Những điều ít biết về tên lửa đạn đạo Scud

Không một loại tên lửa đạn đạo nào xuất hiện nhiều trong các cuộc xung đột ở thế kỷ XX và XXI bằng R-17 của Liên Xô.

Được thế giới biết đến với cái tên Scud, tên lửa R-17 đã được sao chép và hiện đại hóa rất nhiều so với phiên bản gốc. Khoảng 3.000 quả tên lửa tầm ngắn này đã được khai hỏa trong các cuộc xung đột trên thế giới ở nửa cuối thế kỷ XX.

Với sự đơn giản, độ tin cậy cao và chi phí thấp, R-17 đã xuất hiện trong các kho vũ khí của hơn 30 quốc gia và được chế tạo ở khắp nơi theo giấy phép của Nga hoặc sao chép một cách đơn thuần. R-17 được bắn thử nghiệm vào năm 1957 sau 2 năm phát triển nhằm thay thế cho tên lửa hạt nhân chiến thuật thế hệ đầu tiên R-11 của Liên Xô. Những tên lửa này có nguồn gốc từ tên lửa V2 do Phát xít Đức chế tạo, loại tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới với hơn 1.300 quả bắn vào London (Anh) trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

R-17 tại Leningrad năm 1982. Ảnh: Itar-tass

Không giống như tên lửa R-11, việc sử dụng nhiên liệu đã được cải thiện cho phép tên lửa Scud tồn tại hơn 20 năm mà không cần chế độ bảo dưỡng kỹ thuật cao. Điều này và một số sự cải tiến khác giúp Scud có tầm bắn tối đa 300 km ở biến thể đầu tiên, trong khi nó nhỏ và nhẹ hơn so với tên lửa R-11.

Tên lửa Scud có thể mang theo đầu đạn nổ thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân và có thể phá hủy một mục tiêu trong phạm vi đường kính 600 m trong tầm bắn hiệu quả.

Biến thể mang đầu đạn hạt nhân của tên lửa này là một loại vũ khí chủ lực của Lực lượng tên lửa Liên Xô trong khi các tên lửa thông thường truyền thống được xuất khẩu. Từ những năm 1960 và 1980, các tên lửa Scud đã được chuyển hoặc viện trợ cho một loạt các đối tác quốc tế của Liên bang Xô Viết. Khoảng 1.000 quả tên lửa này đã được bán cho các nước như Ai Cập, Iraq, CHDCND Triều Tiên, Cuba, Libya, and Syria. Nhiều trong số chúng bắt đầu được các nước mua tự sản xuất trên cơ sở giấy phép của Liên Xô hoặc sao chép không phép đơn thuần.

Năm 1984, Triều Tiên đã bắt đầu sản xuất tên lửa của riêng mình, Hwasong-5 và đã xuất khẩu hàng trăm quả tên lửa này sang nước thứ 3 như Liên đoàn Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất, Libya, Ai Cập và Pakistan. Năm 1987, Iraq cũng đã hoàn thành sản phẩm của mình là tên lửa Al-Hussein có tầm bắn lớn hơn do giảm tải trọng. Baghdad đã bán công nghệ này, cụ thể là cho Brazil. Một phần trong chương trình tên lửa Scud của Iraq là một biến thể để phóng vệ tinh nặng 150 kg vào không gian.

Hệ thống tên lửa R-17 năm 1968.

Một bản sao nổi bật khác của Scud là phiên bản của Ai Cập, từng được sử dụng trong cuộc chiến tranh Yom Kippur tháng 10/1973, tên lửa này đã khai hỏa nhằm vào lực lượng của Israel qua kênh đào Suez. Chỉ có 7 binh sĩ Israel thiệt mạng, nhưng một thực tế là những quả tên lửa đạn đạo mà Ai Cập sử dụng đã cho thấy một sự răn đe hiệu quả, kể từ đó, chúng đã đặt ra một mối đe dọa đối với các mục tiêu chiến lược ở sâu bên trong hậu cứ và các thành phố của đối phương. Điều này đã khiến cho phía Israel phải sẵn sàng đồng ý về một lệnh ngừng bắn.

Trong cuộc chiến tranh ở Afghanistan (1979-1989), Liên Xô cũng đã sử dụng tên lửa R-17 chống lại lực lượng du kích thánh chiến Hồi giáo Iran và Pakistan trú ẩn ở những vị trí nằm sâu trong các hẻm núi và được bảo vệ tốt.

Trong cái gọi là "Cuộc chiến tranh giữa các thành phố" trong cuộc xung đột Iran - Iraq (1980-1988), cả hai bên sử dụng tên lửa Scud chống lại nhau, bắn tổng cộng khoảng 600 tên lửa. Đến cuối cuộc chiến, cơ sở hạ tầng và các thành phố thuộc tỉnh Khuzestan của Iran đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Iraq cũng bị phá hủy nghiêm trọng, trong đó có cả thủ đô Baghdad.

 

Tên lửa Scud trong một cuộc diễu hành tại Moskva năm 2012. Ảnh: Itar-tass

Tên lửa R-17 cũng được sử dụng nhiều trong chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991). Iraq đã bắn 40 quả tên lửa vào lãnh thổ Israel và 46 quả vào lãnh thổ của Saudi Arabia. May mắn là những tên lửa này chỉ rơi vào những khu dân cư thưa thớt nên thiệt hại về người không đáng kể. Tại Israel, chỉ có 2 người chết và 11 người bị thương. Nhưng một quả tên lửa Scud rơi vào một doanh trại của quân đội Mỹ tại thành phố Dhahran của Saudi Arabia khiến ít nhất 26 lính Mỹ bị thiệt mạng và 100 người khác bị thương. Đó là sự tổn thất lớn nhất của lực lượng liên quân trong một ngày trong chiến dịch "Bão táp Sa mạc".

Trong khi đó, mặc dù được triển khai rộng khắp, tên lửa đất-đối-không Patriot của Mỹ chỉ đánh chặn thành công 20% các tên lửa Scud. Trong một sự cố, 26 tên lửa Patriot đã thất bại trong việc đánh chặn 1 tên lửa R-17, một sự cân bằng cực kỳ thuận lợi cho người Iraq bởi vì một hệ thống tên lửa Patriot có chi phí gấp 3 lần so với một hệ thống tên lửa Scud.

Tên lửa Scud và những biến thể có nó hiện vẫn còn trong biên chế của rất nhiều quân đội trên thế giới. R-17 vẫn không thay đổi về giá cả, độ tin cậy và tính đơn giản. Tên lửa này có lẽ đã có chỗ đứng của riêng mình trong suốt nhiều thập kỷ của các cuộc xung đột toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại