Đặc công quây kín Sài Gòn
Lúc bấy giờ, Sài Gòn - Gia Định là một chiến trường chủ yếu của lực lượng đặc công, được tập trung ưu tiên lực lượng: Trong nội đô Sài Gòn có Lữ đoàn đặc công biệt động 316, với biên chế 4 tiểu đoàn vùng ven (80, 81, 82, 83) và 13 cụm biệt động nội thành (từ Z20 đến Z32). Lữ đoàn trưởng là Nguyễn Thanh Tùng (tức Mười Cơ), chính ủy lữ đoàn Nguyễn Thúc Tịnh (tức Mười Khánh).
Xung quanh thành phố, có Sư đoàn đặc công 2, biên chế đến 7 trung đoàn (10, 113, 115, 116, 117, 119 và 429), làm nhiệm vụ chiến đấu trên các hướng chiến lược quanh Sài Gòn. Sư đoàn trưởng là Nguyễn Văn Mây, chính ủy sư đoàn Lê Bá Ước. Khi quân chủ lực tiến vào, còn có thêm Trung đoàn đặc công 198 đứng trong đội hình Quân đoàn 3.
Từ ngày 8/4/1975, để chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng đặc công được chia làm ba hướng, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Miền:
- Hướng đông (gồm cánh đông và đông nam) có Trung đoàn 113, Trung đoàn 116, Trung đoàn 10 (Sư đoàn 2); Tiểu đoàn 80 và các Z22, Z23, Z24 (Lữ đoàn 316); Tiểu đoàn 4 Thủ Đức. Đồng chí Tống Viết Dương được cử làm tư lệnh, đồng chí Lê Bá Ước được cử làm chính ủy.
- Hướng bắc (gồm cánh bắc và tây bắc) có Trung đoàn 115 (Sư đoàn 2), các tiểu đoàn 81, 83, các Z20, Z28, Z31, Z32 (Lữ đoàn 316), Trung đoàn 198 (Quân đoàn 3). Đồng chí Nguyễn Thanh Tùng được cử làm tư lệnh, đồng chí Tư Được được cử làm chính ủy.
- Hướng tây (gồm cánh tây và tây nam) có Trung đoàn 117, Trung đoàn 429 (sư đoàn 2); các tiểu đoàn 82, Z25, Z26, Z30 (Lữ đoàn 316). Đồng chí Nguyễn Văn Mây được cử làm tư lệnh, đồng chí Bảy Dũng được cử làm chính ủy.
Đến ngày 24/4/1975, lực lượng đặc công trên các hướng lại được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh các Quân đoàn.
Những cây cầu máu lửa
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng đặc công được giao hai nhiệm vụ quan trọng:
Một là tổ chức đánh chiếm và chốt giữ 14 chiếc cầu cùng một số căn cứ địch án ngữ đường vào Sài Gòn - Vũng Tàu, tạo thuận lợi cho các binh chủng hợp thành thần tốc tiến vào Sài Gòn.
Hai là bắn phá sân bay Tân Sơn Nhất, “vít chặt” sông Lòng Tàu, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng bên trong, kết hợp với chủ lực tiến công từ ngoài vào hỗ trợ quần chúng nổi dậy ở một số khu vực nội đô Sài Gòn.
Ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu.
Trên hướng Đông và Đông Nam, bộ đội chủ lực Quân đoàn 2 đã đánh chiếm Bà Rịa và phát triển xuống Vũng Tàu. Đêm 28/4/1975, cụm biệt động Z24 ở Vũng Tàu tổ chức đánh chiếm cầu Rạch Bà, ấp Long Xuyên và giữ cầu cho bộ đội vượt sông. Tình hình phát triển thuận lợi, cụm biệt động Z19 cướp tàu của địch tiến vào cảng Rạch Dừa … Hai cụm biệt động Z24 và Z29 phối hợp cùng Sư đoàn 3 và thị đội Vũng Tàu đánh chiếm khu radar Núi Lớn, phát động quần chúng nổi dậy giải phóng toàn bộ Vũng Tàu.
Trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hoà, Trung đoàn đặc công 116 đánh chiếm cầu Biên Hoà (ngày 27 và 28/4/1975), phân chi khu Bến Gỗ, sau đó đánh địch phản kích làm chủ hoàn toàn cả hai đầu cầu và một đoạn đường. Cùng thời điểm đó, Tiểu đoàn 81, Z22, Z23 và Tiểu đoàn 4 Thủ Đức đánh chiếm cầu Rạch Chiếc và cầu Tân Cảng. Các ngày 27 và ngày 28, Đoàn 10 Rừng Sác đánh đồn bảo an Phước Khánh, bắn ĐKB vào cảng Nhà Bè; ngày 30 chiếm cảng Nhà Bè, thu 126 tàu các loại.
Trên hướng Bắc và Đông Bắc, khi bộ đội Quân đoàn 4 đánh chiếm chi khu quân sự Trảng Bom, tiến về Biên Hoà, thì đêm 27/4/1975, Trung đoàn đặc công 113 tổ chức đánh chiếm cầu Ghềnh, cầu Hoà An, căn cứ thiết giáp Hốc Bà Thức. Kẻ địch lập tức phản kích tái chiếm cầu Ghềnh. Trận chiến đấu diễn ra quyết liệt trong suốt hai ngày 28 và 29/4/1975, Cầu Ghềnh vẫn được giữ vững, tạo điều kiện cho Quân đoàn 4 thần tốc đánh chiếm Biên Hoà, phát triển vào Sài Gòn.
Đánh phá sân bay Tân Sơn Nhất
Trên hướng Tây Bắc, khi Quân đoàn 1 tiến công bao vây địch ở Phú Lợi, buộc địch ở Thủ Dầu Một, Lái Thiêu phải đầu hàng; Quân đoàn 3 đánh chiếm Trảng Bàng, tiến vào Bà Quẹo, Ngã tư Bảy Hiền thì ngày 24/4/1975, Trung đoàn 115 đánh chiếm các cầu Bình Phước, Tân An, Rạch Cát, Chợ Mới, cầu Sắt; sau đó đánh lui nhiều đợt phản kích của địch trong ngày 29/4/1975, chốt giữ cầu cho đến khi chủ lực ta tiến qua. Một bộ phận của Trung đoàn 115 đánh chiếm đài phát thanh Quán Tre, đánh Trung tâm huấn luyện Quang Trung.
Cũng trong ngày 29/4, Trung đoàn 198 đánh chiếm cầu Bông, cầu Sáng, Thành Công Binh. Đến 11 giờ 30 phút ngày 29/4/1975, Trung đoàn 24 của Sư đoàn 10, Tiểu đoàn xe tăng 1 (Quân đoàn 3) đã qua cầu Bông vào Sài Gòn đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 của Sư đoàn 10, Trung đoàn pháo binh 4 và Tiểu đoàn xe tăng 2 (Quân đoàn 3) qua cầu Sáng tiến vào Sài Gòn đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy.
Ngày 29/4, Trung đoàn 117 bắn 400 viên ĐKB vào sân bay Tân Sơn Nhất từ 0 giờ đến 5 giờ sáng và phối hợp với Tiểu đoàn 4 Gia Định chiếm giữ cửa phía bắc sân bay.
Sáng ngày 30/4/1975, lực lượng biệt động nội tuyến gồm 14 chiến sĩ do đồng chí Bảy Vĩnh chỉ huy đột nhập vào Bộ Tổng tham mưu ngụy, đánh chiếm trung tâm điện toán, bắt sống đại tá Chu Văn Hồ và đồng bọn; đồng thời phối hợp với Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), Sư đoàn 320B (Quân đoàn 1) đánh chiếm toàn bộ Bộ Tổng tham mưu ngụy và cắm cờ giải phóng trên "tổng hành dinh" của chúng.
Trên hướng Tây và Tây Nam, khi Đoàn 232 đánh chiếm Hậu Nghĩa, phát triển vào Ngã năm Vĩnh Lộc, biệt khu Thủ đô, Tân An, Thủ Thừa, chia cắt lộ 4 giữa Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long thì ngày 29, Trung đoàn 429 đánh chiếm khu Trung tâm radar Phú Lâm, vây ép, buộc liên đoàn biệt động quân số 7 phải đầu hàng. Một bộ phận của Trung đoàn 429 đánh chiếm đồn Ký Thúc Ôn, cầu Nhị Thiên Đường. Ngày 29/4/1975, Tiểu đoàn 80 và một bộ phận của Z22 đánh chiếm trụ sở An Phú Đông, loại khỏi vòng chiến đấu 1 đại đội biệt động quân và nhiều tên cảnh sát dân vệ, bảo vệ sở chỉ huy cánh tây nam của ta.
