Đã có thêm những chi tiết mới trong vụ Mỹ ném bom xuống bệnh viện của Bác sĩ Không biên giới tại Afghanistan mà tổ chức này gọi là một “tội ác chiến tranh”.
Tổng chỉ huy các lực lượng Mỹ tại đây, tướng John Campbell, cho biết bệnh viện nằm ở phía Bắc thành phố Kunduz này đã vô tình trúng bom sau khi các lực lượng Afghanistan yêu cầu Mỹ hỗ trợ không quân.
“Vào ngày 3/10, các lực lượng Afghanistan cho biết họ đang tấn công vào các vị trí của kẻ địch và yêu cầu hỗ trợ từ phía không quân Mỹ.
Sau đó, cuộc không kích diễn ra nhằm loại bỏ mối đe dọa từ Taliban và một vài người dân thường vô tội đã vô tình trúng bom”, ông Campbell nói.
Tuy nhiên, ông Campbell lại không đề cập đến trách nhiệm của Mỹ. Trước đó, quân đội Mỹ đã gọi vụ đánh bom này là một “tổn thất phụ”, miêu tả thêm cho phát biểu của ông Campbell.
Cụm từ này xuất hiện từ những năm 1960 và được sử dụng rộng rãi trong quân đội Mỹ từ đó.
Năm 1999, truyền thông Đức đã liệt cụm từ này vào danh sách không nên xuất hiện trên thế giới, và cho rằng nó đã tầm thường hóa những cái chết vô tội của người dân.
Nguyên tắc của tổn thất phụ trong chiến tranh đã được quy định trong các điều luật quốc tế.
Theo Frederic Rosen, tác giả cuốn sách “Collateral Damage: A Candid History of a Peculiar Form of Death”, điều quan trọng để hành động này trở nên hợp pháp là những cảnh báo gì được đưa ra trước đó để chắc chắn rằng dân thường không bị nguy hiểm và mục tiêu tấn công hoàn toàn mang tính quân sự.
Ông cho biết thêm:
“Theo luật chiến tranh, sẽ là bất hợp pháp nếu bắn đạn pháo hoặc thả bom mà không dùng các thiết bị định vị để kiểm tra xem có dân thường trong vùng mục tiêu hay không.
Đây là một vấn đề rất cũ để giải thích cho sự thiếu hoàn hảo của một cơ quan do con người chỉ huy”.
Và đây cũng không phải là lần đầu tiên quân đội Mỹ mắc những sai lầm nghiêm trọng, gây tổn hại tới dân thường trong chiến tranh như vậy.
Bến Tre - Việt Nam, tháng 2/1968
Mặc dù cụm từ “tổn thất phụ” không được sử dụng nhiều trong cuộc chiến tại Việt Nam như trong các cuộc xung đột hiện đại, tuy nhiên có một tuyên bố của một quan chức quân đội Mỹ giấu tên được nhà báo AP Peter Arnett ghi lại đã làm bùng nổ một cuộc tranh cãi liên quan đến hành động quân sự tại các khu vực dân sự.
“Việc phá hủy cả một ngôi làng để cứu nó là điều hết sức cần thiết”, vị quan chức này cho nhà báo Arnett biết sau khi tiến hành vụ nã đạn khủng khiếp vào tỉnh Bến Tre.
Câu nói này đã khiến thế giới phải đặt câu hỏi cho chiến lược của Mỹ tại thời điểm đó.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, hơn 864.000 tấn bom đã được thả xuống chỉ riêng trong Chiến dịch Sấm Rền, so với 530.000 tấn bom trong suốt toàn bộ cuộc chiến Nhà hát Thái Bình Dương của Thế chiến thứ II.
Hầm trú bom Iraq, tháng 2/1991
Ngày 13/2/1991, trong cuộc chiến vùng Vịnh, các máy bay Mỹ đã ném bom một hầm trú ẩn ở Amiriyah, vùng giáp với Baghdad, Iraq, khiến 408 dân thường thiệt mạng. Quả bom có gắn thiết bị dẫn dường laser chính xác và hầm trú ẩn là một mục tiêu có tính toán.
Các quan chức Lầu Năm góc và CIA cho rằng hầm trú ẩn này đã được dùng như một cứ điểm chỉ huy luâ phiên của quân nổi dậy, thông báo này sau đó cũng được Nhà Trắng đồng tình.
Báo cáo đã cáo buộc chế độ Saddam Hussein sử dụng các nhà dân sinh làm căn cứ quân sự, coi đây như một “lá chắn người” cho lực lượng này.
