Từ những năm 1980, khi Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển được thông qua, tranh chấp chủ quyền biển đảo trở thành một trong những vấn đề nổi cộm trong quan hệ địa - chính trị toàn cầu.
Ở Nam Mỹ, Anh và Argentina, tranh chấp chủ quyền quần đảo Falkland/Malvinas dẫn tới cuộc chiến năm 1982. Ở phía bên kia bán cầu, Biển Đông cũng nổi sóng vì đây là khu vực có nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền.
Đầu năm 1988, Trung Quốc bất ngờ cho quân ra chiếm đóng bất hợp pháp một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam gồm: đá Chữ Thập, Châu Viên, Gia Ven, Tư Nghĩa, Xu Bi. Đối phó với tình hình mới, Hải quân Việt Nam đã đưa quân ra trấn giữ các bãi đá ngầm: đá Tiên Nữ, đá Lớn, đá Đông, Tốc Tan, Núi Le bước đầu ngăn chặn việc mở rộng chiếm đóng của Trung Quốc.
Căn cứ vào tình hình xung quanh khu vực quần đảo Trường Sa, Hải quân Việt Nam đã điều động các tàu vận tải thuộc Lữ đoàn 125 cùng lực lượng công binh ra các đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma nhằm xây dựng lực lượng trấn giữ đảo khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Tàu vận tải HQ-604 lên đường bảo vệ chủ quyền biển đảo 25 năm trước. Ảnh tư liệu.
Cuộc chiến không cân sức
Trong khi Hải quân Việt Nam chỉ điều động 3 tàu vận tải HQ-604, HQ-505 và HQ-605 không được trang bị vũ khí cùng lực lượng công binh được trang bị thô sơ ra xây dựng đảo, Hải quân Trung Quốc đã điều động lực lượng của 2 hạm đội Nam Hải và Đông Hải xuống khu vực quần đảo Trường Sa.
Số tàu chiến hoạt động thường xuyên tại đây tăng từ 9 lên 12 chiếc bao gồm: một tàu khu trục tên lửa, 7 tàu hộ vệ tên lửa, 2 tàu hộ vệ pháo, 3 tàu vận tải hỗ trợ, tàu đo đạc và một tàu kéo cỡ lớn. Rõ ràng tương quan lực lượng giữa 2 bên chệnh lệch nhau quá lớn, trong khi Hải quân Việt Nam chỉ sử dụng các tàu vận tải chở công binh và vật liệu ra xây dựng đảo thuộc chủ quyền hợp pháp của Việt Nam thì phía Trung Quốc lại sử dụng tàu chiến trang bị vũ khí hạng nặng để tấn công chiếm đóng bất hợp pháp các đảo và bãi đá ngầm thuộc chủ quyền Việt Nam.
Dù chỉ được trang bị vũ khí hạng nhẹ và phải chống chọi với những tàu chiến được trang bị vũ khí hạng nặng cùng khoảng 200 binh lính được trang bị đầy đủ, nhưng người lính Hải quân Việt Nam vẫn không hề nao núng và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.
Vòng tròn bất tử ở Gạc Ma
Nhằm thực hiện việc khẳng định chủ quyền đối với đảo Gạc Ma, sau khi thả neo gần đó, các chiến sĩ công binh trên tàu đã nhanh chóng triển khai tổ cắm cờ khẳng định chủ quyền và triển khai tổ bảo vệ đảo. Thấy vậy, phía Trung Quốc đã cho 2 xuồng đổ bộ chở 8 lính xông lên đảo giật cờ Việt Nam.
Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bị bắn trọng thương, thiếu úy Trần văn Phương bị bắn tử thương, trước khi chết ông hô vang: "Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng Hải quân".