Trong lúc quân địch hoang mang, dao động cực độ, sáng 30/4/1975, các đơn vị đặc công và biệt động đánh chiếm nhiều mục tiêu ở ven đô và nội thành. Tiểu đoàn 197 đánh chiếm nhà thượng nghị viện và hạ nghị viện cùng một số mục tiêu và truy quét tàn quân địch ở Quận 1, Quận 2. Tổ biệt động nữ do đồng chí Sáu Thu chỉ huy đánh chiếm Phú Trung, Phú Thọ Hoà, kêu gọi cảnh sát ngụy đầu hàng, giải tán các tổ chức phòng vệ dân sự và phát động nhân dân Quận 10 nổi dậy giành chính quyền.
Dấu ấn đặc trưng của đặc công trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đó là những trận đánh chiếm cầu và giữ thông cầu cho lực lượng binh chủng hợp thành (tăng thiết giáp, bộ binh, pháo binh, phòng không …) vượt qua, thần tốc tiến vào Sài Gòn. Việc đánh chiếm cầu một cách bất ngờ không mấy khó khăn với các chiến sĩ đặc công. Nhưng sau đó, kẻ địch sẽ sử dụng lực lượng lớn phản kích rất mạnh. Các chiến sĩ đặc công vốn chỉ quen đánh bất ngờ và rút lui nhanh chóng, nay lại phải bám trụ để giữ vững mục tiêu. Rất nhiều chiến sĩ đặc công đã ngã xuống để giữ thông đường cho bộ đội chủ lực vượt qua.
Ở cầu Ghềnh, sau hai ngày chiến đấu giữ cầu, đã có đến 50/52 người lính của Đại đội 1, Trung đoàn 113 anh dũng hi sinh. Tiểu đoàn 81 và các cụm biệt động Z21 và Z23 (Lữ đoàn 316) chỉ với 100 người phải chiến đấu với hơn 2.000 quân địch có xe tăng, máy bay và giang thuyền trên sông yểm hộ để giữ cầu Rạch Chiếc. Qua hai ngày đêm chiến đấu, đã có 52 người hi sinh. Sau khi bị địch đánh bật ra, sáng 30/4/1975, đặc công lại tiếp tục phản công tái chiếm cầu, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực vượt qua.
Hộ tống xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập
Đại đội trưởng Đặc công Phạm Duy Đô (người cầm cờ)
Trên hướng xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, 250 chiến sĩ đặc công bộ, đặc công nước Trung đoàn 116 đã đánh chiếm và giữ cầu Đồng Nai trong suốt 3 ngày 27, 28 và 29/4/1975. Trung đoàn trưởng Võ Tấn Sĩ đã phải trực tiếp dẫn một tiểu đoàn đặc công vào đánh Tổng kho Long Bình, lấy vũ khí bổ sung cho các chiến sĩ đánh địch giữ cầu.
Đêm ngày 29/4/1975, xe tăng của Lữ đoàn 203 (Quân đoàn 2) đã đến cầu Đồng Nai. Bộ binh không theo kịp tốc độ hành tiến của xe tăng. Trung đoàn 116 để lại một tiểu đoàn đặc công nước giữ cầu, còn lại tổ chức lực lượng đi cùng xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
11 giờ 30 phút, đoàn xe tăng của Lữ đoàn 203 có đặc công dẫn đường hùng dũng tiến vào dinh Độc Lập. Các chiến sĩ đặc công cùng đơn vị bạn bao vây toàn bộ khu nhà. Trung úy xe tăng Bùi Quang Thận và đại đội trưởng đặc công Phạm Duy Đô (Đại đội 1, Tiểu đoàn 19, Trung đoàn 116) xông thẳng lên tầng thượng dinh Độc Lập hạ cờ chính quyền Sài Gòn, kéo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam lên đỉnh cột cờ lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975. Ngay sau đó, đại đội trưởng Phạm Duy Đô và chiến sĩ đặc công Phạm Huy Nghệ đã phát hiện toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn trong phòng họp. Tướng Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Được đặc công dẫn đường và hộ tống, xe tăng Lữ đoàn 203 thần tốc tiến vào Dinh Độc lập lúc 11h30 trưa 30-4-1975
Một trang sử mới của dân tộc Việt Nam đã được mở ra sau ngày 30/4/1975. Trong chiến thắng tuyệt đẹp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, có sự đóng góp không nhỏ của các chiến sĩ đặc công anh hùng.
Xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập