Tiếp 600 quân nhân mỗi tháng
Giới chức quân sự Đức tuân thủ chặt chẽ các nội quy liên quan tới việc cung cấp vũ khí và lương thực cho quân nhân. Các vấn đề liên quan tới đời sống tình dục của quân nhân được giải quyết bởi Bộ Tư lệnh Đức.
Giới chức quân sự rõ ràng thừa nhận rằng nếu muốn duy trì nhuệ khí của quân nhân thì phải cho phép họ giải trí với những phụ nữ dễ dãi. Đó chính là lý do các nhà thổ dành cho sĩ quan và binh sĩ được dựng lên khắp các vùng lãnh thổ bị quân Đức chiếm đóng.
Các nhà thổ di động trên chiến trường, với 5-20 gái mua vui, thường theo chân quân đội. Cuộc sống của những gái điếm này không dễ dàng gì. Theo quy định, mỗi gái điếm phải tiếp 600 quân nhân mỗi tháng, nếu không sẽ bị cắt lương và trợ cấp.
Có ba loại nhà thổ, loại cao cấp nhất dành cho các sĩ quan, loại vừa phải dành cho các hạ sĩ quan và loại thứ ba dành cho quân nhân bình thường. Theo các quy định, cứ 100 lính bình thường được cung cấp 1 gái điếm, 75 hạ sĩ có một gái điếm và 50 sĩ quan có một gái điếm.
Tuy nhiên, giới chức quân sự mau chóng cảm thấy ngày càng khó để cung cấp các gái điếm Đức, có tinh thần yêu nước, cho các nhà thổ để thoả mãn nhu cầu của binh sĩ. Ngoài ra, những cô gái này không thể trụ được lâu do phải làm việc vất vả.
Vậy là giới chức quân sự phải thuê phụ nữ địa phương trong những khu vực bị quân Đức chiếm đóng. Tại những vùng lãnh thổ đó, phần lớn phụ nữ tình nguyện làm công việc này. Tiền và các khẩu phần lương thực là động lực tốt nhất để họ bán thân cho kẻ thù.
Ban đầu, các sĩ quan Đức bị cấm tiếp xúc thân mật với những phụ nữ tại các khu vực bị chiếm đóng. Tuy nhiên, binh lính Đức đã trở nên nhàm chán với những gái điếm Đức trong các nhà thổ của quân đội. Cuối cùng, cấp trên phải nhắm mắt làm ngơ trước vô số mối quan hệ liên quan tới các sĩ quan Đức và phụ nữ địa phương. Thậm chí một số sĩ quan còn trở thành các ông bố.
Trong Thế chiến thứ hai, Quân Đức phát xít đã thiết lập hàng trăm nhà thổ để phục vụ cho binh lính Đức trên chiến trường.
Về cơ bản, Bộ Tư lệnh Đức đã thiết lập hệ thống các nhà thổ quân đội nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục (STDs) giữa các quân nhân. Họ cho rằng các biện pháp phòng ngừa này có thể được thực thi hiệu quả nhất bằng cách đặt các nhà thổ này dưới sự kiểm soát của các quan chức quân y.
Quân Đức có lý do để kiểm soát sự lây lan của STDs từ các gái điếm tại những quốc gia bị chiếm đóng. Chẳng hạn, số lính bị nhiễm các bệnh hoa liễu tại Hungary lớn hơn tổng số thương vong của quân đội Đức trong một tháng chiến đấu.
Các binh sĩ phải tuân thủ các quy định vệ sinh nghiêm ngặt mỗi lần họ muốn sử dụng dịch vụ gái điếm của quân đội. Giới chức quân sự đặt ra các quy định đó. Trước mỗi lần ăn nằm với gái điếm, binh sĩ phải xin thẻ vào nhà thổ và phải kiểm tra y tế bắt buộc. Ngoài thông tin bình thường, chẳng hạn thời gian hành lạc và số hiệu nhà thổ, thẻ còn dành một số chỗ trống để gái điếm ký vào sau mỗi lần quan hệ. Binh sĩ sẽ được quan chức y tế phát ba bao cao su và một hộp chứa bột tẩy uế.
Sau đó, binh sĩ sẽ được dẫn tới một nhà tắm. Họ buộc phải rắc bột lên bộ phận sinh dục của bản thân trước tiên, kế đến là cho gái điếm, trước khi hành lạc. Ngay khi chuyến thăm kết thúc, binh sĩ phải trình thẻ và hộp thuốc rỗng cho sĩ quan quản lý nhà thổ đó. Trên thực tế, binh sĩ buộc phải quan hệ tình dục trong nhà thổ, không được tránh né. Không quan hệ hoặc từ chối tới nhà thổ có thể được coi là một tội đáng bị trừng phạt. Quân nhân bình thường được tới nhà thổ 6 lần mỗi tháng.