Tàu chở người tị nạn Albani, tháng 4/1999
Trong cuộc chiến Kosovo, máy bay của NATO tham gia chiến dịch không kích của lực lượng đồng minh nhằm vào các mục tiêu mà họ cho rằng đó là những phương tiện quân sự của Serbia.
Sau đó họ mới phát hiện ra rằng mục tiêu này chính là một đoàn tàu chở người tị nạn chạy khỏi cuộc xung đột, vụ không kích đã khiến 73 người thiệt mạng.
Mặc dù lúc đầu NATO cho rằng viên phi công ném bom là để bảo vệ người tị nạn và sự việc này là do các lực lượng Yugoslav gây nên nhưng sau đó quân đồng minh đã phải thừa nhận chiếc máy bay này đã “thả bom nhầm vào một phương tiện dân sự”.
Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, tháng 5/1999
Trong một vụ việc khác của Chiến dịch lực lượng đồng minh, 5 quả bom có điều khiển của Mỹ đã rơi thẳng xuống đại sức quán Trung Quốc ở Belgrade, khiến ba phóng viên Trung Quốc thiệt mạng và khiến cả quốc tế lên án.
Tổng thống Bill Clinton khi đó đã phải lên tiếng xin lỗi về vụ ném bom, cho rằng đây là một tai nạn đáng tiếc. CIA, liên quan đến việc chọn mục tiêu, cho biết các nhà phân tích đã nhận diện sai một tổ hợp quân sự trên cùng một khu phố với đại sứ quán Trung Quốc.
Bắc Kinh gọi vụ ném bom là một “hành động dã man” và vụ việc đã khiến người dân trên khắp Trung Quốc xuống đường tuần hành phản đối, làm “đóng băng” mối quan hệ giữa hai nước nhiều năm sau đó.
Tiệc cưới ở Afghanistan, tháng 7/2002
Trong những năm đầu của cuộc chiến tại Afghanistan, hai máy bay chiến đấu của Mỹ đã tấn công một bữa tiệc đám cưới ở trung tâm tỉnh Uruzgan, khiến 48 người thiệt mạng.
Lầu Năm góc cho rằng các phi công đã đáp trả lại cuộc tấn công từ những vũ khí hạng nặng. Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Afghanistan, những vị khách trong bữa tiệc này chỉ dùng các loại pháo hoa bắn lên không trung để chúc mừng đám cưới.
Hai ngày sau vụ tấn công, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush đã gọi điện cho người đồng cấp Hamid Karzai để bày tỏ sự tiếc thương đối với các nạn nhân và thừa nhận đây là một “bi kịch của cuộc sống”.
Song, Lầu Năm góc lại cho rằng mình không có lỗi trong vụ việc này.
Đây không phải là lần đầu tiên các máy bay quân sự Mỹ ném bom một bữa tiệc đám cưới trong cuộc chiến tại Afghanistan. Các vụ tấn công tương tự đã xảy ra hồi tháng 7 và tháng 11/2008, khiến hơn 100 người thiệt mạng.
Trong cả hai trường hợp, quân đội Mỹ đều bày tỏ sự lấy làm tiếc trước những mất mát về dân thường và cho rằng mục tiêu của họ là các phiến quân Taliban trong khu vực.
Các nhà báo ở Baghdad, tháng 7/2007
Cuộc tấn công của các trực thăng quân đội Mỹ tháng 7/2007 chống lại quân nổi dậy ở Iraq đã khiến cả thế giới chú ý sau khi WikiLeaks đăng tải một đoạn video cho thấy máy bay đã nhắm bắn vào một nhóm người đứng ở khu vực mà các lực lượng bộ binh Mỹ trước đó đã tấn công.
Cuộc không kích thứ hai nhằm thẳng đến chiếc xe tải di chuyển tại khu đường giao. Ít nhất 12 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công kép này, bao gồm cả hai phóng viên Reuters. Hai đứa trẻ khác cũng bị thương sau vụ tấn công.
Không có nhà báo nào trong vụ tấn công nói trên mặc quần áo để nhận diện phóng viên và trong đoạn video do WikiLeaks đăng cho thấy các phi công đã nhầm ống kính tele của một phóng viên là súng chống tăng phản lực RPG.
Trong báo cáo do Lầu Năm góc đưa ra sau khi video trên bị rò rỉ, cơ quan này cho biết một số thành viên của nhóm phiến quân trước đó đã mang theo vũ khí và các phi công không có cách nào để nhận biết những phóng viên đó trong số những người tình nghi là quân nổi dậy.