Lần đầu tiên tàu quân y HQ 561 (Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân) ra khơi hướng tới quần đảo Trường Sa, trung úy bác sĩ Thái Đàm Lương đã bận rộn hết truyền nước cho lính thay quân bị say sóng, đến phẫu thuật cho thuyền viên bị thương khi hạ xuồng. Nhập ngũ tháng 2/1995, đến năm 2000, bác sĩ Lương ra làm nhiệm vụ tại Trường Sa. Khắp các đảo Nam Yết, Thuyền Chài, Trường Sa Lớn… đều in dấu chân của bác sĩ. Hiện anh đảm nhận vai trò bác sĩ nội khoa trên tàu quân y đầu tiên của Hải quân Việt Nam.
Không nhớ đã chữa bao nhiêu ca, cứu sống bao ngư dân và chiến sĩ bị đau ruột thừa, gãy tay khi làm việc trên biển, bác sĩ Lương bảo đáng nhớ nhất là sáng sớm một ngày đầu năm 2003, khi đang ở đảo Thuyền Chài C thì thấy có tàu cá đâm thẳng vào đảo. Bệnh nhân là ngư dân quê Bình Thuận bị ngộ độc do ăn rùa lửa (một loài rùa biển cực độc).
Bác sĩ Thái Đàm Lương chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ trên tàu quân y đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đông
“Huyết áp, mạch của bệnh nhân không đo được, riêng tim vẫn còn thoi thóp. Biết chắc chắn bệnh nhân bị mất nước điện giải do tiêu chảy nên ca cấp cứu đã tiến hành lấy ven, đặt đường truyền… 2 giờ sau, huyết áp và mạch của người bệnh dần hồi phục, ai cũng thở phào”, bác sĩ Lương kể.
Điều mà bác sĩ Lương lấy làm hạnh phúc là sau khi bệnh nhân này bước xuống giường bệnh đã vội ra tàu chọn con cá to nhất mang biếu đảo. Về sau dù không còn đi biển nữa, nhưng mỗi khi bạn thuyền ra Trường Sa đánh cá, người bệnh nhân xưa vẫn đều đặn đi cùng chỉ với một mục đích ra thăm và nói chuyện với bác sĩ Lương.
Với bác sĩ Đậu Văn Tình (48 tuổi, hiện công tác tại đảo Núi Le B), người đã 25 năm làm việc ở Trường Sa, kỷ niệm anh không thể quên là những ca mổ ngay dưới tầng hầm của đảo chìm, bởi diện tích của đảo không đủ chỗ cho làm bệnh xá. “Gặp ca cấp cứu ngoại khoa như chấn thương ổ bụng, dập tạng, bác sĩ sẽ điện thoại về Bệnh viện 175 trong đất liền để được tư vấn điều trị”, anh Tình cho biết.
Mới đây khi thực hiện ca cấp cứu ruột thừa cho chiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, do thiết bị thiếu thốn, diễn biến bệnh phức tạp nên quân y Tình phải liên hệ đưa bệnh nhân sang đảo Phan Vinh. “Cách nhau có hơn 7 hải lý nhưng do sóng to, biển động nên phải mất 7 giờ vừa cắt sóng, vừa sơ cứu mới đưa bệnh nhân cập đảo an toàn và thực hiện ca phẫu thuật thành công”, bác sĩ Tình nhớ lại.
Điều kiện của bệnh xá còn hạn chế, nhiều khi bác sĩ Nam cũng phải kiêm luôn bác sĩ thú y. Ảnh: Nguyễn Đông
Theo đại úy, bác sĩ Đặng Hồng Nam (38 tuổi, đảo Phan Vinh), chính bác sĩ quân y là điểm tựa cho ngư dân bám biển. Riêng từ tháng 9 đến tháng 12/2012, bệnh xá của đảo Phan Vinh đã khám và điều trị cho hơn 300 bệnh nhân là ngư dân Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Ngãi… cùng chiến sĩ ở các đảo chìm Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh B.
“Trong đất liền thường một ca mổ có tới 3 bác sĩ, còn ở đảo một bác sĩ phải đảm nhận”, đại úy Nam nói thêm. Chiến sĩ ngoài đảo thường nuôi heo, gà, ngan… để cải thiện bữa ăn nên anh Nam đảm nhận luôn vai trò bác sĩ thú y bằng việc tận dụng thuốc sắp hết hạn cho gia súc, gia cầm.
Lần cấp cứu cho ngư dân quê Hà Tĩnh bị bệnh giảm áp do lặn quá sâu hồi tháng 6/2012 đến giờ vẫn còn ám ảnh bác sĩ Nam và ê kíp trực. Bệnh nhân được đưa vào bệnh xá khi tim đã ngừng đập. Sau hai giờ nỗ lực cấp cứu, tuần hoàn của bệnh nhân dần trở lại, nhưng do vỡ mạch máu và suy tim nặng, bệnh xá lại chưa được trang bị buồng giảm áp nên đến sáng hôm sau bệnh nhân tử vong.
“Bây giờ nước ta đã có tàu quân y để túc trực ngoài quần đảo Trường Sa. Những người làm quân y như chúng tôi rất phấn khởi và ht vọng tàu sẽ túc trực thường xuyên để kịp thời phối hợp cứu chữa cho ngư dân, chiến sĩ, không để xảy ra tình huống nào đáng tiếc nữa”, bác sĩ Nam bày tỏ.