Năm 1915, Đức sử dụng máy bay để thả truyền đơn xuống một số khu vực thuộc mặt trận phía Đông. Những tờ truyền đơn này in hình những cô gái Slavơ đang âu yếm các chàng trai. Những hình ảnh này có lời chú thích: ’’Ivan, em yêu của anh đang vui thú với một gã khác trong khi anh đang chiến đấu!’’.
Còn quân đội Anh đã lợi dụng hệ thống các nhà thổ của quân đội Đức trong suốt Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Một số binh sĩ Đức phải nhập viện và được điều trị bệnh ghẻ sau khi nhiễm bệnh này trong các nhà thổ quân đội. Thực ra các điệp viên Anh đã cung cấp cho những nhà thổ đó bao cao su mang mầm bệnh.
Nhà thổ của Quân đội Nhật
Các sử gia nói rằng khoảng 200.000 phụ nữ - chủ yếu từ Triều Tiên và Trung Quốc - phục vụ trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản khắp châu Á trong những năm 1930 và 1940.
Trong tuyên bố Kono 1993, Chính phủ Nhật thừa nhận Nhật Bản đã thành lập và điều hành các nhà thổ phục vụ binh sĩ. Tuyên bố Kono được đưa ra bởi chánh văn phòng nội các Nhật Bản lúc đó là Yohei Kono sau khi các tài liệu quốc phòng cho thấy quân đội Nhật Bản đã trực tiếp hợp tác với các nhà thầu độc lập trong suốt chiến tranh để tìm mua phụ nữ cho các nhà thổ. Các nhân chứng và cựu binh Nhật đã nói về tội ác đó của quân đội. Nhiều người nói rằng phụ nữ bị bắt cóc và cưỡng ép làm nô lệ tình dục.
Những cô gái Triều Tiên buộc phải quan hệ với linh Nhật.
Một trong những vụ việc được thông tin sớm nhất về việc biến phụ nữ thành hàng hoá xảy ra năm 1938. Khi đó, Chính phủ Nhật đã ký một văn bản đề cập tới sự cần thiết của các nhà thổ trong mỗi một tiểu đoàn và sau đó tiếp tục đặt mua 321 triệu bao cao su để đảm bảo an toàn cho binh sĩ.
Ngạc nhiên hơn là khi tài liệu này được công khai, Chính phủ Nhật đã bác bỏ nó, nói rằng hợp pháp hoá mãi dâm trong quân đội là một chính sách nhằm giảm thiểu các vụ hiếp dâm phụ nữ thời chiến. Chính phủ Nhật ngụ ý rằng do các gái điếm đang kiếm tiền lúc đó nên họ không bị hiếp dâm hoặc là nạn nhân!
Nhà thổ phục vụ lính Mỹ
Trong những năm 1950, kể từ khi nổ ra chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc coi Quân đội Mỹ như một cơ hội thu lợi về kinh tế mặc dù món lợi này được trả giá bằng phụ nữ Hàn Quốc. Khi Quân đội Mỹ tới Hàn Quốc cũng là lúc các tấm biển chỉ đường mọc lên, chỉ dẫn tới các thị trấn Hàn Quốc hay còn gọi là các địa điểm nghỉ ngơi và giải trí (R&R). Những nơi này nằm gần các trại lính lớn ở Hàn Quốc, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của binh lính Mỹ. ’’Nhu cầu tiêu dùng’’ này chính là nhu cầu tình dục của nam giới.
Kinh ngạc hơn là việc những thị trấn Hàn Quốc này do các chế độ cầm quyền Hàn Quốc và Mỹ thiết lập và ủng hộ. Chính phủ Hàn Quốc phát đăng ký cho tất cả gái điếm quân đội và thẻ đăng ký giúp họ ra vào những điểm R&R này. Giấy thông hành duy nhất mà một nam giới cần là một bộ quân phục Mỹ.
Vào cuối những năm 1950, Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc đã ký Hiệp ước phòng thủ chung, chính thức cho phép quân đội Mỹ đóng ở Hàn Quốc. Hiệp ước quy định các địa điểm R&R sẽ được cung cấp cho lính Mỹ. Thậm chí vào năm 1988, lính Mỹ vẫn còn sử dụng các thị trấn Hàn Quốc này.
Ngoài ra, các con số thống kế cho thấy có hơn 18.000 gái điếm phục vụ 43.000 lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc. Một số chuyên gia nói rằng ở đâu có lính Mỹ, ở đó sẽ có các nhà thổ do Chính phủ tài trợ và ủng hộ.
Điều tương tự cũng xảy ra trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam thời kỳ những năm 1960 và 1970. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Việt Nam và Hàn Quốc là các địa điểm R&R không gắn trực tiếp với các căn cứ quân sự. Đa số các cơ sở R&R nằm ở Bangkok, Thái Lan, và hàng nghìn binh sĩ được đưa tới đó để giải trí.
