Phần 1: Những mẫu trực thăng quân sự kém thành công nhất (I)
3. Z-6 (Trung Quốc)
Ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc cho ra đời mẫu trực thăng đầu tiên của mình, chiếc Z-5, vào năm 1958. Tuy nhiên đây chỉ đơn giản là 1 phiên bản khác của chiếc Mi-4. Những bản vẽ thiết kế của Mi-4 được Liên Xô cung cấp cho Trung Quốc, cùng với giấy phép để sản xuất mẫu trực thăng này tại Trung Quốc. Z-5 tiêu biểu cho thế hệ trực thăng đầu tiên của Trung Quốc sử dụng động cơ đốt trong thay vì động cơ turbin phản lực.
Với kinh nghiệm thu thập được trong dự án Z-5, Trung Quốc bắt đầu phát triển mẫu trực thăng nội địa đầu tiên của mình vào năm 1966. Z-6, tên của mẫu trực thăng này, sử dụng một động cơ turbin phản lực Wozhou-5 do Trung Quốc tự sản xuất, với công suất 2.100 mã lực.
Vai trò chính của Z-6 là chuyên chở lính đổ bộ đường không, với sức chứa tối đa 12 người. Tốc độ tối đa 190km/h, tầm hoạt động 650km. Đây là một trong những chương trình quốc phòng quan trọng nhất của Trung Quốc khi đó, với hơn 470 nhà máy khác nhau được huy động để sản xuất các chi tiết. Tuy nhiên cho đến năm 1977, tổng cộng chỉ có 15 chiếc được sản xuất trước khi chương trình này bị hủy, trong đó 1 chiếc bị rơi năm 1972 khiến toàn bộ 6 người trên máy bay thiệt mạng. Nguyên nhân vụ tai nạn được cho là lỗi động cơ.
Độ tin cậy kém của động cơ Wozhou-5 cũng được xem là nguyên nhân chính khiến chương trình Z-6 bị hủy. Do Z-6 chỉ được trang bị một động cơ duy nhất, nếu động cơ gặp bất kì vấn đề kỹ thuật nào thì khả năng máy bay bị rơi là rất cao.
Sự thất bại của Z-6 còn gây ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều chương trình trực thăng khác của Trung Quốc sau đó, như Z-7, 701…Tất cả những chương trình này đều bị hủy, vì vậy trong suốt nhiều thập niên, Z-5 là mẫu trực thăng nội địa duy nhất của Trung Quốc. Đến tận cuối những năm 80, Trung Quốc mới ra mắt mẫu trực thăng tiếp theo của mình, Z-8. Nhưng trên thực tế thì những mẫu như Z-8, Z-9, Z-11 sau đó cũng chỉ là những bản copy của các mẫu trực thăng phương Tây mà Trung Quốc mua được.
4. AH-2 Rooivalk (Nam Phi)
Dự án chế tạo trực thăng vũ trang Rooivalk là một bước đi đầy tham vọng của ngành công nghiệp quốc phòng Nam Phi. Khi mới bắt đầu dự án, nó được dự đoán sẽ là một trong những trực thăng vũ trang hiện đại nhất thế giới. Tuy nhiên kết quả thực tế lại ngược với kỳ vọng.
Các thông số và trang bị của Rooivalk không có gì nổi bật so với các đối thủ cùng loại. Hai động cơ với tổng công suất 3690 mã lực giúp nó đặt vận tốc tối đa 280km/h. Tầm hoạt động tối đa 700km, trần bay 6.000m. Về mặt vũ trang, Rooivalk được trang bị một đại liên 20mm dưới mũi máy bay. Hai cánh cụt của nó có 4 điểm treo vũ khí, có thể mang theo tối đa 16 tên lửa chống tăng có điều khiển ZT6. Ngoài ra, 2 tên lửa không đối không tầm gần Mistral có thể được gắn ở 2 đầu cánh.
Việc phát triển được bắt đầu từ năm 1986, và tận dụng nhiều thành phần từ các mẫu trực thăng sẵn có, như cánh quạt và bộ truyền động từ mẫu SA 330 Puma. Tuy vậy phải đến 2011, quân đội Nam Phi mới bắt đầu nhận được những chiếc Rooivalk hoàn chỉnh, đủ điều kiện để tham gia chiến đấu.
Quá trình phát triển kéo dài cộng với chi phí nhảy vọt khiến Rooivalk trở nên lạc hậu ngay khi vừa ra đời. Hệ thống máy tính trên máy bay sử dụng công nghệ từ 20 năm trước. Những khó khăn tài chính của Denel, hãng sản xuất Rooivalk, khiến những nước khác không hứng thú với việc đặt mua mẫu trực thăng này vì lo sợ hãng có thể phá sản và không tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho mình. Tổng cộng chỉ có 12 chiếc Rooivalk được sản xuất và bàn giao cho quân đội Nam Phi, trong đó 1 chiếc bị rơi do tai nạn. Số lượng ít cũng đẩy giá thành trung bình cho một chiếc Rooivalk lên đến 40 triệu dollar, gần gấp đôi một chiếc AH-64D Apache.