Tờ New York Times (Mỹ) nhận định, khi Nga vừa bắt đầu chiến dịch quân sự của mình tại Crimea, Tổng thống Putin liên tục phủ nhận việc quân đội Nga đang có mặt tại đây. Tuy nhiên có một sự thật không thể chối cãi là những người lính vô danh, mang mặt nạ tại Crimea được trang bị một số loại vũ khí mới mà chỉ quân đội Nga có. Và do đó điện Kremlin để lỡ một cơ hội rất tốt để giới thiệu và quảng bá về bộ mặt mới của quân đội Nga.
C. J. Chivers, phóng viên của tờ New York Times đã bí mật tác nghiệp bằng chiếc điện thoại di động của mình để ghi lại hình ảnh những người lính Nga với nhiều trang thiết bị hiện đại tại Crimea.
"Chiếc iPhone mang lại nhiều lợi thế hơn một chiếc máy ảnh thông thường tại Crimea. Tôi có thể nhanh chóng gửi ảnh vào email, một cách an toàn để tránh trường hợp những binh sĩ Nga hay những người đàn ông vũ trang đang làm việc với họ chặn lại và yêu cầu xóa ảnh" - Chivers cho biết.
Dưới đây là những hình ảnh về trang bị hiện đại của lính Nga tại Crimea mà Chivers đã bí mật ghi lại được:
Một trong những loại vũ khí mới đáng chú ý nhất của binh sĩ Nga tại Crimea là súng máy Pecheneg, mẫu súng thay thế cho dòng súng trung liên PK đã được sử dụng rộng rãi trong quân đội Liên Xô cũ và Nga từ những năm 1960. Do chính cha đẻ của súng trường AK, Kalashnikov, thiết kế, PK gồm nhiều phiên bản khác nhau, được trang bị từ cấp đại đội trở lên, hoặc gắn trên xe thiết giáp. PK dùng đạn cỡ 7,62x54mm, cùng loại đạn dùng cho súng bắn tỉa Dragunov, nhịp bắn 650 phát/phút, và tầm bắn hiệu quả đến 1.500m.
PKMS, một phiên bản của dòng PK. Ảnh Internet
Pecheneg được thiết kế dựa trên kinh nghiệm tác chiến thực tế tại Afghanistan cũng như Chechnya. Nó cũng có nhịp bắn và tầm bắn tương tự với PK, nhưng điều khác biệt là Pecheneg có thể được trang bị làm súng máy ở cấp tiểu đội, vai trò trước đó thuộc về súng máy hạng nhẹ RPK-74.
Trước đó Pecheneg đã được sử dụng tại Chechnya. Ảnh Internet
RPK-7. Ảnh Internet
Sử dụng đạn cỡ 5,45x39mm, tương tự như AK-74, RPK-74 có tầm bắn và súng công phá hạn chế. Pecheneg có thể khắc phục những nhược điểm trên. Tầm bắn xa hơn của Pecheneg phù hợp với địa hình đồi núi tại những nơi như Afghanistan hay Chechnya, nơi mà giao tranh của bộ binh có thể diễn ra ở khoảng cách xa đến 1km hoặc hơn. Sức công phá lớn hơn giúp tiêu diệt mục tiêu ẩn nấp sau chướng ngại vật. Trước khi xuất hiện tại Crimea, Pecheneg mới chỉ được trang bị cho một số ít đơn vị tham chiến tại Chechnya, nhất là các đơn vị đặc nhiệm.
Một lính đặc nhiệm Nga được trang bị Pecheneg. Ảnh: Internet
Một thiết bị mới đáng chú ý khác là hệ thống gây nhiễu R-330Zh Zhitel. Nó có thể dò tìm, xác định hướng nguồn phát, và phân tích tín hiệu vô tuyến với tần số từ 100 đến 2000 Mhz. R-330Zh được dùng để phá sóng các thiết bị như điện thoại di động, điện thoại vệ tinh, thiết bị định vị vệ tinh GPS. Nó có thể gây nhiễu cùng lúc 12 tần số khác nhau. Toàn bộ hệ thống bao gồm 1 xe tải và 1 rơmoóc phía sau. Xe tải có khoang điều khiển, các thiết bị điện tử để xử lý dữ liệu…Nguồn phát điện, cùng 4 an-ten được đặt ở rơmoóc phía sau. Thời gian để chuẩn bị và triển khai hệ thống là 40 phút.
R-330Zh Zhitel sau khi được triển khai. Ảnh Internet
R-330Zh Zhitel khi đang cơ động tại Crimea. Ảnh: C. J. Chivers.
Đi cùng với R-330Zh là hệ thống tác chiến điện tử cơ động Tigr-M MKTK REI PP. Đây là một phiên bản đặc biệt của xe cơ giới hạng nhẹ GAZ-2330 Tigr. Tigr được trang bị động cơ diesel với công suất 205 mã lực, riêng phiên bản tác chiến điện tử này có sức mạnh 215 mã lực, lớp giáp bảo vệ có thể chống lại đạn cỡ 7,62mm. Tốc độ tối đa 125km/h, tầm hoạt động 400km. Nó cũng được sử dụng để phát hiện và gây nhiễu các thiết bị liên lạc vô tuyến của đối phương.
Tigr-M MKTK khi được triển khai. Ảnh Internet
Một xe cơ giới Tigr thông thường. Ảnh Internet
Việc nhiều binh sĩ và hạ sĩ quan Nga tại Crimea được trang bị điện đài cá nhân không chỉ là một bước tiến về mặt trang bị mà còn có tác động về mặt chiến thuật, cho phép tăng quyền chủ động cho các chỉ huy cấp dưới và sự cơ động, linh hoạt của các đơn vị. Người sử dụng có thể liên lạc thông qua kênh mở hoặc được mã hóa, với tầm hoạt động tối đa 2km.
Người lính bên phải được trang bị điện đài cá nhân. Ảnh: C. J. Chivers
Trọng lượng của bộ thiết bị vào khoảng 2,5kg. Ảnh Internet
Ngoài ra, còn có sự xuất hiện của một số loại quân trang chưa từng được trang bị rộng rãi trong quân đội Nga trước đây, như đệm bảo vệ đầu gối, hay kính ngắm gắn trên súng trường tự động.