Mỹ đã ký một hiệp định với Thái Lan năm 1967 để cung cấp loại dịch vụ R&R cho binh sĩ. Hiệp định này mở cửa cho một luồng tiền khổng lồ đổ vào nền kinh tế Thái. Nguyên nhân là Chính phủ Mỹ muốn tài trợ cho các địa điểm R&R để đảm bảo tinh thần tốt cho các binh sĩ. Liên tục từ giữa năm 1962 tới 1976, gần 700.000 lính Mỹ được đưa tới các nhà thổ R&R ở Thái Lan mỗi năm để giải toả căng thẳng của cuộc chiến.
Nhà thổ phục vụ lính Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc Mỹ chiếm đóng Philippines. Kể từ khi quân đội Mỹ rời khỏi nước này vào đầu những năm 1990, số các cơ sở nghỉ ngơi và giải trí đã giảm mạnh. Tuy nhiên, trước đó, Philippines là một trong những cơ sở R&R lớn nhất châu Á.
Căn cứ hải quân Olongapo ở vịnh Subic, gần Manila, có một vấn đề lớn với nạn mãi dâm tới mức Chính phủ Mỹ đã tài trợ xây dựng các bệnh viện cho các gái điếm quân đội để kiểm tra, phát hiện các bệnh hoa liễu. Tuy nhiên, chỉ có các gái điểm được cấp phép phục vụ lính Mỹ (khoảng 6.000) mới được tới khám ở những bệnh viện đó.
Điều không may là việc sử dụng các R&R hiện vẫn đang diễn ra, gần đây nhất là trong chiến tranh vùng Vịnh ở Iraq. Ngay sau cuộc chiến này, quân đội Mỹ đã được đưa tới Thái Lan để vui chơi tại các R&R.
Nga định theo kinh nghiệm Đức
Có ba nỗ lực để lập các nhà thổ trong Quân đội Nga suốt Thế chiến thế giới thứ nhất. Cả Chính phủ Sa hoàng và Chính phủ lâm thời đều lập kế hoạch thiết lập các nhà thổ trên chiến trường để phục vụ nhu cầu của quân đội, tất nhiên là vì một số lý do. Những người Bolshevik có một kế hoạch tương tự hồi tháng 4/1917. Các nhà thổ của quân đội Nga sẽ có mô hình tương tự như các nhà thổ của quân đội Đức - những nhà thổ đã phục vụ binh sĩ Đức kể từ năm 1915.
Quân đội Nga đã chiếm được nhiều nhà thổ trên chiến trường Đức, sau cuộc tấn công Brusilov vào mùa hè năm 1916. Các tờ báo Nga đưa tin rằng người Cossacks đã đối xử với những cô gái mua vui theo một phong cách rất ga lăng. Những cô gái này đã ở với những người Cossacks trong một thời gian dài khi quân Nga tiến xa hơn về phía Tây.
Tổng hành dinh Nga đã làm ngơ trước sự truỵ lạc này vì quân đội dưới sự chỉ huy của Tướng Brusilov đang chiến đấu rất cừ vào thời điểm đó. Cuộc chiến cuối cùng không phân thắng bại, kéo dài và các bên bị sa lầy trong những chiến hào. Kết quả là các nhà thổ bắt đầu mọc lên gần các đơn vị tiền tiêu của quân Nga.
Chính phủ lâm thời Nga dự định hợp pháp hoá hoạt động của các nhà thổ quân đội. Tháng 3/1917, Ngoại trưởng Nga khi đó là Pavel Milyukov, một người tích cực ủng hộ ’’cuộc chiến cho tới khi thắng lợi’’ đề xuất sử dụng kinh nghiệm của Đức và thiết lập các nhà thổ trên chiến trường cho quân đội Nga. Milyukov đưa ra đề xuất này một vài ngày trước khi đệ đơn từ chức. Theo Milyukov, các nhà thổ có tác dụng thúc đẩy nhuệ khí của quân đội. Ngoài ra, biện pháp này còn nhằm thay đổi quan điểm thù địch của binh sĩ đối với Chính phủ lâm thời.
Đề xuất của Milyukov không giành được sự ủng hộ chính thức. Chính phủ lâm thời hoãn đề xuất này cho tới thời điểm thuận lợi hơn. Tuy nhiên, ban chấp hành thuộc Hội đồng các đại biểu công nhân và binh sĩ Petrograd rõ ràng là đã ghi nhận đề xuất của Milyukov.
Tháng 4/1917, Hội đồng ban hành lệnh số ba với ý định xem xét việc thành lập các nhà thổ trên chiến trường dành cho quân đội Nga, theo kinh nghiệm của Đức. Hội đồng hy vọng rằng các biện pháp này sẽ góp phần giảm tỷ lệ tội phạm bạo lực đang ở mức cao mà các quân nhân phạm phải đối với dân địa phương. Tuy nhiên, cuối cùng chẳng có bước đi cụ thể nào được tiến hành.