mình quay máy kiểm tra.
Phi công kiểm tra xong, ngay cả trong trường hợp mọi việc đều ổn, những người lính thợ vẫn phải kiểm tra lần cuối, rồi đóng nắp công tắc, kẹp chì niêm phong những thiết bị quan trọng, chằng néo máy bay, phủ bạt, chèn bánh…Quy trình cứ lặp lại như vậy trong những chuyến bay sau đó.
Trung tá Nguyễn Thanh Lục, Chính trị viên Tiểu đoàn, cho biết: “Chuẩn bị cho mỗi chuyến bay của phi công, những người lính kỹ thuật phải có mặt sớm nhất.
Không quân thường bay sớm, khoảng 5 giờ phi công đã phải có mặt tại sân bay để thực hiện các chuyến bay vào lúc bình minh, thì anh em có mặt lúc trời còn tối đất.
Sau khi phi công xong nhiệm vụ là lúc người lính kỹ thuật làm việc, nên họ cũng là người về sau cùng”. Đầu tiên là thợ máy, rồi đến các chuyên ngành khác…
Xử lý những ca khó
Trực thăng Mi-171 bay cấp cứu bệnh nhân - trung úy hải quân Nguyễn Mạnh Trường đúng trưa 30 Tết
Với những chuyến bay biển xa, như bay từ đất liền ra đảo Trường Sa, Song Tử Tây…, ngoài tổ bay, luôn phải có một người lính thợ dày dạn kinh nghiệm đi cùng để xử lý những tình huống bất ngờ, khắc phục sự cố.
Một trong những người lính lập kỷ lục bay biển xa nhiều nhất Tiểu đoàn là thượng tá, quân nhân chuyên nghiệp Trần Việt Đức, trợ lý thiết bị hàng không.
Anh đã bay ra quần đảo Trường Sa 11 lần, đặt chân hầu hết các đảo lớn nhỏ: Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sinh Tồn, các nhà giàn DK. Anh chia sẻ với phóng viên Tiền Phong:
“Được tin tưởng giao nhiệm vụ đi với các đoàn công tác đặc biệt là vinh dự lớn, nhưng cũng rất lo. Từ lúc bước lên máy bay, lúc nào tôi cũng canh cánh máy bay không nổ máy được”.
Có lần trực thăng chở đoàn công tác ra Trường Sa. Xong việc, trở về thì phi công không nổ máy được, đành phải mời mọi người xuống nghỉ tạm để thợ máy làm việc.
Xa căn cứ, thiếu sự hỗ trợ của đồng đội, người lính thợ chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm nghề nghiệp mà phán đoán, tháo lắp, sửa chữa.
Sau khi mở máy, tham khảo hồ sơ, giáo trình, anh đoán trục trặc ở hệ thống điểm lửa. Tự mình hì hục tháo lắp, đo chỉnh, thay mới rồi đề nghị phi công nổ máy… Khi tiếng động cơ trực thăng có sức nâng hàng tấn rền vang chói tai, anh mới thở phào.
Thời gian sửa chữa mất khoảng 20 phút, cả đoàn lên đường trở về đất liền. Dĩ nhiên, không phải sự cố nào cũng xử lý nhanh chóng.
“Máy bay cũng khó tránh khỏi những hỏng hóc, sự cố. Nếu gặp sự cố trong đất liền thì dù ở bất cứ đâu chúng tôi cũng phải chạy xe ra xử lý, khắc phục ngay để tổ bay tiếp tục làm nhiệm vụ”, trung tá Đào Văn Bình, Tiểu đoàn trưởng, kể.
Thiếu tá Phạm Văn Sơn nhớ lại lần từ TPHCM theo xe ra sân bay Thành Sơn, Phan Rang thay bơm chuyển thùng dầu treo trực thăng Mi-8 vào tháng 10/2014. Những chuyến đi làm nhiệm vụ đột xuất như thế không hiếm.
Có những ngày các anh phải sửa chữa hoặc bảo dưỡng máy bay trong cái nắng chang chang trên đầu, hơi nóng hầm hập bốc lên từ sàn bê tông sân bay, đầu óc choáng váng, quay cuồng trong hơi dầu mỡ máy bay vốn rất độc hại.