Bất chấp phía Trung Quốc dùng mọi biện pháp uy hiếp nhưng tàu HQ-604 vẫn không chịu rời đảo Gạc Ma. Hai tàu hộ vệ trang bị pháo hạm 100mm cùng một tàu hộ vệ tên lửa đã dồn hỏa lực bắn chìm tàu HQ-604. Hầu hết cán bộ chiến sĩ trên tàu HQ-604 đã hy sinh hoặc mất tích.
Sau khi ủi lên đảo Cô Lin, cán bộ chiến sĩ tàu HQ-505 đã chiến đấu ngoan cường bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.
Quyết tử bảo vệ đảo Cô Lin
Biết tàu HQ-604 đã bị phía Trung Quốc bắn chìm không loại trừ khả năng sẽ tấn công tiếp tàu HQ-505, trước tình thế cấp bách, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã ra lệnh cho tàu nhổ neo ủi bãi để khẳng định chủ quyền.
Đây được xem là một quyết định táo bạo, con tàu dài gần 100 mét, rộng 38 mét ủi lên đảo biến thành một pháo đài không thể chìm. Thấy tàu Việt Nam đang ủi bãi, các tàu chiến Trung Quốc dồn hỏa lực bắn dữ dội vào tàu HQ-505. Tàu bốc cháy sau khi trườn 2/3 thân tàu lên đá.
Sau khi ủi tàu lên bãi, thủy thủ tàu HQ-505 nhanh chóng triển khai đội hình vừa dập lửa cứu tàu, bảo vệ đảo không cho xuồng đổ bộ của Trung Quốc tiến lên, đồng thời đưa xuồng đến cứu các chiến sĩ trên tàu HQ-604 bị bắn chìm ở Gạc Ma (đảo Cô Lin và Gạc Ma chỉ cách nhau 3,5 hải lý khoảng 6,3km).
Tại đá Len Đao, các tàu chiến Trung Quốc đã sử dụng sự áp đảo về hỏa lực dùng pháo hạm 100mm bắn dữ dội vào tàu HQ-605 đang trấn giữ tại đây. Tàu bốc cháy và chìm vào ngày 15/3/1988, một số thủy thủ đoàn trên tàu bơi về đảo Sinh Tồn, Thượng úy Nguyễn Văn Chương và trung úy Nguyễn Sĩ Minh tổ chức đưa thương binh về tàu HQ-505 đang nằm trên đá Cô Lin.
Quyết định táo bạo của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đã giúp Hải quân Việt Nam bảo vệ thành công chủ quyền trên đảo Cô Lin , Len Đao cũng như ngăn chặn việc mở rộng chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc.
Những ngày tiếp theo, các tàu chiến Trung Quốc liên tục uy hiếp đảo nhưng cán bộ chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn không hề nao núng quyết tâm bám trụ trên tàu để bảo vệ đảo.
Nhớ lại quyết định cho tàu ủi bãi, ông Vũ Huy Lễ nay là đại tá về hưu chia sẻ: "Khi đó, toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc trên tàu đã bị hư hỏng nặng nên tôi không thể báo cáo tình hình lên cấp trên. Quyết định cho tàu lao lên đảo được đưa ra trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Sau khi bàn bạc với chính trị viên, thủy thủ trưởng và ngành trưởng hỏa lực, tôi đã đưa ra một quyết định trọng đại nhất trong đời binh nghiệp của mình".
Mãi mãi nhớ ơn những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo quốc gia. Ảnh: Người Lao động.
25 năm trước, máu của các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã đổ để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Sự hy sinh thầm lặng của họ đã góp phần to lớn khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trả lời báo chí, trầm mặc hồi tưởng gương chiến đấu bi hùng của đồng đội năm xưa, Đại tá Trần Minh Cảnh, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải Quân, nói: “Đó là cuộc chiến không cân sức khi Hải quân Trung Quốc với nhiều tàu chiến lớn, vũ khí hạng nặng, còn ta chủ yếu giữ đảo bằng lòng quả cảm và ý chí sắt đá bảo vệ chủ quyền”.