Nhiệm vụ quân sự đôi lúc cấp bách, trực thăng cần phải cất cánh gấp, anh em lính thợ trưa phải ăn cơm hộp, làm việc từ sáng tới tối mịt.
Những ngày “trực chiến” tìm kiếm chiếc máy bay MH 370 của Malaysia nghi rơi trên biển để lại những dấu ấn khó quên trong đời những người lính kỹ thuật.
Khi đó đơn vị đang phục vụ đợt di chuyển căn cứ huấn luyện bay đầu năm tại sân bay Cần Thơ thì được lệnh tham gia tìm kiếm cấp cứu trên một vùng biển rộng hàng trăm cây số ra tận ngoài khơi, vùng biển quốc tế.
Lực lượng không quân huy động ba trực thăng thường xuyên làm nhiệm vụ, ở ba sân bay có khoảng cách rất xa nhau: sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Cần Thơ và sân bay Cà Mau.
Những người lính thợ cũng phải chia nhau thường trực tại chỗ để đảm bảo an toàn cho họ. Nhiệm vụ liên tục mười ngày, nửa tháng.
Có những chuyến bay kéo dài cả ngày trên biển, hoặc bay liên tục, anh em cũng phải căng sức để hoàn thành nhiệm vụ.
Những chuyện tưởng nhỏ đối với người lính trên đất liền, trên biển, nhưng lại là chuyện rất lớn với người lính trên không.
Từ đất liền ra Trường Sa mất khoảng 3 giờ bay trên biển. Bay qua lại giữa hai đảo Song Tử Tây với Trường Sa lớn cũng mất gần 2 tiếng nên ăn uống là cả vấn đề đối với phi công lẫn hành khách.
“Tôi chỉ dám ăn bằng một phần ba bình thường. Nước cũng chỉ dám nhấp một chút cho đỡ khát. Vì trên trực thăng không có khu vực “riêng tư”, lại ngồi cùng các thủ trưởng, không thể để xảy ra những chuyện tế nhị được”, thượng tá Đức nói.
Cải tiến, lắp đặt nhiều hệ thống vũ khí
Thiếu tá, kỹ sư Nguyễn Quang Hưng, trợ lý vũ khí hàng không, là một trong những cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn có nhiều đóng góp trong việc cải tạo, nâng cấp, gắn mới trang thiết bị, khí tài phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên trực thăng Mi-8, Mi-171, Mi-172 và UH-1.
Anh đạt giải Ba toàn quân cuộc thi Tuổi trẻ sáng tạo khoa học kỹ thuật năm 2010 với đề tài Thiết bị kiểm tra súng Minigun gắn trên trực thăng UH-1.
Treo súng đại liên 6 nòng lên trực thăng UH-1 chuẩn bị cho buổi diễn tập bắn ném
Minigun 6 nòng là loại vũ khí rất uy lực có thể bắn 4.000 viên/phút, dùng để tiêu diệt các mục tiêu trên mặt đất.
Súng được điều khiển bằng hệ thống điện. Mỗi lần treo giá súng lên trực thăng phục vụ công tác huấn luyện, diễn tập bắn đạn thật đều phải thông điện kiểm tra tính ổn định, an toàn, khả năng tác chiến của súng…
Mỗi lần kiểm tra, phi công phải nổ máy trực thăng, các thành phần đảm bảo kỹ thuật cũng phải có mặt, việc đó làm tốn thời gian, công sức, chi phí của quân đội…
Với thiết bị kiểm tra, không cần nhiều người, cũng không phải nổ máy trực thăng mà vẫn kiểm tra chính xác khả năng tác chiến trên thực địa, các chế độ bắn…
Sau nhiều lần thử nghiệm trên thiết bị, súng Minigun được đem ra sử dụng trên thực địa, phi công hạ được mục tiêu, bắn hết cơ số đạn treo lắp.
Hiện thiết bị kiểm tra được sử dụng cho các máy bay UH-1. “Những năm gần đây, anh em ngành vũ khí hàng không cải tiến, lắp đặt nhiều hệ thống vũ khí trên máy bay UH-1 , Mi-8…”, thiếu tá Hưng chia sẻ.